Khi còn là một đứa trẻ ở Hàn Quốc, Brian Kim lớn lên trong sự phân biệt giữa các tầng lớp xã hội một cách rõ rệt. Sinh ra trong một gia đình không dư giả, ông phải ở chung một phòng với 7 thành viên trong gia đình. Nhưng những ngày tháng đó đã không còn nữa. Và các biện pháp giãn cách xã hội khiến cho mọi người xa cách nhau về không gian trong thời kỳ dịch bệnh giờ đây lại là vận may của Kim.
Thành công khi kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ
Kim, 54 tuổi, là nhà sáng lập Kakao Corp, tập đoàn tạo ra một ứng dụng nhắn tin di động đã trở nên phổ biến ở Hàn Quốc và ngày càng được sử dụng rộng rãi tại các quốc gia khác ở châu Á. Công ty của Kim bắt đầu với một ứng dụng nhắn tin xã hội và mở rộng các hoạt động kinh doanh trong một thập kỷ qua bằng cách mua lại một công ty giải trí K-pop. Công ty cũng sáp nhập với cổng thông tin Internet lớn thứ hai của Hàn Quốc trong bối cảnh các dịch vụ thanh toán và thuê bao di động hiện ngày càng trở nên cần thiết đối với cuộc sống hàng ngày của nhiều người tiêu dùng.
Tính đến ngày 21/5, cổ phiếu của Kakao đã tăng 55% trong năm nay. Theo đó, tổng tài sản của Kim tăng thêm 1,2 tỷ USD, đạt 3,7 tỷ USD. Với kết quả này, Kim đang gần tiến vào bảng xếp hạng 500 người giàu nhất thế giới của Bloomberg Billionaires Index.
Brian Kim kiếm được 1,2 tỷ USD từ đầu năm. Ảnh: Bloomberg
Hwang Seung-taek, một nhà phân tích tại Công ty Đầu tư Tài chính Hana, cho rằng, sự gia tăng đột biến trong sử dụng ứng dụng giao tiếp Kakao tại Hàn Quốc là do tác động của đại dịch Covid-19.
Nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona, chính phủ Hàn Quốc đã đóng cửa những nơi công cộng như công viên hoặc thư viện, khuyến khích người dân ở nhà nhưng không áp dụng biện pháp phong tỏa hoặc cấm đi du lịch quốc tế. Nhiều công ty Hàn Quốc cũng yêu cầu nhân viên không đến văn phòng.
“Điều đó đã góp phần làm tăng trưởng doanh thu cho các dịch vụ Kakao mặc dù chi tiêu của người tiêu dùng giảm”, ông Hwang viết trong một nghiên cứu gần đây.
Kim sở hữu trực tiếp 26% cổ phần của Kakao và thông qua công ty cổ phần thuộc sở hữu của mình. Việc tính toán giá trị tài sản của ông không bao gồm các cổ phiếu được cam kết là tài sản thế chấp cho các khoản vay. Một phát ngôn viên của công ty từ chối bình luận về giá trị tài sản ròng của ông ấy.
Tăng trưởng nhờ đại dịch Covid-19
Trong quý đầu tiên của năm 2020, Kakao báo cáo kết quả doanh thu đạt 868 tỷ won (705 triệu USD) với hơn một nửa đến từ các nền tảng bao gồm ứng dụng nhắn tin, cổng thông tin Internet và kinh doanh thanh toán. Hoạt động thương mại trên ứng dụng nhắn tin KakaoTalk của hãng tăng 55% so với cùng kỳ năm trước.
“Khi dịch Covid-19 ở thời kỳ bùng phát, thời gian người dùng sử dụng ứng dụng trò chuyện KakaoTalk càng nhiều và tăng theo tuần”, Giám đốc điều hành Mason Yeo cho biết trong cuộc họp của công ty ngày 7/5: “Lưu lượng các cuộc đàm thoại bằng video và gọi trực tuyến ghi nhận mức tăng đáng kể. Chúng tôi cũng thấy sự gia tăng trong các lĩnh vực như vận chuyển quà tặng, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh và các hoạt động trong nhà”.
Các lĩnh vực khác của công ty như thanh toán và kinh doanh ngân hàng trực tuyến, có thể phát triển hơn nữa vì những ngành này hoạt động một cách độc lập, nhà phân tích Sung Jonghwa của Ebest Investment & Securities Co. cho biết trong một báo cáo nghiên cứu hôm 21/5.
