Tư duy mới về nợ
Đại dịch đã đẩy nợ công toàn cầu lên mức cao nhất kể từ Thế chiến II, cao hơn nhiều so với sản lượng kinh tế hàng năm của thế giới. Các chính phủ, đặc biệt là những quốc gia giàu, vẫn đang tích cực đi vay, một phần là để bù đắp những thiệt hại của Covid-19.
Những người ủng hộ việc mạnh tay chi tiêu này – một phần được khuyến khích bởi tư duy kinh tế mới về nợ, cho biết động thái trên có thể mở ra một thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu. Những khoản nợ sẽ khắc phục hoàn toàn những khó khăn mà nhiều nước giàu phải gánh chịu trong thế kỷ này. Tuy nhiên, quan điểm này không có cơ sở, thế giới đang chìm trong những khoản nợ tăng cao sẽ dẫn đến lạm phát, tăng thuế và thậm chí là vỡ nợ.
Hiện tại, sự kết hợp giữa khối nợ khổng lồ và tình trạng thờ ơ của thị trường đang diễn ra ở mức độ chưa từng có. Chính phủ Mỹ dự đoán ngân sách sẽ thâm hụt 3 nghìn tỷ USD trong năm thứ 2 liên tiếp. Bất chấp điều đó và lo ngại về lạm phát, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ 10 năm hiện giao dịch quanh mức khoảng 1,33%, một phần là do Fed thận trọng về việc nâng lãi suất.
Trong khi đó, nợ chính phủ của Nhật Bản sắp vượt qua con số 4 triệu tỷ yen (gần 10 nghìn tỷ USD). Ngay cả với việc nợ công đã tăng lên mức 250% GDP, Tokyo lại không chi tiêu thêm cho lãi suất nhiều như những năm 1980 – khi nợ công ở khoảng 2/3 GDP.
Hy Lạp - quốc gia với mức nợ công lớn nhất, vẫn tiếp tục đi vay và nhà đầu tư đang chấp nhận thực tế rằng lợi suất trái phiếu của họ thậm chí còn thấp hơn nhiều so với trái phiếu Mỹ. Ngay cả một số quốc gia phát triển, như Ấn Độ, đang chờ đón lợi ích từ việc chính phủ đi vay nhiều hơn mà thị trường lại không đưa ra phản ứng dữ dội nào.
Paul Sheard – nhà nghiên cứu tại Trường Harvard Kennedy và cựu kinh tế gia trưởng tại S&P Global, nhận định: "Thế giới đã thay đổi. Những khuôn khổ về tư duy đã trở nên khác biệt. Chúng ta không cần phải lo lắng về những khoản nợ."
Tư duy mới về kinh tế đã khuyến khích các chính trị gia mạnh tay đi vay, khi nhấn mạnh các điều kiện đi vay đã phát triển như thế nào kể từ khi áp dụng chính sách tài khóa một cách thận trọng trong những năm 1980 và 1990. Toàn cầu hóa, dân số già và các điều kiện ở Trung Quốc đã tạo nên một thế giới tràn ngập những khoản tiền luôn sẵn sàng để đầu tư.
Một phần các khoản tiền tiết kiệm đó đã tìm sự phòng vệ khỏi những bất ổn của thế giới bằng cách tìm đến những tài sản an toàn, chủ yếu là trái phiếu chính phủ của các nền kinh tế phát triển, bất chấp lợi suất thấp.
Giống như chiếc TV màn hình phẳng, nợ chính phủ càng rẻ thì con số đó càng phình to. Mỹ là quốc gia tích cực đi vay nhất để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau đại dịch. Ngay cả trước khi tung ra các biện pháp kích thích trong năm nay, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ đã dự đoán rằng nợ liên bang do người dân nắm giữ sẽ đạt mức 102% GDP vào cuối năm 2021, mức cao nhất kể từ sau Thế chiến II.
Các nhà kinh tế của JPMorgan lập luận rằng ngay cả khoản vay lớn của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến tổng lượng tiền tiết kiệm trên toàn cầu, trị giá hơn 25 nghìn tỷ USD mỗi năm. Mức tăng của khoản tiền này cũng phần nào làm giảm chi phí đi vay trong những thập kỷ gần đây.
Elena Duggar – phó giám đốc điều hành chiến lược tín dụng và nghiên cứu tại Moody’s Investors Service, cho biết: "Có một yếu tố giúp các nền kinh tế phát triển thoát khỏi cảnh nợ nần chồng chất, đó là chi phí trả nợ thấp."
