Gắn với ông Lê Anh Đức, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang, là biệt danh "Đức cá tầm". Sau "game" cá tầm và bất động sản, ông bước chân vào điện mặt trời - lĩnh vực hoàn toàn mới và đang "hot" ở Việt Nam với dự án Điện mặt trời Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, công suất lắp đặt 65 MWp. Dự án đã kịp vận hành thương mại trước 30/6 - "mốc vàng" với các nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam.
Ông cho biết điện mặt trời chắc chắn là tương lai. Dù thế, bên cạnh các cơ hội thì đầu tư, các doanh nghiệp làm điện mặt trời có một số vấn đề.
- Người ta bảo doanh nghiệp đang tiến vào làm điện mặt trời ồ ạt vì thấy được hưởng lợi nhưng thực tế chưa thấy có mấy dự án thành công, công bố phát điện. Góc nhìn của ông ra sao?
- Thực sự là những người có cái nhìn sâu xa về ngành phát triển điện có khi họ cũng thấy buồn cười thật. Tự tôi, tôi cũng thấy buồn cười. Có những bên đền bù không đền bù, xin dự án không ký quỹ xong đi kiện tỉnh không ký hợp đồng. Một số bên thì bán dự án, không đền bù, cũng chẳng làm gì. Khi đó, một số người sẽ gộp chung tất cả các đơn vị làm điện mặt trời với nhau và xem như "vớ vẩn" thật. (Cười).
- Sự ồ ạt đầu tư như vậy có phải do mức giá 9,35 cent/kWh áp dụng cho các dự án phát điện trước 30/6 năm nay được cho là hấp dẫn?
- Tôi không thấy mức giá đó hấp dẫn. Hồi tôi làm cá tầm, giá trứng cá đen cũng rất cao. Nhưng giấc mơ của tôi không bao giờ đuổi theo giá cao vì với tôi, tốt là khi mà nhiều người dùng được và giá phù hợp với túi tiền của mọi người.
Với điện, tôi cũng nghĩ như thế. Mình phải làm được hàng chục nghìn MW điện gió và điện mặt trời với mức giá vừa phải, chất lượng tốt nhất có thể. Trong trường hợp này, chất lượng tốt nhất đầu tiên phải là cung cấp điện ổn định cho EVN, và EVN sẽ phát đến các người dùng cuối cùng.
Sắp tới, giá điện sẽ bớt ưu đãi đi nhiều. Tôi thấy điều này là cần thiết để lọc bớt những doanh nghiệp "tay ngang" trong ngành công nghiệp năng lượng mới và cũng rõ ràng được ai là người theo đuổi cuộc chơi năng lượng thực sự.
Tuy nhiên, khi được sàng lọc tốt hơn thì sẽ có nhiều bên được lợi. Bên cấp phép bớt được phiền nhiễu, người dân thì "thắng lớn". Với doanh nghiệp thì việc sàng lọc sẽ khiến cho ngành nghề được phát triển bài bản hơn. Doanh nghiệp thì không lo không kiếm được tiền khi mà cung cấp sản phẩm chất lượng với mức giá vừa phải.
Ở nước ngoài có rất nhiều trường hợp từng cho áp dụng giá cao. Song việc chạy theo giá cao là mạo hiểm cực kỳ lớn của doanh nghiệp. Có trường hợp ở nước ngoài, Chính phủ cũng khuyến khích ký 25 năm giá 28 cent/KW nhưng sau 3-4 năm phải hủy mức này.
Doanh nhân Lê Anh Đức. Ảnh: NVCC.
- Nhưng rõ ràng, giá mua điện đó của Việt Nam đã cao hơn nhiều nước và đó là lợi thế với những đơn vị đầu tư lĩnh vực này?
- Giá cao hơn nhiều so với nhiều nước là bước đi đúng của Chính phủ vì như thế thì các nhà đầu tư mới dám quyết liệt thử.
Làm lĩnh vực này, rủi ro chúng tôi gánh thì cũng vô cùng lắm. Có dự án phải quyết liệt hoàn thành trong chưa đến 1 năm nhưng không vay nổi ngân hàng 1 đồng, xây bằng vốn tự có 100%. Với nhà máy nhiệt điện, thuỷ điện đàm phán giá chốt mức giá và xây từ 3 đến 8 năm thì họ có thời gian thu xếp vốn, chúng tôi làm thì quyết liệt bơm tiền bằng vốn trực tiếp. Đó là rủi ro đầu tiên.
