Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC) – ông lớn trong ngành bất động sản khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương mới đây đã lần đầu công bố báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty trước thời điểm tổ chức IPO vào đầu tháng 12 tới.
Theo báo cáo tài chính năm 2016 vừa được công bố, Becamex IDC đạt tổng doanh thu 7.300 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 1.882 tỷ đồng, tăng 12%. Tuy nhiên, chi phí hoạt động tăng mạnh không kém.
Doanh thu tài chính giảm mạnh từ 575 tỷ đồng năm 2015 xuống còn 273 tỷ đồng trong năm 2016 trong khi chi phí tài chính tăng 28% lên mức 824 tỷ đồng, khoản chi phí lớn nhất mà Tổng công ty phải trả trong năm. Ngoài ra, chi phí bán hàng và chi phí quản lý cùng tăng hơn 11%, lần lượt ở mức 728 tỷ đồng và 418 tỷ đồng so với cùng kỳ và vượt trội đà tăng doanh số.
Trông chờ vào lãi từ Liên doanh VSIP
Lợi nhuận từ hoạt động liên doanh liên kết trở thành nguồn sống chủ lực của Becamex IDC khi đạt mức 683 tỷ đồng. Nhờ đó, Becamex IDC ghi nhận mức lợi nhuận ròng sau thuế thuộc về công ty mẹ tăng 34% lên mức 787 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Trong nhóm công ty liên doanh liên kết của Becamex IDC, Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) đang trở thành đầu tàu mang về lợi nhuận tốt nhất cho Tổng công ty này. Riêng năm 2016, Becamex IDC thu về 619 tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 90% trong tổng số thu được từ hoạt động liên doanh liên kết và chiếm đến ¾ lợi nhuận trước thuế của Tổng công ty.
Với giá gốc đầu tư 461 tỷ đồng, tính đến cuối 2016, khoản đầu tư này đã tăng giá trị gần gấp 10 lần lên mức 4.122 tỷ đồng.
Liên doanh VSIP được Thủ tướng Võ Văn Kiệt lần đầu tiên đề xướng đến Thủ tướng Goh Chok Tong vào tháng 3 năm 1994 và đến 1996 thì khởi công xây dựng Visip I. Becamex IDF góp 49% vốn. Từ dự án ban VSIP I đầu tiên tại Bình Dương, VSIP đã mở rộng dự án VSIP II cũng tại Bình Dương và nhiều tỉnh khác bao gồm: Bắc Ninh (2007), Hải Phòng (2010), Quảng Ngãi (2013), Hải Dương và Nghệ An (2015) và sắp tới là VSIP III tại Tân Uyên, Bình Dương.
Không được như VSIP, liên doanh có vốn đầu tư lớn nhất của Becamex IDC là Công ty TNHH Becamex Tokyu vẫn đang tiếp tục chịu lỗ gần 5 tỷ đồng trong năm 2016, nâng số lỗ lũy kế lên mức 83 tỷ đồng. Becamex Tokyu được thành lập vào tháng 3 năm 2012, công ty liên doanh giữa tập đoàn Tokyu và Tổng công ty Becamex IDC. Becamex đã góp 3.010 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 48,6% vào liên doanh này nhằm triển khai nhiều dự án nhà ở tại Thành phố mới Bình Dương. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả.
Nguồn: BCTC kiểm toán 2016 Becamex IDC
Tính đến 31/12/2016, Tổng tài sản của Becamex tăng 12% lên mức 57.246 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho tăng 14% lên đến 26,270 tỷ đồng, chiếm gần ½ tài sản. Tài sản dở dang dài hạn cũng ghi nhận mức 20.222 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.
Nguồn vốn của Becamex IDC vẫn chủ yếu được tài trợ từ nợ. Nợ phải trả của Tổng công ty tính đến 31/12/2016 tăng 9% lên mức 44.197 tỷ đồng, chiếm hơn ¾ tổng nguồn vốn. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 13.050 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, dù ghi nhận lợi nhuận trong năm 2016, Becamex IDC lại ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là số âm 236 tỷ đồng. Ngược lại, số tiền lãi năm 2016 cùng với số lũy kế cuối 2015 là 126 tỷ đồng được phân bổ hết vào quỹ sắp xếp doanh nghiệp với con số 1.242 tỷ đồng.
Hiện Becamex IDC đang trong quá trình chuẩn bị những thủ tục cuối cùng để tiến hành IPO. Tổng công ty đứng đầu về diện tích đất KCN cả nước này dự kiến sẽ tổ chức tổ chức bán đấu giá lần đầu ra công chúng 311,2 triệu cổ phần với giá khởi điểm là 31.000đ/cp trên HSX vào ngày 1/12/2017.
Vốn điều lệ của Tổng công ty này được xác định là 13.170 tỷ đồng (580 triệu USD), tương đương 1.317.000.000 cổ phiếu. Ở mức giá tham chiếu, Becamex IDC có vốn hóa thị trường ban đầu là 40.827 tỷ đồng, tương đương gần 1,8 tỷ USD.
BCTC Becamex IDC