Rủi ro lạm phát và lãi suất cao kéo dài
Trong khi đó, những người mang quan điểm chỉ trích cho rằng kế hoạch chi tiêu của Mỹ là quá lớn, có nguy cơ dẫn đến tình trạng nền kinh tế tăng trưởng quá nóng, lạm phát và lãi suất tăng kéo dài. Họ lo sợ Fed sẽ mắc kẹt trong một chính sách lãi suất thấp, gây ra sự dư thừa và rủi ro. Lãi suất cao và đồng USD tăng cũng có thể tạo vấn đề cho các nước phát triển với khoản nợ bằng USD cao.
Charles Goodhart – cựu thành viên ủy ban chính sách tiền tệ của BOE và giáo sư danh dự tại Trường Kinh tế London, cảnh báo rằng, dù đã hỗ trợ chi phí đi vay trong nhiều năm, làn sóng tiết kiệm trên toàn cầu có thể sẽ hạ nhiệt trong những năm tới.
Ông lo ngại rằng, các chính phủ có thể đã quá sợ hãi về đà hồi phục yếu ớt sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, ngay cả khi thời kỳ đó đang kết thúc.
Theo IIF, nợ công trên toàn thế giới đã tăng lên mức 105% GDP vào năm 2020 từ 88% trước đại dịch. IIF cho biết, tổng nợ công có thể tăng thêm 10 nghìn tỷ USD trong năm nay, đạt 92 nghìn tỷ USD với hầu hết mức tăng là ở các nền kinh tế phát triển.
Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi nhiều quốc gia sớm chuyển từ kích thích sang cắt giảm thâm hụt. Cuộc khủng hoảng nhiều đau thương của Hy Lạp đã làm nổi bật những rủi ro về nợ. Giờ đây, ngay cả quốc gia này cũng nhận thấy đẩy mạnh việc đi vay là điều khả thi nhờ chi phí đi vay thấp.
Tiếp tục đi vay bất chấp mối nguy hiểm tiềm tàng
Từ Rome, Tokyo cho đến Washington, các chính phủ đã quyết định nắm bắt cơ hội và chi tiêu mạnh tay để giúp nền kinh tế thoát khỏi cuộc suy thoái do Covid-19 gây ra. Các biện pháp kích thích không chỉ nhằm mục đích xóa bỏ những "tàn dư" của sự suy thoái càng sớm càng tốt, mà còn để đầu tư vào sự đổi mới lâu dài cho nền kinh tế.
Theo ước tính của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Nhật Bản đã chi khoảng 800 tỷ USD cho các biện pháp kích thích kinh tế, tương đương 1/6 sản lượng hàng năm. Sau đó, chính phủ nước này tiếp tục bơm thêm hàng trăm tỷ USD, nhưng lạm phát vẫn ở mức 0.
Bản thân lạm phát không hoàn toàn là rắc rối đối với các quốc gia có khoản nợ công lớn, mà có nghĩa là GDP và doanh thu thuế tăng lên về mặt danh nghĩa, trong khi quy mô của các khoản nợ hiện tại vẫn cố định. Lạm phát đã giúp các nước phương Tây như Anh và Mỹ giảm bớt gánh nặng nợ sau Thế chiến II.
Paul De Grauwe – giáo sư Trường Kinh tế London, nhận định, yếu tố quan trọng đối với tính bền vững của nợ là mối quan hệ giữa lãi suất và tăng trưởng. Theo ông, miễn là một quốc gia phát triển nhanh hơn so với lãi suất mà họ phải trả, thì tỷ lệ nợ của quốc gia đó có xu hướng giảm một cách tự nhiên.
Mặt khác, nếu lãi suất tăng vượt quá mức tăng trưởng, thì mối nguy hiểm đang rình rập. Để kiểm soát, các chính phủ có thể phải tăng thuế hoặc cho phép lạm phát tăng cao hơn để làm giảm gánh nặng nợ. Các NHTW có thể sẽ phải nâng lãi suất bởi các chính trị gia không muốn nền kinh tế rơi vào trạng thái quá căng thẳng.
Một lý do khiến các khoản nợ công bị "mang tiếng xấu" là một số quốc gia đang phát triển đã chao đảo vì những đợt vỡ nợ liên tiếp xảy ra. Tuy nhiên, trường hợp này thường là do quốc gia đó đi vay bằng đồng tiền tệ mà họ không kiểm soát, ví dụ như USD.
Hầu hết các nhà kinh tế đều đồng tình rằng, nợ chính phủ không thể tăng lên mãi mà không gây ra rắc rối. Ngoài ra, một số người cho rằng, mức nợ cao có thể vẫn tạo ra trạng thái an toàn nếu đó là nợ rẻ. Nhưng liệu khoản nợ 90 nghìn tỷ USD sẽ còn tăng cao đến mức nào?
Tham khảo Wall Street Journal