Khởi nghiệp năm 2001 với PeaceSoft – một trong những startup công nghệ đầu tiên tại Việt Nam, đến nay ông Nguyễn Hòa Bình là chủ tịch của NextTech – tập đoàn với hệ sinh thái gần 20 dịch vụ trực tuyến được cung cấp bởi hàng chục công ty. Những startup thuộc NextTech có thể kể đến như FastGo, Ngân Lượng, Vimo, Vay Mượn…
Cuối tháng 7 vừa qua, NextTech ra mắt quỹ hỗ trợ khởi nghiệp Next100, quy mô 10 triệu USD với mong muốn hỗ trợ các startup Việt tại thị trường trong nước và vươn ra quốc tế.
Phóng viên Người Đồng Hành đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hòa Bình để nghe doanh nhân này chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp tại NextTech nói riêng và Việt Nam nói chung.
Theo chủ tịch NextTech, trước khi hướng tới thành công, các startup cần học cách tránh thất bại. Ảnh: NextTech. |
- Ông đánh giá như thế nào về hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam hiện nay?
-Theo tôi, phong trào khởi nghiệp của Việt Nam hiện nay rất tốt, tuy nhiên các startup chất lượng còn yếu và thiếu, đa phần là “non” và “xanh”. Vì vậy thật sự cần những quỹ đầu tư đồng hành hỗ trợ các startup Việt, giúp họ tìm được “long mạch”, cung cấp cho họ hệ sinh thái để mở rộng thị trường nhanh, mạnh, bền vững và hiệu quả hơn.
- Theo ông đâu là điểm mạnh và điểm yếu của startup Việt?
- Điểm yếu của startup Việt là “non” và “xanh”, thiếu nhiều kỹ năng. Về điểm mạnh, tôi nghĩ không nên nói vì dễ gây ảo tưởng. Đôi lúc, sự nhiệt huyết thái quá sẽ dẫn đến sự mù quáng, các startup cứ tìm mọi cách để “xông lên” có thể dẫn đến các bi kịch thất bại như mất nhà, mất xe, mất cơ hội và đặc biệt là mất niềm tin vào bản thân và đội ngũ. Vì vậy, khi thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp Next100, mục tiêu đầu tiên của chúng tôi là giúp các startup né tránh thất bại. Trước khi hướng tới thành công, startup phải biết cách tránh thất bại.
- Hiện nay, startup Việt thu hút được rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước rót vốn. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng các công ty khởi nghiệp Việt Nam đang bị định giá thấp hơn giá trị thực tế. Ông nghĩ sao về điều này?
- Theo tôi việc định giá phải có cơ sở, nếu định giá một startup mà không có công thức, cơ sở khoa học thì rẻ bao nhiêu thì cũng là đắt. Ngược lại, nếu có công thức và cơ sở thực tế thì định giá cao bao nhiêu cũng là hợp lý.
- Khi chọn startup để đầu tư, một dự án như thế nào sẽ “lọt vào mắt xanh” của ông?
- Đối tượng của Next100 không phải các startup thành công hay chưa mà quan trọng là đội ngũ con người. Họ có hiểu biết về lĩnh vực mình đang làm hay không, có chăm chỉ hay không, có năng lực nhận thức và thay đổi hay không, nếu bảo thủ không chịu thay đổi chúng tôi sẽ không đầu tư. Với tôi, thái độ quan trọng hơn trình độ.
- Thay vì dồn hết nguồn lực để chiếm lĩnh thị trường trong nước, tại sao các startup trong hệ sinh thái của NextTech đều tìm cách mở rộng hoạt động sang các quốc gia khác chỉ sau một thời gian ngắn thành lập?
- Trong thời đại hiện nay, nếu mình không đi thì họ sẽ đến, vì vậy tôi cho rằng tấn công là cách phòng thủ tốt nhất. Bên cạnh đó, các startup có tầm hiện diện khu vực sẽ dễ gọi vốn lớn hơn và nhờ đó có thêm tiềm lực để “đè bẹp” các startup địa phương. Lý do tiếp theo là khi đi ra nước ngoài, chúng ta sẽ có cơ hội học hỏi và trưởng thành hơn rất nhiều so với việc chỉ quanh quẩn ở sân nhà.
- Những startup của NextTech đã đạt được kết quả như thế nào ở các thị trường ngoài Việt Nam?
- Hiện nay, ngoài Việt Nam, các startup của NextTech đã mở rộng hoạt động tại 8 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc. Nhìn chung kết quả ban đầu rất đáng khích lệ, chúng tôi đã có lợi nhuận và phát triển bền vững, đặc biệt đã gọi được vốn ngoại nhờ tầm nhìn toàn khu vực, đồng thời khám phá được nhiều cơ hội kinh doanh mới.
- Những khó khăn thường gặp khi các startup Việt tấn công ra thị trường nước ngoài?
- Khi tấn công vào một thị trường mới các startup sẽ gặp rất nhiều khó khăn, giống như “học sinh nông thôn lần đầu ra thành phố”, chưa biết gì hết, thiếu các mối quan hệ, thiếu vốn, cơ sở vật chất, thiếu hiểu biết về pháp luật. Tuy nhiên, sau 5 năm, NextTech đã dần khắc phục được các điểm yếu đó. Vì vậy. Next100 sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ cho các startup Việt thành công tại Việt Nam, vươn ra thị trường khu vực và nhanh chóng vượt qua những khó khăn ban đầu.
- Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có slogan là “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”. Có vẻ điều này cũng đúng với tập đoàn của ông khi NextTech liên tục có những công ty khởi nghiệp mới ra đời?
- Đúng như vậy, trong suốt 20 năm qua, NextTech liên tục có những công ty khởi nghiệp mới vì trong thế giới hiện nay, phải liên tục đổi mới sáng tạo, nếu không sẽ bị tiêu diệt. 20 năm qua, trong ngành công nghệ Việt Nam có nhiều doanh nghiệp từng thành công, phát triển thành một thế lực sau đó lụi tàn, từ lúc sinh ra, bùng nổ cho đến lúc chết đi chỉ trong vòng 5 năm. Một trong lý do dẫn đến thất bại là họ không kịp xoay chuyển, không kịp đổi mới trong khi thị trường liên tục thay đổi, nhu cầu của khách hàng và đối thủ cũng liên tục thay đổi.
- Ông có lời khuyên gì cho các bạn trẻ khởi nghiệp tại Việt Nam?
- Lời khuyên của tôi là hãy thực tế và bớt ảo tưởng.
- Cảm ơn ông!