Rủi ro thứ hai chính là không có kinh nghiệm chọn lựa thiết bị. Chọn không chuẩn thì có thể phá sản. Mặt khác, cũng chưa ai chứng minh giá 9,35 cent/kWh kia là cao hay thấp ở nước ta, đến giờ thì mọi người đang hiểu là cao hơn so với thế giới thôi.
Một vấn đề tiếp là rủi ro chính sách hoặc là rủi ro do cấp phép nhiều dẫn đến quá tải. Giả sử như nó quả tải thật thì sao?
- Khi làm trực tiếp, ông thấy thế nào về nhận định của chuyên gia cho rằng ngay cả khi làm, doanh nghiệp cũng khó thành công vì chuyển đổi từ điện gió, điện mặt trời vào điện lưới rất phức tạp?
- Chuyển đổi được gió và mặt trời thành điện phải qua những hệ thống cực kỳ phức tạp là máy kích điện (inverter). Inverter có nhiều loại, xuất xứ, từ Trung Quốc đến châu Âu.
Có nhiều nhà sản xuất cung cấp inverter cho nhà phát triển gặp trục trặc liên tục vì không "có nghề". Đây là vấn đề đầu tiên. Về mặt thiết bị, nếu chọn không chuẩn thì chúng ta tự tạo khó khăn cho chính mình vì nếu thiết bị không đủ chuẩn, khó phát được điện lên lưới. Khi phát được lên lưới mà mất ổn định thì có thể bị cho dừng.
Vấn đề thứ hai là đưa lên lưới rồi nhưng lại gây ra bất ổn. Hiện nay, những nhà máy ở Việt Nam thường có quy mô vài chục KW, không đáng gì so với mạng lưới điện 110-220 kV cả. Nhưng khi số lượng vào ào ạt khoảng vài trăm KW đến cả 1.000 KW thì đó là một bước thử thách rất lớn với nhà đầu tư, trung tâm điều độ quốc gia và là “phép thử lửa” với các nhà đầu tư lựa chọn thiết bị. Vì khi chính bên mua điện gặp quá nhiều vấn đề từ một chủ đầu tư từ 1 dự án thì họ phải tạm dừng để thấy vấn đề ở đâu, tại sao các bên khác ổn định mà của bên anh lại bất ổn…
Đến giờ này, theo tôi biết, nhà máy ở Huế hoạt động khá ổn định vì họ dùng inverter của liên doanh Nhật hoặc của Trung Quốc. Chúng tôi thì dùng inverter của Đức, đắt hơn khoảng 1,6 lần so với các hãng khác.
- Ông thấy như thế nào về những rào cản khi làm năng lượng xanh?
- Giá mua điện tại Việt Nam khá cao so với Ấn Độ hay Ả-rập-xê-út. Nhưng ở các nước, đất là miễn phí, đấu nối dây đến chân công trình, không như ở Việt Nam.
Như dự án của chúng tôi phải xây 7-8 km đường dây mở rộng trạm đền bù vô số đất đai. Chỉ riêng yếu tố đất miễn phí ở các nước khác và đấu nối dây đến chân công trình là đã giảm chi phí đi nhiều rồi vì vấn đề không phải là tiền đền bù đất mà là rủi ro khi phải đền bù đất, rủi ro của dự án kéo dài thời gian, dự án không đền bù được.
Đấu nối cũng hệt thế. Nếu chỉ việc xây cái nhà máy người ta đến công trình mua thì đơn giản. Nhưng của mình lại phải vác dây công trình đấu sang bên kia. Còn chưa kể tới thuế thu nhập. Thuế ở Việt Nam cao hơn.
Các yếu tố này làm giá điện tăng, chưa nói đến nhiều rào cản không có trong quy hoạch. Với những rủi ro như thế, phải có mức giá tương xứng thì các doanh nghiệp mới làm. Nếu không có những bất ổn đó thì lợi nhuận cũng như châu Âu. Đó là lý do vì sao làm năng lượng xanh ở châu Á có nhiều cơ hội hơn nhưng cũng luôn đi kèm bất ổn.