Gần 90% người Hàn Quốc sử dụng KaKaoTalk. Ảnh: Bloomberg |
KakaoTalk hiện có 52 triệu người dùng trên toàn cầu, trong đó có hơn 45 triệu người ở Hàn Quốc – chiếm gần 90% tổng dân số. Hope Kang, đến từ Seoul nhưng làm việc tại một phòng trưng bày nghệ thuật ở Hong Kong (Trung Quốc) đã sử dụng ứng dụng này để giữ liên lạc với gia đình ở quê nhà.
“Thực tế, đây là cách duy nhất tôi có thể giao tiếp với gia đình ở Hàn Quốc”, cô nói. Cô đã không quay trở lại Hàn Quốc kể từ tháng 1 vì những hạn chế về cách ly và di chuyển của Hong Kong. “Tôi vẫn có thể nói chuyện với người thân và nhìn thấy họ thông qua các cuộc gọi video. Tôi đoán điều này sẽ tiếp tục cho đến khi tôi gặp lại họ, nhưng tôi không chắc khi nào sẽ xảy ra”.
Các biện pháp phong tỏa diễn ra trên toàn thế giới dẫn đến nhu cầu gia tăng đối với các dịch vụ như phát trực tuyến, chơi game và thương mại điện tử. Nhiều người đã giàu lên nhờ đó. Tim Sweeney, người sáng lập Epic Games Inc., hiện có tài sản ròng 9,6 tỷ USD, tăng 32% trong năm nay, nhờ sự phổ biến của Fortnite. Trong khi đó, số tài sản của người sáng lập của Zoom Video Communications Inc., Eric Yuan đã tăng lên 9,1 tỷ USD, theo xếp hạng về tài sản của Bloomberg.
Tuy nhiên, vẫn còn phải chờ xem liệu sự tăng trưởng nhờ đại dịch có bền vững hay không khi cuộc sống trở lại bình thường.
Tiền đề để trở thành một doanh nhân
Kim là người đầu tiên trong các anh chị em của mình theo học đại học. Ông học ngành kỹ thuật công nghiệp tại Đại học Quốc gia Seoul. Ở đây, ông đi dạy thêm để có tiền chi trả học phí. Trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, để có thêm thu nhập, Kim cũng tham gia chơi các trò chơi như poker và bi-a. Những trải nghiệm này đã giúp ông lập nên doanh nghiệp đầu tiên của mình, cổng trò chơi trực tuyến Hangame Communications vào năm 1998.
Sau những đêm không ngủ làm việc online và tự mình trải nghiệm trò chơi, kết quả được đền đáp. Hangame sáp nhập với Naver.com vào năm 2000 và hiện là cổng thông tin internet lớn nhất của Hàn Quốc. Kim đã lãnh đạo công ty kết hợp tập đoàn NHN Corp, trước khi từ nhiệm vào năm 2007.
Bước ngoặt trong sự nghiệp
Đó là một bước ngoặt đối với Kim. Ông đã suy ngẫm về một cuộc sống mà bản thân ông muốn theo đuổi sau khi đạt được một số thành công. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước, ông chia sẻ:
“Tàu neo đậu ở bến cảng thì an toàn nhưng đó không phải là sứ mệnh của con tàu khi nó được tạo ra. Một lần nữa, tôi cần phải dấn thân vào thế giới”. Điều này chính là động lực để Kim đến Mỹ. Ở đây ông dành thời gian cho gia đình của mình.
Sự ra đời của iPhone đã thúc đẩy bước đi tiếp theo của ông. Bị cuốn hút bởi chiếc điện thoại này, Kim trở về Hàn Quốc để phát triển các ứng dụng tương tự. Và năm 2010 chính là bước đột phá cho Iwilab, tiền thân của Kakao, khi ứng dụng KakaoTalk được tạo ra và công ty trở thành tập đoàn Kakao. Bốn năm sau, Kim đạt được một thỏa thuận khác, khi công ty của ông sáp nhập với nhà điều hành cổng thông tin internet lớn thứ hai của Hàn Quốc, Daum Communications Corp. Ông trở thành cổ đông lớn nhất của tập đoàn này.
Kakao hiện là công ty lớn thứ 10 tại Hàn Quốc, với giá trị thị trường khoảng 21 nghìn tỷ won - gần bằng với Hyundai Motor Co.
“Tôi bị thúc đẩy bởi những thách thức mới trong lĩnh vực công nghệ như trí tuệ nhân tạo, blockchain và những ý tưởng như lên sao Hỏa”, Kim chia sẻ: “Không nên giới hạn những gì Kakao làm được, vì vậy tôi sẽ tiếp tục nghĩ về những thách thức mới”.