Giống nhiều người Malaysia khác, Adit Rahim lớn lên với - và sở hữu - những chiếc Proton và Perodua - những thương hiệu ô tô nội địa của Malaysia. Anh đã nghĩ đến việc chuyển sang xe điện nhưng quyết định không mua BYD và Tesla - những thương hiệu xe điện phổ biến nhất trên thị trường. Anh muốn đợi chiếc xe điện đầu tiên của Proton, dự kiến ra mắt cuối năm nay.
“Chiếc xe đầu tiên và thứ 2 của tôi đều là Proton, cả 2 đều là xe cũ”, vị chuyên gia truyền thông 47 tuổi chia sẻ với Rest of World. “Tôi đã nghiêm túc cân nhắc việc mua một chiếc Tesla nhưng nó nằm ngoài tầm với còn BYD thì không có chiếc nào phù hợp với nhu cầu của tôi”.
Mức mức giá thấp, các mẫu xe thuộc 2 thương hiệu nội địa Proton và Perodua đã trở thành chiếc xe đầu tiên của nhiều thế hệ người Malaysia. Chúng chiếm gần 2/3 doanh số bán ô tô tại Malaysia, trái ngược với nhiều quốc gia Đông Nam Á khác – nơi các thương hiệu Nhật Bản và Hàn Quốc thống trị.
Khi doanh số xe điện tăng vọt, BYD đang chiếm ưu thế nhưng với người Malaysia, họ đang trông cậy vào Proton và Perodua để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xe điện .
Vào tháng 6, Proton – được đối tác Trung Quốc là Geely Holding hậu thuẫn – đã công bố thương hiệu xe điện của riêng mình là e.Mas với kế hoạch ra mắt mẫu xe đầu tiên vào cuối năm. Những chiếc xe này sẽ được sản xuất tại nhà máy của Proton ở bang Perak. Geely cũng cân nhắc thành lập một nhà máy Proton ở nước láng giềng Thái Lan với các mẫu xe hướng đến thị trường Đông Nam Á.
Mục tiêu của chúng tôi với Proton e.Mas là thực hiện lời hứa cung cấp mẫu xe thuần điện đầu tiên của Malaysia”, ông Li Chunrong – Giám đốc điều hành của Proton phát biểu tại buổi lễ ra mắt thương hiệu. Ông cho biết việc tiếp cận công nghệ của Geely cho phép Proton đưa ra nhiều tính năng mới. “Chúng tôi tin rằng nó không chỉ gây ấn tượng với những đột phá sáng tạo mà còn tạo được tiếng vang sâu sắc với người dùng về mặt cảm xúc”.
Kết nối với người dân Malaysia về mặt cảm xúc là điều tạo nên khác biệt của Proton và Perodua trên thị trường Malaysia ngày càng đông đúc. Được thành lập vào năm 1983, Proton ban đầu sản xuất các mẫu xe giá rẻ của Mitsubishi theo thỏa thuận với công ty Nhật Bản.
Proton sản xuất chiếc xe đầu tiên thiết kế trong nước vào năm 2000 và thành lập nhà máy tại các quốc gia bao gồm Pakistan, Nepal và Sri Lanka. Họ xuất khẩu xe sang một số quốc gia châu Á và châu Phi.
Geely – hiện sở hữu các thương hiệu như Volvo, Zeekr – đã mua 49,9% cổ phần của công ty vào năm 2017. Theo Paultan, mẫu xe điện đầu tiên của Proton được phát triển dựa trên mẫu Geely Galaxy E5 – cũng là mẫu SUV thuần điện đầu tiên của Geely.
Perodua , trong khi đó, được thành lập năm 1993 với Daihatsu của Nhật Bản nắm giữ cổ phần thiểu số. Đây là nhà sản xuất ô tô lớn nhất Malaysia, hơn cả Proton. Perodua đã ra mắt nguyên mẫu xe điện đầu tiên hồi tháng 5, được phát triển thông qua quan hệ đối tác với 3 trường đại học địa phương, dự kiến ra mắt năm 2025.
“Chúng tôi muốn chiếc xe mang phong cách Malaysia nhất có thể”, CEO Zainal Abidin Ahmad của Perodua cho hay.
Giá cả sẽ là yếu tố then chốt. Abhik Mukherjee, nhà phân tích ô tô tại Counterpoint Research, cho biết Perodua và Proton dự kiến đặt giá khởi điểm cho xe điện của họ dưới 25.000 USD, thấp hơn đáng kể so với mức trên 30.000 USD của BYD và Tesla. BYD và Tesla hiện cùng nhau chiếm gần 80% doanh số bán xe điện tại Malaysia.
“Để thúc đẩy ngành này, Malaysia cần các thương hiệu trong nước. Proton và Perodua có thể tạo ra sự cạnh tranh bằng cách cung cấp các mẫu xe rẻ hơn”, nhà phân tích này nói. “Với thị phần hiện tại của Perodua và Proton, họ sẽ dễ dàng bán xe điện của mình vì cả 2 đã có chỗ đứng vững chắc và đáng tin cậy”.
Malaysia cũng có các biện pháp để thúc đẩy xe điện nội địa. Từ cuối năm 2025, chính phủ sẽ ngừng miễn thuế đối với xe điện nhập khẩu. Họ cũng đang khuyến khích BYD, Tesla thành lập nhà máy tại địa phương.
Năm ngoái, doanh số ô tô du lịch của Malaysia đạt 720.000 xe. Kế hoạch của quốc gia này là xe điện chiếm 15% tổng số xe bán ra vào năm 2030, từ mức khoảng 3% hiện tại. Shahrol Hami – Chủ tịch CLB xe điện Malaysia cho biết doanh số xe điện sẽ tăng khi Proton và Perodua tung ra các mẫu xe điện của họ. “Họ có lợi thế lớn là doanh nghiệp nội địa, có mối quan hệ và mạng lưới tốt hơn”.
Tuy nhiên, có một thách thức lớn là việc đảm bảo hạ tầng sạc, đặc biệt là các tòa nhà cao tầng tại Kua Lumpur, Halmi cho biết. Malaysia hiện có hơn 2.000 trạm sạc điện với mục tiêu là 10.000 trạm vào năm 2025.
Ngoài lợi thế sản xuất nội địa, nhận hậu thuẫn của chính phủ, Proton và Perodua có lợi thế lớn khác là những người dùng trung thành như Adit – người gần nhất đã mua một chiếc SUV Proton X90.
“Không có chiếc xe nào trên thị trường phù hợp với tiêu chí của tôi trong phạm vi giá mà tôi chấp nhận. Tôi chắc chắn sẽ đợi mua xe e.Mas của Proton. Đây là khoản đầu tư tốt cho gia đình tôi”, anh nói.
Nguồn: Rest of World