- Vậy hiện tại thì tiến độ dự án điện mặt trời của ông tại Ninh Thuận ra sao?
- Tiến độ dự án có chậm một chút. Trước đây, chúng tôi tính tháng 2 sẽ phát hiện thì bây giờ lùi lại đến tháng 6. Đến giờ thì dự án đã đóng điện, đấu nối vào lưới được vài tuần rồi và tháng 7 sẽ là lễ khánh thành.
Hiện nay, tôi “bơm” vào dự án hơn 700 tỷ đồng vốn tự có và dự kiến sẽ đầu tư 1.000 tỷ đồng, cũng chưa phải đi vay ngân hàng.
- Làm trong ngành, ông đánh giá tiến độ chung các dự án ra sao vì đến nay có tin cho biết ít dự án đấu nối với lưới điện quốc gia dù việc cấp phép, triển khai khá là rầm rộ?
- Ở Huế, Đăk Lăk theo tôi biết đã có dự án của một số doanh nghiệp được đưa vào. Còn về tiến độ, chậm có thể do mấy lý do.
Công tác cấp phép, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tỉnh đến giờ này vẫn thiếu. Tuy nhiên, đó không phải vấn đề lớn nhất, mà vấn đề ở đây là quá tải đường dây, quá tải ảo.
Gọi là quá tải ảo vì lượng dự án điện mặt trời được cấp phép đầu tư quá nhiều, trong khi hệ thống điện chưa được nâng cấp. Nếu tất cả dự án cấp phép đều chạy và tung lên trên lưới điện, nhất là trước ngày 30/6 thì sẽ gây ra quá tải đặc biệt vào buổi trưa - lúc điện mặt trời cho công suất cao nhất.
Điện mặt trời khác nhiệt điện về độ ổn định. Nhiệt điện sử dụng lò đốt nên độ ổn định rất cao và chênh lệch rất ít. Còn điện mặt trời sẽ đi từ 0 lên khi trời sáng và bắt đầu tăng dần lên đến đỉnh vào 12h hoặc 13h sau đó đi xuống, nếu có cũng thường cũng chỉ quá tải khoảng 15-20 phút buổi trưa chứ không liên tục trong ngày.
Mặt khác, chúng ta đang có những bất cập lớn trong cấp phép cũng như là kiểm soát đầu tư năng lượng mặt trời. Khuyến khích đầu tư vì đây là bước thử nghiệm đầu nên nhìn thấy hơi tràn lan, nhiều doanh nghiệp xin cấp phép đầu tư song thực tế, chỉ 8-10% thực hiện, còn đâu là dự án treo.
Mà dự án treo thì có 2 nguyên nhân: Một là các đơn vị ít kinh nghiệm về đầu tư năng lượng mặt trời. Thứ hai là có doanh nghiệp không vốn hoặc mang tâm lý đi xin để lấy đất, chuyển đổi dự án. Điều này cũng đóng góp vào việc tạo ra quá tải ảo.
Doanh nhân Lê Anh Đức (người đầu tiên từ trái sáng) tại nhà máy điện mặt trời Phước Hữu. Ảnh: Vịnh Nha Trang.
Hiện giờ có những đơn vị xin cấp phép xây nhà máy để phát vào đường dây 200 KV. Nếu cùng được cấp phép thì tổng dung lượng điện có thể phát được cùng bơm vào đường dây này vào 12-14h có thể gây quá tải.
Nếu không giải quyết được câu chuyện tôi nói bên trên có thể sẽ tạo ra vấn đề lớn là các ngân hàng trở nên thận trọng trong việc tài trợ tín dụng vì họ nghe đến "quá tải" là họ sợ. Ví dụ như cụm nơi tôi triển khai dự án có 7 nhà máy nhưng đến tháng 4 chỉ có 2 đang thi công và sẽ phát điện. Nếu chỉ có 2 nhà máy phát điện thì không quá tải đâu. Dù thế, trên giấy phép lại là 7 nhà máy mà bên nào cũng dự kiến phát điện trước 30/6, nên mới lo chuyện quá tải.
