Tại tọa đàm trực tuyến: “Gỡ khó dòng tiền cho doanh nghiệp thời khủng hoảng” cuối tuần này, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC chia sẻ theo quy luật 10 năm diễn ra một cuộc khủng hoảng để tiến hành đào thải. Qua đại dịch Covid-19, doanh nghiệp không có hệ thống quản trị đạt chuẩn sẽ bị ảnh hưởng và kéo theo các hệ lụy, doanh nghiệp có quản trị tốt có thể tránh được suy kiệt nhưng không tránh được bị ảnh hưởng.
Do vậy, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như cơ quan ban ngành để trụ lại và vượt qua, trong đó việc trụ lại là vấn đề cực kỳ quan trọng. Chính phủ nên có những giải pháp tình thế và mang tính chất liên ngành. Ví dụ như dãn lãi và dãn nợ chứ không phải chuyển nợ quá hạn.
Vị này cũng nêu ví dụ về trường hợp liên quan đến các cổ đông trong tập đoàn bị bán giải chấp khi cổ phiếu xuống thấp. Ông cho rằng đây là quy định, song trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, các công ty chứng khoán lại đem cổ phiếu đi bán giải chấp, tạo một nguồn cung không cần thiết. Lúc này, ông Thành cho biết giải pháp TTC đặt ra là đích thân ông đi gặp các công ty chứng khoán phân tích có nên chọn giải pháp như chấp nhận những tài sản mà thông thường không chấp nhận để bổ sung vào ký quỹ, chấp nhận sự bảo lãnh tín chấp của Chủ tịch tập đoàn, tăng tỷ lệ margin lên hoặc nếu thanh lý thì thanh lý cho chính chủ phân kỳ ra để họ từ từ trả. Với những giải pháp đặt ra, các công ty chứng khoán đồng tình ngay.
“Qua đó để thấy rằng trong thời buổi dịch bệnh, không nên quá cứng nhắc làm việc theo nguyên tắc, mọi vấn đề cần có những giải pháp tình thế, linh hoạt”, ông Thành cho hay.
Ông Thành khẳng định: “Đó đúng là cơ hội rất lớn, doanh nhân Việt Nam nên có một tinh thần lạc quan để đón nhận luồng chuyển dịch này”.Dịch bệnh khiến nền kinh tế đi xuống, hoạt động nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nhưng ông Thành cho rằng trong nguy có cơ, sau đại dịch sẽ có sự dịch chuyển lớn cả về văn hóa (thay đổi thói quen) và kinh tế (chuyển dịch thương mại giữa Mỹ và Trung). Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam nên cấu trúc lại đầu vào, mở rộng đầu ra thêm các thị trường mới để chuẩn bị đón nhận luồng chuyển dịch này.
Ông Ngô Công Trường, Chủ tịch Công ty tư vấn và Giáo dục John&Partners cho biết một thông điệp được đưa ra là thời kỳ này là thời kỳ vàng để làm thương hiệu. Hiện nay, nguy hiểm thì ai cũng gặp phải như nhau quan trọng là có tận dụng được thời cơ hay không. Các công ty đa quốc gia lớn như Apple hay Samsung bắt đầu chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam. Qua đợt dịch bệnh Covid-19, các quốc gia bắt đầu ít tin tưởng nhau hơn, trong đó Việt Nam lại có niềm tin cao nhất được thể hiện qua niềm tin của người dân với Chính phủ, dịch bệnh được kiểm soát. Do đó, thời điểm hiện nay chính xác là cơ hội của Việt Nam để cạnh tranh song phẳng về công nghệ và tri thức.
Không phủ nhận cơ hội trước mắt, ông Huỳnh Bửu Sơn, chuyên gia Tài chính Ngân hàng, cho rằng để nắm bắt thì Việt Nam phải thực sự tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp FDI, khối tư nhân, doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, chính sách kinh tế về vĩ mô, tỷ giá phải được hoàn thiện để nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế chi phí thấp. Việt Nam phải nâng cao năng suất lao động, lương hiện nay của nhân công Việt Nam so với trong khu vực thấp nhưng đem yếu tố năng suất vào thì không thấp. Cuối cùng, Việt Nam cũng cần xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hóa, nếu không thực hiện thì Việt Nam mãi gia công, dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.