Chia sẻ về thị trường chứng khoán tại buổi họp báo “VinaCapital – 15 năm đồng hành phát triển với Việt Nam”, ông Andy Ho - Giám đốc Điều hành của VinaCapital nói rằng thị trường đi xuống là cơ hội mua vào.
Nói về thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh tại châu Á, Giám đốc của VinaCapital cho rằng nguyên nhân không phải do giá dầu hay lãi suất. 'Thị trường chứng khoán Mỹ đóng vai trò dẫn dắt, các thị trường khác chỉ đi theo xu hướng tại Mỹ”.
Ông Andy Ho.
Ông Andy Ho nhấn mạnh gốc rễ vấn đề là ở thị trường Mỹ, do đó câu hỏi đúng là tại sao thị trường Mỹ giảm điểm? Ông đưa ra một số nguyên nhân khiến Down Jones giảm hơn 800 điểm là do IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đồng thời Fed đã tăng lãi suất quá nhanh, điều này đã bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích.
Ngoài ra, các cổ phiếu lớn trên thị trường Mỹ (như nhóm Facebook, Amazon, Netflix) cũng có giá quá cao, cộng thêm lãi suất ngắn hạn Mỹ tăng nhanh nên các công ty có PE cao dễ bị chốt lời nhanh. Chẳng hạn Netflix ở mức định giá rất cao và nhà đầu tư tìm lý do này để bán, không khó hiểu khi cổ phiếu mất hơn 8% phiên vừa qua.
Nói riêng về thị trường Việt Nam, ông Andy Hồ cho biết giá thị trường chứng khoán năm 2007 vẫn đắt hơn gấp đôi giá thị trường hiện tại, mặc dù về mặt chỉ số là như nhau. Thêm vào đó, khối lượng các công ty niêm yết đã tăng nhiều, chất lượng bề sâu của thị trường tốt hơn và tăng trưởng EPS của các công ty cao khoảng 16-18%. Do đó, ông cho rằng độ giảm tại thị trường Việt Nam không nhiều.
Việt Nam có thể hút 10 tỷ USD nếu vào MSCI
Về đầu tư nước ngoài, Giám đốc VinaCapital cho rằng nhà đầu tư nước ngoài vẫn muốn vào thị trường Việt Nam, nhất là khi chứng khoán nước ta đã được đưa vào danh sách theo dõi của FTSE và có thể sớm vào MSCI. Theo ông Andy Ho, các quỹ nước ngoài khi so sánh với chỉ số MSCI thì họ phải mua vào cổ phiếu Việt Nam để không bị đánh giá thấp hơn. Theo ước tính của ông, nếu Việt Nam vào MSCI, khối ngoại sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào TTCK trong nước.
Nhận định về chiến tranh thương mại, ông Andy Ho cho rằng đây cũng là cơ hội vì một số nhà đầu tư nước ngoài sẽ cân nhắc mở nhà máy ở Việt Nam để gia tăng sản xuất. Chiến tranh thương mại không quá liên quan đến việc xuất nhập khẩu mà liên quan nhiều hơn đến bản quyền trí tuệ, Việt Nam không sợ vấn đề này.
Về vĩ mô, nhu cầu dịch vụ sản phẩm Việt Nam vẫn tăng trưởng nhờ quá trình đô thị hóa. Mỗi năm, FDI được giải ngân khoảng 12-14 tỷ USD và vẫn tăng trưởng. Tài khoản vãng lai thặng dự 10-12 tỷ mỗi năm sẽ được tích lũy vào quỹ dự phòng lớn trên 60 tỷ USD. Với dự trữ lớn, tỷ giá Việt Nam mặc dù tăng nhưng vẫn khá ổn định nếu so với các nước Indonesia hay Ấn Độ. Ông Andy Ho cho rằng dự trữ lớn là vũ khí để đồng Việt Nam ổn định.