Tôi nghĩ bất cập trên sẽ sớm chấm dứt sau 30/6 năm nay. Bởi vì lúc đó sẽ lộ ra những nhà đầu tư thực sự. Đồng thời, Bộ Công Thương, các địa phương sẽ quyết liệt thẩm định lại năng lực, cam kết tiến độ đầu tư.
- Ông có nói chỉ khoảng 8-10% doanh nghiệp triển khai thực tế, đó là những đơn vị như thế nào?
- Thường là các doanh nghiệp lớn, bề thế tương đối lâu trong nhiều lĩnh vực, họ có đủ tự lực thì làm. Ngoài ra tôi cũng biết một số dự án liên doanh với nước ngoài.
- Nói như ông thì không phải ai được cấp phép là làm được?
- Lúc bắt đầu tham gia cuộc chơi có ai nghĩ thế đâu (cười).
- Tiến vào làm lĩnh vực này, ông xử lý vấn đề đó ra sao?
- Đầu tiên, câu chuyện ở đây vẫn là "cái đầu". Thực ra, chúng tôi chuẩn bị cả năm cho dự án này rồi mới khởi công. Còn về điện mặt trời, tôi đã nghiên cứu từ năm 2012, có thời gian cân nhắc kỹ càng mới đưa ra những lựa chọn cuối cùng. Thiết bị đều được chọn là loại tốt, chân giá đỡ cũng không phải loại mạ kẽm nung nóng mà dùng loại công nghệ mạ từ trong lò đúc thép ra để chất lượng tốt, bền hơn. Hệ thống inverter và hệ gom dây toàn là đồ châu Âu.
Thật ra trong ngành thì biết là có nhiều inverter sản xuất từ châu Âu nhưng linh kiện lại làm ở Trung Quốc, còn có những inveter từng linh kiện nhỏ đều từ châu Âu. Cùng 1 tấm pin, có tấm sản xuất được 330W nhưng của chúng tôi sản xuất được 375W vì là công nghệ bơm tinh thể, bắt sáng trong điều kiện ánh sáng yếu tốt hơn nhiều.
Việc lựa chọn công nghệ không phải có tiền mà làm được. Khi làm, chúng tôi phải đàm phán trực tiếp với từng nhà cung cấp.
- Suất đầu tư thường thấy của một nhà máy điện mặt trời là bao nhiêu?
- Suất đầu tư công bố hiện nay ở Việt Nam theo sách vở khoảng 1 triệu USD cho 1 MW. Giá thị trường các nhà thầu công bố khoảng 720.000 đến 750.000 USD. Nhưng vì không dùng phương pháp này nên của chúng tôi thường thấp hơn chút.
Khi mình đi đấu thầu, bên chào thầu thì họ sẽ đưa ra lựa chọn của họ về thiết bị, chất lượng và họ có quyền thay đổi. Nhưng tôi theo cách là chúng tôi chọn linh kiện, nhà thầu thiết kế thi công, hưởng phần trăm trên tổng mức thiết bị của chúng tôi. Làm như vậy thì sẽ kiểm soát tốt hơn.
Cũng có lợi thế là ở công ty tôi thì tôi quyết được. Mình làm cho chính mình thì phải nâng niu sản phẩm.
- Còn suất đầu tư nhà máy của ông?
- Tôi xin phép không được tiết lộ nhưng nói chung là tốt vì chúng tôi làm trực tiếp.
- Về công nghệ, các ông hợp tác hay nhận tư vấn của bên nào?
- Chúng tôi hợp tác với các nhà cung cấp. Về điện mặt trời thực ra tương đối đơn giản, chủ yếu là mình chọn thiết bị đến đâu và thiết bị phải phù hợp với môi trường vì khi phát điện trên đất sẽ khác trên nước.
- Việc tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp làm năng lượng xanh ra sao?
- Hầu hết ngân hàng đang dè chừng xem xét dù họ rất quan tâm. Lĩnh vực này mới quá. Nhưng sau ngày 30/6, khi một số nhà máy đi vào phát điện ổn định thì ngân hàng sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn, không những ngân hàng mà cả bộ phận điều hành của Chính phủ, địa phương cũng sẽ thấy rõ hơn cần sắp xếp “ván cờ” này thế nào.
