Ngày 3-8, TAND TP.HCM tiến hành mở phiên hòa giải vụ án ly hôn giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên) và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (sinh năm 1971, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên).
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và luật sư đến toà
Trong vụ án này Công ty cổ phần Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Trước đó, liên quan đến hai vợ chồng Vũ, Thảo xảy ra nhiều tranh chấp liên quan đến công ty này. Như tháng 4-2015, ông Vũ đột ngột bãi nhiệm chức danh phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo tại Tập đoàn Trung Nguyên . Tháng 10-2015, ông Vũ lại có văn bản triệu tập cuộc họp Hội đồng quản trị (HĐQT) để thảo luận, biểu quyết miễn nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT kiêm phó tổng giám đốc của bà Thảo và thay đổi người đại diện theo pháp luật tại tập đoàn này.
Bà Thảo có văn bản không đồng ý việc triệu tập cuộc họp nhưng sau đó ông Vũ vẫn tổ chức mà vắng mặt người có liên quan… Từ việc tranh chấp quyền điều hành ở Tập đoàn Trung Nguyên khơi mào cho nhiều vụ kiện hành chính, kinh tế giữa hai vợ chồng.
Trong năm 2017, TAND TP.HCM, TAND tỉnh Bình Dương, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở nhiều phiên tòa liên quan tới ông Vũ và bà Thảo thì cả nguyên đơn lẫn bị đơn đều không tới tham dự phiên tòa mà ủy quyền cho luật sư tham gia. Nhưng đây là lần đầu tiên cả ông Vũ và bà Thảo cùng tới tòa.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang trao đổi trước khi gặp ông Vũ thoả thuận tại phiên hoà giải
Tại phiên hòa giải hôm nay, tòa làm việc với từng bên. Sau đó tòa tiến hành cho các bên gặp nhau để đưa ra quan điểm và thỏa thuận các vấn đề trong vụ án này. Tuy nhiên bà Thảo và ông Vũ chỉ đạt thoả thuận được việc thuận tình ly hôn. Còn các vấn đề về cấp dưỡng 4 người con chung và phân chia tài sản chung đôi bên vẫn chưa đi được đến thống nhất.
Được biết phía bà Thảo yêu cầu cấp dưỡng nuôi con dựa trên số phần trăm cổ tức của Tập đoàn cà phê Trung Nguyên nhưng ông Vũ không đồng ý. Còn tài sản chia đôi hay chia theo tỉ lệ sao các bên cũng chưa có tiếng nói chung. Như vậy sau ba năm nộp đơn ra toà, trải qua nhiều lần hoà giải vụ án này vẫn chưa đi đến hồi kết.
Ngoài ra trong quá trình toà thụ lý giải quyết vụ án ly hôn, các bên có nhiều đơn gửi tới toà yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền đồng sở hữu tài sản của vợ chồng trong Tập đoàn Trung Nguyên.
Với lần hòa giải kéo dài từ sáng đến gần 13 giờ trưa bất thành này, dự kiến TAND TP.HCM sẽ mở phiên tòa trong tháng 9 và đưa ra phán quyết các vấn đề liên quan đến vụ ly hôn này.