Kết quả kinh doanh ấn tượng cùng tiềm lực tài chính vững chắc giúp doanh nghiệp của các tỷ phú Việt mạnh tay chi tiền cho cổ đông ngay đầu năm mới.
CTCP Tập đoàn Masan - Masan Group (MSN) cho biết sẽ chi tạm ứng 1.175 tỷ trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10% (tương đương mỗi cổ đông sẽ nhận về 1.000 đồng/cp). Cụ thể, Masan sẽ chia làm 2 đợt tạm ứng cổ tức với lần lượt tỷ lệ 9,5% (950 đồng/cp) và tỷ lệ 0,5% (50 đồng/cp).
Trước đó, Masan đã chia cổ tức năm 2015 và tạm ứng cổ tức năm 2016 tổng tỷ lệ 30% và chia cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 10%. Trong năm 2020, dù ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng nhưng Masan quyết định trình phương án không chia cổ tức.
Với hơn 1,17 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang sẽ chi hơn 1.175 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho cổ đông trong đợt tạm ứng này.
Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long cũng đã phê duyệt phương án trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 40%, trong đó có 35% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt.
Với vốn điều lệ 33.133 tỷ đồng, tương ứng với hơn 3,31 tỷ cổ phiếu HPG đang lưu hành, Tập đoàn Hòa Phát sẽ chi khoảng 1.656 tỷ đồng tiền mặt và phát hành mới 1,16 tỷ cổ phiếu HPG để trả cổ tức.
Gia đình ông Trần Đình Long đang nắm giữ xấp xỉ 35% vốn cho nên sẽ nhận khoảng 580 tỷ đồng cổ tức tiền mặt trong vài tháng tới. Ông Long có ý định dùng tiền cổ tức để mua thêm cổ phiếu HPG.
Tổng CTCP Bảo Minh (BMI) cũng vừa chốt ngày 3/6 là ngày giao dịch không hưởng quyền để chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền với tỷ lệ 20%, tương đương khoảng 182 tỷ đồng.
Cổ tức là nguồn động viên lớn cho cổ đông và là động lực cho cổ phiếu tăng giá. |
Tập đoàn FPT của ông Trương Gia Bình chốt 1/6 là ngày giao dịch không hưởng quyền để chi trả cổ tức còn lại năm 2020 bằng tiền tỷ lệ 10%, tương ứng với 789 tỷ đồng sẽ được chuyển vào túi các cổ đông.
Cho tới thời điểm này, nhiều doanh nghiệp công bố thông tin về việc chi trả cổ tức, nhưng phần lớn cho năm 2020. Số doanh nghiệp tạm ứng cố tức cho năm 2021 không nhiều trong bối cảnh nền kinh tế không mấy thuận lợi, bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Dù vậy, việc các doanh nghiệp Việt, đặc biệt các tập đoàn lớn với hàng tỷ cổ phiếu lưu hành vẫn giữ được cổ tức cho cổ đông là điều đáng mừng. Nó cũng cho thấy tiềm lực và triển vọng lớn của doanh nghiệp.
Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận lợi nhuận tăng đột biến 200% trong quý I/2021 lên hơn 7.000 tỷ đồng. Giá cổ phiếu HPG tăng gấp đôi trong vòng 6 tháng qua, giúp vốn hóa của doanh nghiệp này vượt ngưỡng 10 tỷ USD, bỏ xa Vietinbank, BIDV.
Masan của ông Nguyễn Đăng Quang trong khi đó ghi nhận nhiều thông tin tốt với hàng loạt vụ mua bán sáp nhập (M&A), thâu tóm nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong các ngành hàng để mở rộng vị thế của mình. Masan cũng thực hiện được những thương vụ huy động vốn quốc tế đình đám, thuộc hàng số 1 Việt Nam. Dòng tiền tỷ USD trên thị trường vốn quốc tế đang giúp doanh nghiệp lớn mạnh nhanh chóng và gầy dựng đế chế đa ngành, mà gần nhất là vụ hút thêm 400 triệu USD tiền tươi từ nhóm Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA) sau khi sở hữu hệ thống bán lẻ trị giá khoảng 7 tỷ USD từ Vingroup.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index tiếp tục lập đỉnh cao lịch sử mới, lên trên ngưỡng 1.330 điểm.
Theo MBS, dòng tiền đổ vào thị trường ngày càng mạnh mẽ, nhịp giảm nhanh chóng bị hấp thụ bởi dòng tiền chưa có dấu hiệu đạt đỉnh trong 4 tháng qua. Chỉ số thị trường đang trong quá trình đi tìm các đỉnh cao mới, được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, hoặc các cổ phiếu được hưởng lợi từ thị trường hàng hóa cơ bản, v.v… MBS tiếp tục giữ nguyên quan điểm thử thách đối với thị trường trong những phiên tới là ngưỡng 1.350 điểm, trong khi ngưỡng hỗ trợ ở 1.300 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/5, chỉ số VN-Index tăng 7,59 điểm lên 1.328,05 điểm; HNX-Index tăng 7,4 điểm lên 317,85 điểm. Upcom-Index tăng 2,66 điểm lên 88,77 điểm. Thanh khoản đạt 32,0 nghìn tỷ đồng.
V. Hà