"Chúng tôi có lý do để tin rằng quân đội Nga đang lên kế hoạch và có ý định tấn công Ukraine trong tuần tới, trong những ngày tới. Chúng tôi tin rằng mục tiêu của họ là thủ đô Kiev của Ukraine, nơi có 2,8 triệu người dân vô tội", ông Joe Biden nói trong tuyên bố ngày 18/2.
Tuyên bố này được đưa ra khi có thông tin một lượng lớn quân đội Nga tiến vào sườn phía bắc và phía đông Ukraine. Phương Tây cho rằng những gì Nga đang làm lúc này giống với thời điểm họ sáp nhập bán đảo Crimea sau chính biến ở quốc gia láng giềng năm 2014.
Ông Biden cho biết mình sẽ dành cuối tuần để theo dõi cuộc Khủng hoảng Ukraine từ Nhà Trắng khi ông họp cùng đội ngũ cố vấn của mình. Ông Biden cũng sẽ giữ liên lạc chặt chẽ với các nhà lãnh đạo thế giới. Ông Biden trước đây thường tới Deleware vào cuối tuần nhưng đã quyết định ở lại Washington khi tình hình trở nên căng thẳng.
Chính quyền Tổng thống Biden trước đây từ chối dự đoán về ý định của Tổng thống Putin. Khi được hỏi, ông Biden nói rằng vẫn còn thời gian để cho các giải pháp ngoại giao.
Trong các bài phát biểu của mình, ông Biden luôn nhắc đến cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh NATO nếu căng thẳng ở biên giới Ukraine nổ ra thành cuộc chiến toàn diện.
"Mỹ và các đồng minh của chúng tôi đã sẵn sàng bảo vệ từng inch lãnh thổ của NATO khỏi bất cứ mối đe dọa nào tới an ninh tập thể của chúng tôi", ông Biden nói và gợi lại Điều 5, Hiến chương NATO. Theo đó, việc tấn công một quốc gia NATO đồng nghĩa tấn công cả liên minh.
Trong những ngày gần đây, Chính quyền Biden liên tiếp công khai một số thông tin tình báo về các hoạt động của Nga, một sự thay đổi rõ rệt trong các hoạt động của giới chức an ninh quốc gia Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã bác bỏ những lập luận của ông Biden đồng thời tiếp tục phủ nhận Nga có ý định xâm lược Ukraine.
"Tổng thống Mỹ đang lặp lại những luận điểm không có căn cứ về việc Nga chuẩn bị tấn công Ukraine, đe dọa Moscow bằng các biện pháp trừng phạt trong trường hợp căng thẳng leo thang", bà Zakharova nói.
Điện Kremlin thì bác bỏ thông tin cho rằng hơn 150.000 quân Nga cùng các trang bị vũ khí đã tiến dọc biên giới với Ukraine để sẵn sàng cho một cuộc tấn công.
Về phần mình, ông Biden nhấn mạnh dù không gửi quân Mỹ tới Ukraine nhưng sẽ chấp thuận triển khai binh sĩ tới các nước thành viên NATO. Trước đó, ông Biden nói rằng đã điều thêm quân đội và trang thiết bị quân sự tới Hungary, một đồng minh NATO có biên giới với Ukraine.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo Nga tấn công Ukraine có thể phá vỡ không chỉ an ninh châu Âu mà còn cả trật tự quốc tế, điều duy trì hòa bình.
"Những gì đang bị đe dọa trước mắt là cuộc sống và hạnh phúc của Ukraine. Tuy nhiên, điều sâu xa hơn bị đe dọa chính là những nguyên tắc lớn hơn, vốn là nền tảng của toàn bộ trật tự thế giới", ông Blinken nói.
Ở thời điểm hiện tại, căng thẳng Ukraine đang là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư toàn cầu. Những diễn biến mới đều kéo theo phản ứng từ thị trường tài chính, tiền tệ và hàng hóa.