Ngày 19/7, 5 tàu cao tốc đường thủy đã bắt đầu những chuyến đi chở hàng nhu yếu phẩm từ các tỉnh ĐBSCL về Tp.HCM. Biện pháp tạo luồng xanh này được thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc vận chuyển khi các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội, kịp thời cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Bằng việc dỡ bỏ hết ghế ngồi hành khách để lấy không gian chứa đồ, mỗi tàu sẽ chở được tối đa 25 tấn/chuyến, tức bằng 5 xe tải trọng lượng 5 tấn. Lộ trình di chuyển bắt đầu từ cảng, bến thủy nội địa thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long theo sông Tiền - kênh Chợ Gạo - sông Vàm Cỏ (hoặc theo hướng kênh Nước Mặn đến sông Cần Giuộc) - sông Soài Rạp - sông Nhà Bè - sông Sài Gòn đến bến Bạch Đằng và ngược lại.
Hàng hóa được vận chuyển bao gồm: Gạo, mì gói, bún khô; thịt gia súc, gia cầm; trứng, rau củ quả, thủy hải sản... và trang thiết bị y tế, nguyên vật liệu phục vụ phòng chống dịch. Chi phí vận chuyển dựa theo thỏa thuận giữa đơn vị vận hành và đơn vị cần vận chuyển, với chi phí phù hợp đảm bảo bình ổn giá.
Được biết, những chiếc tàu cao tốc 5 sao này mang thương hiệu Greenlines DP, được vận hành bởi Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP. Ông chủ doanh nghiệp này cũng là gương mặt không quá xa lạ trong giới kinh doanh - doanh nhân Trần Song Hải.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM chúc mừng ông Trần Song Hải khi đi thăm chiếc tàu C8 phục vụ tuyến vận tải Bạch Đằng - Cần Giờ - Vũng Tàu
Kinh doanh gắn liền với biển
Công ty TNHH Công nghệ Xanh DP (GreenlinesDP) được hình thành và phát triển từ 100% nguồn vốn đầu tư của Công ty DP Consulting, kinh doanh về lĩnh vực vận tải hành khách bằng các loại tàu cao tốc hiện đại hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa, ven biển và các tuyến bờ ra đảo. Cả hai doanh nghiệp đều do ông Trần Song Hải điều hành.
Lý giải việc kinh doanh gắn liền ngành đường thủy, ông từng bày tỏ: “Đơn giản là tôi quá yêu biển. Tôi xuất thân trong một gia đình có truyền thống gắn bó với biển. Không biết có phải vì vậy mà bố mẹ đã chọn và đặt tên tôi là “hai biển” - Song Hải, tự nhiên lớn lên mình thấy yêu biển hơn. Việt Nam là một quốc gia biển, nhưng tới thời điểm này phát triển du lịch từ bờ ra đến các đảo để bảo vệ chủ quyền quốc gia vẫn còn nhiều bất cập.
Tôi yêu biển bằng cách cung cấp các động cơ cho tàu của lực lượng chấp pháp, hải quân để bảo vệ biển đảo. Từ đó, tôi thấy rằng tại sao mình không đầu tư làm những chiếc tàu dân sự để đưa dân ra tham quan, du lịch khám phá biển đảo. Đó cũng là một cách để khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc rất tốt. Vì vậy, tôi quyết tâm đầu tư vào đội tàu cao tốc”.
Bên cạnh đó, nhận thấy tiềm năng của hơn 1.000km đường thủy ở Tp.HCM đang bị bỏ ngỏ, ông Trần Song Hải càng có niềm tin để đi vào khai thác tuyến tàu cao tốc nối Tp.HCM với các địa phương khác.
Đầu năm 2018, công ty đã khởi công đóng tàu từ Phan Thiết đi Phú Quý, rồi chuẩn bị ký kết hợp đồng thực hiện đóng chiếc tàu từ Sài Gòn đi Côn Đảo. Theo lời kể của ông Trần Song Hải trên báo Giao thông, đây là loại tàu ba thân rất hiện đại với 300 hành khách, trong đó có 220 giường nằm và 80 ghế ngồi hạng sang. Với thiết kế hiện đại, độ an toàn cao, tàu cao tốc này có thể từ Tp.HCM đi Côn Đảo, Phú Quốc và những đảo xa khác. Với đội tàu 10 chiếc được đóng mới hoàn toàn trong nước, vị doanh nhân khẳng định chất lượng dịch vụ đạt đẳng cấp 5 sao, từ dịch vụ phục vụ hành khách đến các tiêu chuẩn về an toàn, cứu hộ cứu nạn.
Dù chịu nhiều cạnh tranh với hệ thống đường bộ cao tốc, trong đó có cao tốc Tp.HCM - Long Thành nhưng doanh nhân này vẫn quyết tâm khai thác thị trường đường thủy. Bên cạnh đó, ông Trần Song Hải cho biết khách hàng mục tiêu không chỉ là người có nhu cầu đi lại mà ông còn hướng đến khách du lịch muốn thưởng ngoạn cảnh đẹp nên mới cất công phát triển dịch vụ 5 sao.