- Từ cá tầm, bất động sản, vì sao ông Lê Anh Đức chuyển sang làm điện mặt trời - lĩnh vực hoàn toàn mới ở Việt Nam?
- Trước đến nay, tôi thích làm những thứ mới, đòi hỏi phải nghiên cứu. Tôi làm nhiều thứ, nhưng mọi người biết đến cá tầm là nhiều nhất. Khi làm cá tầm, tôi cũng phải nghiên cứu nhiều để làm sao con cá đáp ứng, thích nghi được với môi trường Việt Nam, và chúng tôi làm được.
Học chuyên Toán Lý nên tôi cực mê mảng năng lượng, điện và đầu tư vào năng lượng mặt trời là vì đam mê, chứ không phải chạy theo lợi nhuận trước mắt.
Dự án điện mặt trời Phước Hữu. Ảnh: Vịnh Nha Trang.
- Dự án của ông ban đầu công bố tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. Tiền này đủ không?
- Tôi vẫn đang làm việc với ngân hàng để sau đó họ giải ngân bù đắp được với những gì đã chi. Đầu tiên thì cứ để nhà máy vào hoạt động và khẳng định được chất lượng điện tốt. Cũng như bất kỳ một ngành nào không phải cứ xong là xong mà chúng ta phải đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt, mọi người cứ nghĩ điện giống nhau thực ra ko phải giống nhau.
- Ông có vẻ tự tin song thật ra làm năng lượng sẽ khác so với bất động sản rất nhiều. Ông kỳ vọng gì với hướng đi này?
- Có lẽ do cá tính con người tôi là thế. Tôi hơi bị thừa hoocmon nên không phải là tự tin mà tôi có rất nhiều nhiệt huyết để làm cái này. Tôi chấp nhận rủi ro nhưng khi làm thì tôi có thêm trải nghiệm và trí tuệ.
Tôi kỳ vọng phải có được kinh nghiệm và xây xong nhà máy đầu tiên. Sau khi có kinh nghiệm, tôi sẽ mở rộng xây những nhà máy khác với suất đầu tư hiệu quả hơn, chất lượng tốt hơn.
Chính vì thế, nhà đầu tư chúng tôi phải đưa ra mức giá hấp dẫn hơn nhiều đối với Chính phủ để doanh nghiệp có lợi nhưng Chính phủ mua không phải gánh thêm chi phí khác, người dân dùng và chấp nhận được. Nếu mình không xuyên suốt từ đầu đến cuối với giá 9,35 cent thì đấy ko phải cách chơi của tôi.
- Nghĩa là ngay cả khi 1.200 tỷ “xuống sông xuống bể”, ông vẫn lạc quan?
- Trên đời này, tôi thất bại vô số lần rồi (cười). Thất bại cũng là một việc hay vì cho mình thêm ý chí để đứng lên. Nhưng tôi nghĩ vụ 1.200 tỷ đồng này không thất bại được.
- Cơ sở nào để ông tin tưởng vào ngành năng lượng xanh trong tương lai khi mà hiện tại, mọi thứ vẫn đang chỉ bắt đầu?
- Giá thành đầu tư sẽ rẻ đi rất nhiều, giá cho tấm pin giảm đi mấy lần. Hiện nay, giá pin khoảng 26 đến 28 cent cho 1W thấp hơn so với 1 năm trước 34 - 35 cent. Còn so với 10 năm trước phải giảm đi chục lần.
Điện gió cũng thế. Ngày trước, các tuabin gió chỉ nằm ở mức 1,5 - 1,8 MW nên chi phí sản xuất 1KW sẽ cao. Tuy nhiên, hiện nay, tuabin gió mới nhất là 12 MW, gấp 10 lần ngày xưa. Rõ ràng nó không giảm đến 10 lần về chi phí nhưng cũng đã giảm đi rất nhiều. Vẫn công lắp đặt cái tuabin gió đấy nhưng to hơn thì hiệu quả cao hơn và khi cột gió càng lên cao thì vòng quay nhiều hơn, điện ổn định hơn.
Tôi đi nhiều hội thảo năng lượng tái tạo, tôi biết chắc chắn đó là tương lai.
- Cảm ơn ông.