Chính quyền Ecuador đã đột ngột chấm dứt cơ chế tị nạn 7 năm của nhà sáng lập Julian Assange tại đại sứ quán nước này ở London-Anh sau khi mối quan hệ hai bên trở nên xấu đi do xuất hiện hoài nghi ông Assange đang bí mật thúc đẩy các cáo buộc tham nhũng chống lại Tổng thống Lenin Moreno.
Chính phủ của ông Moreno cáo buộc WikiLeaks đứng sau một trang web nặc danh đăng tải thông tin anh trai của ông Moreno đã lập ra các công ty nước ngoài để phục vụ cho lối sống xa xỉ ở châu Âu khi ông Moreno từng là đại biểu cho một cơ quan của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, ông Lenin Moreno đã phủ nhận có bất kỳ hành vi sai trái nào.
Ông Assange bị cảnh sát áp giải rời khỏi tòa án Anh hôm 11-4. Ảnh: DPA
Các tài liệu bị rò rỉ được gọi là "Hồ sơ INA", chứa các bức ảnh riêng tư của ông Moreno và gia đình ông. Sau khi thông tin bị phát tán, ông Moreno cho rằng ông Assange không có quyền tấn công tài khoản cá nhân và điện thoại nhưng không trực tiếp cáo buộc ông này.
Phía WikiLeaks đã đăng tải các thông tin trên nhưng phủ nhận việc ông Assange đã rò rỉ hoặc có bất cứ liên hệ nào với những công bố ban đầu. Động thái của chính quyền Ecuador hôm 11-4 (mời cảnh sát Anh đến bắt ông Assange) nhằm phản đối hành động không thể chấp nhận và vô ơn của nhà sáng lập WikiLeaks tại Đại sứ quán Ecuador.
Chính phủ nước này cho biết đã chi 6,2 triệu USD để bảo vệ cho sự an toàn của ông Assange từ năm 2012 đến 2018.
Bộ trưởng Ngoại giao Ecuador Jose Valencia cho biết ông Assange đã sử dụng điện thoại di động không đăng ký với đại sứ quán và còn cảnh báo đại sứ Ecuador hồi tháng 1 rằng ông đã cài đặt các nút khẩn cấp mà ông sẽ kích hoạt nếu cảm thấy nguy hiểm đến tính mạng.
Ông Assange đã tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador vào năm 2012 để tránh bị dẫn độ về Thụy Điển đối mặt với cáo buộc tấn công tình dục. Vụ việc đã được khép lại nhưng các công tố viên Thụy Điển cho biết họ đang xem xét mở lại cuộc điều tra. Trong khi đó, Mỹ tuyên bố nhà sáng lập WikiLeaks bị cáo buộc âm mưu xâm nhập máy tính chính phủ và vụ bắt giữ hôm 11-4 mở đường cho quá trình dẫn độ về Mỹ.