“Nếu tham vọng làm giàu thì mình sẽ đầu tư vào bất động sản, hoặc lĩnh vực kinh doanh khác. Nếu lĩnh vực vận tải hành khách bằng đường thủy mà có lời thì các doanh nghiệp lớn đã làm từ lâu rồi. Khi mình đến các quốc gia phát triển trên thế giới thấy lĩnh vực đường thủy họ rất phát triển. Nước mình với lợi thế về biển đảo, đường thủy mà mình không làm thì ai làm”.
Theo thông tin trên website chính thức của công ty, hiện Greenlines DP có 5 tàu đang hoạt động, bao gồm: Tàu cao tốc hai thân GreenlinesDP: sức chứa 60 khách, vận tốc 26-28 hải lý/giờ, 2 máy chính Rolls-Royce/MTU-S60; Tàu cao tốc hai thân GreenlinesDP: sức chứa 150 khách, vận tốc 28 hải lý/giờ, 2 máy chính Rolls-Royce/MTU-S2000; Tàu cao tốc hai thân GreenlinesDP: sức chứa 96 khách, vận tốc 26 hải lý/giờ, 2 máy chính Rolls-Royce/MTU-S2000; Tàu phao cao tốc RX15: sức chứa 15 khách, vận tốc 34 hải lý/giờ, 1 máy chính Yanmar; Tàu phao cao tốc RY48: sức chứa 48 khách, vận tốc 34 hải lý/giờ, 1 máy chính Rolls-Royce/MTU-S60.
Người đứng sau thương hiệu bia Trường Sa, Hoàng Sa
Ngoài kinh doanh tàu cao tốc, ông Hải cũng từng gây tiếng vang khi cho ra mắt thương hiệu bia mang tên đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào đầu năm 2021. Việc sản xuất bia vừa tình cờ mà cũng vừa tất yếu. Trong một chuyến công tác tại Đức, ông nhận thấy bia Đức có chất lượng rất tốt nên đã mua công nghệ sản xuất bia thủ công và mời một chuyên gia nấu bia của Đức về Việt Nam làm việc.
Sau thời gian nghiên cứu thị trường, ông Hải nhận thấy nhận thấy người Việt Nam thường cho nước đá vào bia, khiến bia bị pha loãng. Vì vậy, phải tạo ra một vị bia chuẩn, dẫu cho nước đá vào cũng không bị nhạt, hương vị phải nhẹ nhàng, lại phù hợp với sự đa dạng của đồ ăn Việt Nam.
Rồi trong lần gặp gỡ với một lãnh đạo của Quân chủng Hải quân – nay là lãnh đạo cao cấp của Bộ Quốc phòng, nhân dịp đón tiếp tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ vào thăm Đà Nẵng, vị lãnh đạo này đã gợi ý ông Hải đặt tên cho loại bia mới.
“Anh ấy nói Trung Quốc có bia Thanh Đảo, Nhật Bản có bia Sapporo và Kirin là những hòn đảo nổi tiếng, vậy mình phải có bia Hoàng Sa và Trường Sa. Anh ấy còn đề nghị mình phải ghi tên bia bằng tiếng Anh để quốc tế biết Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Mình nghe rất xúc động nên đã lập tức triển khai”, ông Hải kể.
“Câu chuyện ở đây không đơn thuần là bia, mà thông điệp là hai quần đảo của chúng ta thấm vào máu thịt của từng người và là biểu tượng rất thiêng liêng. Chính vì vậy nên tôi lấy tên hai quần đảo này đặt cho hai sản phẩm bia và không ngờ được mọi người ủng hộ”, vị doanh nhân bày tỏ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Không chỉ tên thương hiệu, bao bì của những chai bia này cũng được thiết kế đặc biệt. Trên vỏ chai bia Hoàng Sa có một tấm bảng, là lệnh của vua Gia Long sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra để thăm dò, đo đạc thủy trình Hoàng Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hòn đảo này từ xa xưa. Các chữ viết cũng bằng chữ Nôm. Một nét độc đáo khác trên chai bia, đó là hình ảnh con tàu HQ-505 trong trận chiến năm 1988 khi trúng đạn sắp chìm. Khi đó, các chiến sĩ Việt Nam đã dũng cảm lao lên bãi cạn đảo Cô-lin, giữ được hòn đảo cho Tổ quốc.
Dù có không ít ý kiến cho rằng ông Hải đang kinh doanh trên lòng yêu nước nhưng “chín người mười ý, ai nói gì thì nói thôi, còn tâm mình sáng, không có gì phải e ngại”.
Ngoài ra, ông Trần Song Hải từng đóng góp cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển 2 tổ máy phát điện, cho Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa 1 tổ máy phát điện thông qua chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Ông cũng hợp tác với Công ty TNHH MTV 189 (tức Z189 - Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) về sản xuất tàu cao tốc, tạo ra doanh thu đáng kể cho đơn vị này.
Ông Hải còn nổi tiếng là một cổ động viên tâm huyết với bóng đá. Năm 2013, khi đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội CĐV Việt Nam Trần Song Hải còn gửi tặng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam 19 chai rượu “tự trọng”.