Nợ xấu là điểm nóng của các ngân hàng trong năm 2023. Biểu hiện, từ báo cáo tài chính của gần 30 ngân hàng niêm yết đã công bố cho thấy, tổng số dư nợ xấu đã tăng 40% so với cuối năm 2022, đạt xấp xỉ 195 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, số dư nợ xấu tại nhiều nhà băng có tốc độ tăng nhanh sau 1 năm như TPBank (200%); BacABank (78%); MSB (107%); ACB (93%); TCB (97%); Sacombank (156%); MB (94%); NCB (92%);…
Cũng theo Thống kê của Etime, TOP 10 số dư nợ xấu lớn nhất tính đến cuối năm 2023 bao gồm: VPBank; BIDV, VietinBank, NCB, SHB, Vietcombank; Sacombank, MBBank, VIB và HDBank.
Nợ xấu đang là vấn đề "nhức nhối" của các ngân hàng trong bối cảnh kinh tế đang đối diện với nhiều khó khăn như hiện nay. Dữ liệu của Wigroup chỉ ra rằng, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tăng nhanh, lên trên ngưỡng 3%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu có xu hướng giảm xuống dưới 100%, thay vì luôn ở trên 100% như trước.
Còn tại báo cáo gần đây, bộ phận nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, tỷ lệ nợ xấu có thể sẽ tăng trở lại trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.
Trước đó từ cuối năm 2022 cho đến nay, các quy định được ban hành chủ yếu theo hướng cho ngân hàng cơ chế trì hoãn trong việc ghi nhận và trích lập dự phòng cũng như tạo điều kiện gia hạn thêm thời gian cho các chủ đầu tư bất động sản giải quyết các nghĩa vụ nợ sắp đến hạn.
Tuy nhiên, kể cả với những cơ chế như vậy, nợ xấu và nợ cần chú ý tại nhiều ngân hàng đã tăng trong năm qua. Dự báo của các nhà phân tích, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 sẽ tiếp tục 'phình to".
Thực tế, thời gian qua việc triển khai áp dụng Thông tư 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02) tạo điều kiện cho các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng đã góp phần kìm hãm sự gia tăng của nợ xấu . Do đó, nhiều lãnh đạo nhà băng lo ngại, khi Thông tư 02 hết hiệu lực vào tháng 6 tới đây sẽ gây áp lực không nhỏ đến khả năng thanh toán nợ của các doanh nghiệp; nhất là trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực. Đồng thời, phần lớn các nội dung của Nghị quyết 42/2017/QH14 không được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 vừa được ban hành.
Ông Nguyễn Đình Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho biết, đây sẽ là khó khăn của các tổ chức tín dụng trong thời gian tới. Việc thu hồi nợ hiện rất khó khăn, đặc biệt là nợ vay tiêu dùng. Rất nhiều cán bộ thu hồi nợ bỏ việc, riêng FE Credit (công ty tài chính thuộc VPBank) có đến 50% nhân viên thu hồi nợ nghỉ việc.
Tại Techcombank, ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc ngân hàng cho hay, nợ xấu của Techcombank đến cuối tháng 1/2024 ngang bằng với cuối năm 2023, với tỷ lệ 1,2%.
Số nợ được cơ cấu lại của khách hàng tại Techcombank theo Thông tư 02 đến cuối tháng 1/2024 là khoảng 6.000 tỷ đồng và hiện khách hàng cũng bắt đầu trả nợ dần. Tuy nhiên, theo ông Thắng, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian trả nợ thì Techcombank cũng kiến nghị được gia hạn thêm thời gian đối với việc cơ cấu và trả nợ tại Thông tư 02.
Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành VietinBank cũng tiết lộ, đến thời điểm này, VietinBank đã cơ cấu lại nợ cho khoảng 290 khách hàng, với số dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng. Ông Sơn cũng kiến nghị gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN do khách hàng còn khó khăn trong những tháng đầu năm 2024, nên cần có thêm thời gian trả nợ.
Tại LPBank, ngân hàng đã cơ cấu được khoảng 2.500 tỷ đồng dư nợ theo Thông tư 02. Theo ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc LPBank, việc trả nợ đến khi Thông tư 02 đến hạn vào ngày 30/6 là câu chuyện khó khăn đối với nhiều khách hàng. Do đó, LPBank mong muốn được Ngân hàng Nhà nước gia hạn thêm thời gian cơ cấu, gia hạn nợ theo Thông tư 02.
Đồng tình, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB cũng đề nghị, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét gia hạn thêm 1 năm, tức đến tháng 6/2025, để giúp khách hàng và ngân hàng có điều kiện và thời gian trong việc trả nợ. Lãnh đạo SeABank cũng có kiến nghị tương tự.
Về vấn đề này, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, cần thiết gia hạn thêm thời gian của Thông tư 02, do thị trường hiện còn khó khăn, khách hàng cần thêm thời gian để cơ cấu và trả nợ. Tuy nhiên theo ông Minh, cần có sự nghiên cứu, phân tích và dự báo về khó khăn cũng như sự phục hồi của nền kinh tế để lấy điểm mốc gia hạn thời gian, chứ không thể nói là gia hạn thêm 6 tháng hay 1 năm.
Trước đề xuất của các ngân hàng , Phó thống đốc Đào Minh Tú cho hay, Ngân hàng Nhà nước nhất trí với chủ trương kéo dài Thông tư 02/2023/TT-NHNN, còn thời gian kéo dài thêm bao lâu, nửa năm, một năm, thì cần có đánh giá kỹ hơn. "Đề nghị Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Cơ quan thanh tra, Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách tiền tệ đề xuất cơ chế và cơ chế này phải được ban hành ngay trong quý I/2024", ông Tú nói.