Theo đó, từ nay đến cuối năm, công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát tiếp tục chịu áp lực do giá một số mặt hàng trên thế giới dự báo tiếp tục tăng cao. Điều này gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước qua kênh xuất nhập khẩu. Để kìm chế lạm phát dưới mức 4%, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từ nay đến cuối năm cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kìm giá các dịch vụ thiết yếu: Y tế, giáo dục, thị trường…
Duy trì động lực tăng trưởng kinh tế đến 2020
Đánh giá cao về đà tăng trưởng 2 quý đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, bốn mục tiêu cơ bản của kinh tế vĩ mô vẫn bảo đảm: Tăng GDP; ổn định giá cả; tăng việc làm, giảm thất nghiệp và xuất khẩu ròng. Tỉ lệ thất nghiệp xuống mức thấp trong nhiều năm qua, khoảng 2,2%.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhận định về những khó khăn từ nay đến cuối năm, trong đó, vấn đề xung đột thương mại Mỹ - Trung, các chính sách thuế quan của Mỹ đối với các nước mà Mỹ nhập siêu; Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ… cùng với đó, tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp gây nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống nhân dân là những thách thức không nhỏ trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định tăng trưởng.
Vì vậy, cần nhiều giải pháp mạnh mẽ để không chỉ duy trì đà tăng trưởng cho năm nay, mà còn phải đảm bảo ổn định tăng trưởng cho các năm tiếp theo đến 2020.
Ổn định chính sách tiền tệ, giá dịch vụ, thị trường
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiểm soát lạm phát, đảm bảo tốc độ tăng CPI dưới 4% góp phần hỗ trợ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN - cho rằng, NHNN điều hành tỉ giá không vì mục tiêu duy nhất nào mà phải hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỉ giá phù hợp cân đối vĩ mô, các diễn biến thị trường tiền tệ, ngân hàng.
Việt Nam là đối tác thương mại đầu tư của nhiều nước trên thế giới, nhưng khi điều hành, NHNN không chỉ căn cứ vào diễn biến một đồng tiền mà là diễn biến nhiều đồng tiền. Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, tính đến ngày 1.8.2018, tỉ giá trung tâm của Việt Nam đã tăng 1,1% so với cuối năm ngoái, với biên độ cho phép +/-3, tỉ giá liên ngân hàng biến động tăng 2,5% so với cuối năm 2017.
“Đây là diễn biến trong tầm kiểm soát của NHNN, phù hợp diễn biến xu hướng các đồng tiền trên thế giới và khu vực” - Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Đối với mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn đang tăng cao, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi - khẳng định: Nguồn cung thịt lợn không thiếu, sở dĩ một số ngày qua giá lợn hơi ở một số tỉnh phía Bắc tăng cao là do các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa tiếp cận được với các trang trại chăn nuôi lớn. Nếu khai thông nút thắt này, giá lợn hơi sẽ giảm xuống.
“Nguồn cung đầy đủ đảm bảo giá lợn hơi chỉ ở mức trên dưới 50.000đồng/kg, do đó giá sẽ không tăng đột biến. Trong trường hợp giá lên cao do thiếu hàng, các ngành liên quan sẽ kịp thời can thiệp bằng cách nhập khẩu thịt đông lạnh để cân bằng. Hơn nữa, hiện nay ngành chăn nuôi gia cầm đang phát triển rất tốt, bổ sung vào số lượng lợn thịt lợn nếu thiếu” - ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định.
Bộ GTVT cũng cho biết, đang và sẽ tiếp tục tiến hành rà soát các loại phí dịch vụ do ngành quản lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Liên quan tới phí BOT, thời gian qua bộ đã thống nhất, phê duyệt, giảm phí BOT tại nhiều dự án trong đó có 35 dự án BOT tiến hành giảm giá theo Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ. Đối với các loại cước, phí dịch vụ khác, bộ cũng tiến hành rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính hỗ trợ DN để gián tiếp kéo giảm phí dịch vụ.