Theo đó, tại kỳ điều hành giá chiều 21/9, giá bán lẻ xăng dầu vẫn tiếp giảm mạnh, cụ thể, giá xăng E5RON92 giảm 450 đồng/lít xuống còn 21.781 đồng/lít; xăng RON95 giảm 631 đồng/lít, xuống còn 22.584 đồng/lít; giá dầu diezen 0.05S giảm 1.644 đồng/lít về mức 22.536 đồng/lít; dầu hỏa giảm 1.977 đồng/lít còn 22.441 đồng/lít; dầu mazut giảm 383 đồng/kg xuống còn 14.656 đồng/kg.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, thị trường xăng dầu trong nước đã trải qua 24 lần điều chỉnh, trong đó 13 lần tăng, 10 lần giảm và một lần giữ nguyên.
Mặc dù đã có nhiều tín hiệu tích cực về giá, thế nhưng, thị trường xăng dầu được cho vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, nhất là khi, các doanh nghiệp bán lẻ vẫn liên tiếp “than” khó về chiết khấu, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Và đây là thực trạng được nêu ra tại Hội nghị về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, vừa qua.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Hạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Dầu khí Sơn Hải (Hà Nội) cho biết, từ tháng 7/2022 đến nay, chiết khấu các đầu mối xăng dầu cho thương nhân phân phối xăng dầu và các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu rất thấp, có thời điểm chiết khấu bằng 0 đồng/lít tại khi đầu nguồn.
“Với chiết khấu như trên, doanh nghiệp càng bán càng lỗ, chi phí không đủ bù đắp cho chi phí kinh doanh cố định, lỗ chồng lỗ. Trong khi các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương yêu cầu bán hàng và không được phép đóng cửa”, ông Hạnh nêu thực tế.
Dẫn lại các loại chi phí vận chuyển, chi phí hao hụt, chi phí tiền lương, chi phí khấu hao tài sản, chi phí điện nước... ông Hạnh cho hay, tổng chi phí cho mỗi lít xăng chi phí từ đầu nguồn đến bán lẻ từ 1.250 - 1.300 đồng/lít còn chi phí cho dầu là 1.130 - 1.250 đồng/lít.
Từ thực tế đã nêu, ông Hạnh kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát chặt chẽ giá thành đầu vào của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí thực tế cho các đầu mối nhập khẩu. Nhà nước cần có quy định yêu cầu các đầu mối nhập khẩu chiết khấu cho các đại lý mức hoa hồng tối thiểu để đảm bảo đủ chi phí trong kinh doanh.
Để ổn định thị trường xăng dầu trước những bất ổn, chuyên gia cho rằng, cần đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên trong chuỗi cung ứng - Ảnh minh họa: TCDN
Còn theo bà Nguyễn Thị Sinh - Giám đốc Công ty TNHH MTV xăng dầu Chiến Thắng (Yên Bái) cho rằng, với hệ thống cửa hàng ở xa kho Đức Giang (Long Biên, Hà Nội), chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra để vận chuyển trên mỗi lít xăng dầu là rất lớn, trong khi đó chiết khấu bằng 0 đồng khiến doanh nghiệp càng bán càng lỗ.
Cũng theo bà Sinh, với hệ thống cửa hàng ở vùng sâu vùng xa, hệ thống giao thông chưa thuận tiện, nếu chiết khấu tại kho bằng 0 thì doanh nghiệp không thể bù đắp được chi phí. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải duy trì hoạt động để phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn, đặc biệt ở những nơi vùng sâu vùng xa như doanh nghiệp bà Sinh đang hoạt động.
Trước những bất cập này, bà Nguyễn Thị Sinh đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước có giải pháp, quy định về mức chiết khấu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán lẻ hoạt động, đủ chi phí bù đắp.
“Thời điểm này chúng tôi chưa mong có lãi, chỉ mong thu đủ bù chi”, bà Sinh bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần TMDV và Xây lắp Dầu khí (một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội) cũng đề nghị các doanh nghiệp đầu mối cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bán lẻ.
Bà Hương cho rằng, các doanh nghiệp đầu mối để chiết khấu bằng 0 đồng là không bình đẳng.
“Doanh nghiệp bán lẻ là ở cuối chuỗi cung ứng, chúng tôi không thể đưa ra hoặc tự quyết định được mức chiết khấu cho mình, mà phải trông chờ vào sự “hào sảng” của doanh nghiệp đầu mối có chia sẻ hay không?”, bà Nguyễn Thị Bích Hường nêu bất cập.
Và trước thực trạng đã nêu, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - Bùi Ngọc Bảo cho rằng, xăng dầu là mặt hàng chịu quản lý của Nhà nước và phải hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Với các vấn đề doanh nghiệp bán lẻ đang gặp phải, cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, nhìn nhận vào hệ thống và trách nhiệm của mình cũng như với doanh nghiệp.
“Với chiết khấu bằng 0 đồng như hiện nay, không có doanh nghiệp nào tồn tại được cả. Chúng tôi đã kiến nghị với liên bộ cần đảm bảo cho doanh nghiệp có chi phí lưu thông. Chính sách hiện nay không thực rõ ràng, không có chế tài nào hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ cả”, ông Bảo nói.
Trước đó, các chuyên gia cũng cho rằng, cần sớm rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu để giải quyết dứt điểm những bất ổn trên thị trường hiện nay, tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung, kể cả thiếu hụt cục bộ. Và đây cũng là bất cập mà Petrolimex đã nêu ra khi nhấn mạnh các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở như phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (premium), chi phí vận tải tạo nguồn trong nước, chi phí định mức chưa được kết cấu đủ trong giá cơ sở từ chu kỳ điều hành giá ngày 11/7 đến nay theo quy định của Nghị định 95/2021.
Xoay quanh về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - Vũ Vinh Phú nhấn mạnh, việc xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu không được thay đổi cho phù hợp với thực tiễn đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.
Do đó, ông cho rằng các bộ - ngành liên quan, trong đó có Bộ Tài chính, cần phản ánh kịp thời các khoản chi phí tính toán trong công thức giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp.