Ông David Dương: “May mắn không quyết định sự thành công...”

04/04/2018 10:17
(NTD) - Nhiều người chỉ thấy những thành đạt hiện thời mà không mường tượng được những gian truân thuở ban đầu khởi nghiệp của vị doanh nhân Việt kiều David Dương trên đất Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn đầu xuân của Báo Người Tiêu Dùng, ông David Dương, CEO Công ty Xử lý Chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solution-VWS), Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Công ty California Waste Solutions (CWS), David Dương nhấn mạnh: “Sự may mắn không quyết định cho sự thành công hay thất bại. Điều quan trọng là sự thông minh, biết sử dụng đầu óc của mình để phát triển.”

Nếu phải kể những thử thách lớn nhất trong quá trình khởi nghiệp của ông trong nghề xử lý phế liệu ở Mỹ thì đó là gì và ông đã vượt qua thế nào?

Gia đình tôi định cư Hoa Kỳ năm 1980 và 16 người lớn nhỏ trong gia đình tôi khởi nghiệp với số vốn rất nhỏ chỉ có vài trăm Mỹ kim, chưa đủ để mua một chiếc xe tải vừa cũ vừa nhỏ để có thể dùng đi lượm rác phế liệu hàng đêm trên đường phố San Francisco và phải lựa phân loại từng loại rác có thể bán để tái chế.

Thuở ban đầu, gia đình tôi nhận tiền giúp đỡ của chính phủ Hoa Kỳ qua một cơ quan thiện nguyện và tiền giúp đỡ chỉ đủ mua thực phẩm hàng ngày cho gia đình. Chúng tôi phải vất vả lắm mới tìm ra được một công việc để có thể kiếm thêm tiền trang trải và dành dụm để làm ăn.

Một đêm cuối năm cha mẹ tôi đưa cả gia đình đi dạo để ngắm nhìn những tòa nhà cao và đường xá về đêm ở khu trung tâm tài chính của thành phố. Trên đường, chúng tôi thấy rất nhiều bao đựng rác. Chúng tôi mở những bao rác ra thì thấy bên trong rác có nhiều phế liệu như giấy, ve chai, lon nhôm, mủ… Thế là gia đình chúng tôi mới có ý nghĩ là khởi nghiệp bằng cái nghề đi lượm ve chai để bán tạo thêm nguồn kinh phí cho gia đình.

Khó khăn ban đầu là, chúng tôi đã thấy có nguồn phế liệu có thể tái chế, nhưng ở Mỹ không biết có ai mua không, và nếu có thể thì ở đâu mua những loại này. Cả gia đình mới chân ướt chân ráo đến Mỹ, tiếng Anh thì có người bập bẹ có người chẳng biết chữ nào thì làm sao hỏi ai để có thể biết có người mua hay không.

Một hôm, cha mẹ tôi đề nghị tất cả mọi người trong nhà sáng hôm sau phải đến trạm xe buýt, mỗi người lên một tuyến xe buýt đi cả ngày và chỉ ngồi trên xe nhìn qua cửa để ý nơi nào có mua phế liệu hoặc có chứa nhiều phế liệu thì ghi lại tuyến xe buýt đó.

May mắn là sau hai ngày đi xe buýt, mẹ tôi về báo là tuyến xe bà đi có thấy nhà kho chứa nhiều phế liệu giấy carton. Và hôm sau cả nhà đều lên tuyến xe buýt số 16 đó. Khi nhìn thấy đúng là nơi này có thu mua phế liệu, cả gia đình rất mừng vì đã thấy được ánh sáng của sự khởi nghiệp trên đất Hoa kỳ.

Khó khăn tiếp đến là làm sao có được khoản 3.000 USD để mua một chiếc xe tải cũ dùng để đi lượm phế liệu. Cả gia đình gom hết lại chỉ có được 700 USD, không có ai có thẻ credit card để có thể vay ngân hàng và trả góp. Chúng tôi đã vượt qua bằng cách đi các chùa, nhà thờ và các hội đoàn trong khu phố người Hoa (Chinatown) để tìm kiếm cơ quan nào đó có thể bảo đảm cho số nợ mua xe có thể trả góp hàng tháng.

May là có một hiệp hội họ Dương đã đồng ý đứng ra bảo đảm và chúng tôi phải đồng ý để họ đứng tên chiếc xe cho đến khi chúng tôi trả hết nợ thì mới được sang tên lại.

Cái khó nữa là, làm sao để có người trong nhà có bằng lái xe để có thể lái xe và đồng thời phải thuyết phục được mọi người trong nhà đồng ý cùng nhau sau khi đi học Anh văn mỗi sáng đến chiều về thì cùng nhau đi lượm phế liệu. Việc này rất vất vả.

Tôi còn nhớ, thời điểm đó, giá bán phế liệu không được cao nên việc làm cực khổ này không biết sẽ kéo dài bao lâu? Đây là câu chúng tôi hỏi nhau hàng ngày mà không ai có thể trả lời, ngoại trừ tất cả đều bảo nhau phải cố gắng tiết kiệm và dành dụm tiền để có được một số vốn làm ăn.

Thời gian này thử thách rất lớn. Tôi phải vừa đi học Anh văn ban ngày và chiều về phải đi lượm rác phế liệu từ 6h chiều đến 12h đêm. Có nhiều đêm phải đến 1h sáng mới có đủ rác phế liệu để có thể đi bán.

Chúng tôi ở ba căn phòng trong một chung cư có tiền thuê rẻ nhất trong thành phố và đương nhiên đó cũng là nơi tệ hại và không an ninh nhất. Trong mỗi phòng, chúng tôi có ba cái giường tầng và 3 phòng đủ cho 16 người. Cha mẹ động viên các thành viên trong nhà không được nản lòng.

Nhờ vào sự đoàn kết của gia đình, sự siêng năng chịu khó nên sau 5 năm, chúng tôi dành dụm được một số vốn và bắt đầu kinh doanh.

Năm 1983, chúng tôi mướn một nhà kho nhỏ và mua một cái máy đóng phế liệu thành từng kiện để bán được giá hơn.

Năm 1984, chúng tôi bắt đầu xuất cảng phế liệu đã đóng thành kiện. Và để có được số lượng nhiều hơn, chúng tôi tổ chức chương trình giúp cho những người Việt mới định cư có thêm nguồn thu bằng cách đi lượm phế liệu bán lại cho chúng tôi.

Và chúng tôi cũng dành nguồn vốn để cho những người mới định cư vay mà không trả lãi để họ mua xe tải cũ đi làm.

Gia đình tôi thành lập công ty đầu tiên tại Hoa Kỳ là East West Recycling và sau đó đổi tên thành Cogido Paper Corporation. Cả nhà đã tín nhiệm, giao cho tôi làm giám đốc để phát triển công ty gia đình. Công ty phát triển rất tốt và đến năm 1992, chúng tôi đổi tên thành California Waste Solutions.

2 (201)
 

Theo ông, yếu tố may mắn có quyết định sự thành bại của một người mới khởi nghiệp?

- Ai khởi nghiệp cũng mong rằng mình gặp may mắn, kể cả những người đang thành công trong sự nghiệp vẫn mong muốn điều đó. Sự may mắn đi ngang qua trong đời của mỗi người và sẽ góp phần quyết định cho sự thành công của người mới khởi nghiệp lẫn người đang thành công trong sự nghiệp.

Bởi vì, người mới khởi nghiệp mong được may mắn và thành công trong nghề nghiệp. Còn người đang thành công thì mong sự may mắn đem lại thành công hơn. Tuy nhiên, yếu tố chính để đưa đến thành công là mình có biết và nhận ra được sự may mắn mà mình đang có hay không. Vì nếu thế thì mới có thể nắm bắt và phát triển theo hướng mà sự may mắn mang đến. Nếu mình không biết mình đang may mắn thì rồi sẽ mất hết cơ hội trong cuộc đời. Học hỏi, sáng suốt, tự tin và quyết tâm, cầu tiến là chìa khóa để nhận ra sự may mắn đang có trong mình.

Sự may mắn không quyết định cho sự thành công hay thất bại. Điều quan trọng là sự thông minh, biết sử dụng đầu óc của mình để phát triển. Khi đó, sự may mắn sẽ giúp mình thành công hơn.

20171129_112725
 

Ông học được bài học khởi nghiệp gì từ cha mình, Dương Tài Thu, ông chủ của hãng giấy nổi tiếng Sài Gòn một thời - Cogido? Theo ông, tinh thần khởi nghiệp có yếu tố “di truyền” không?

- Tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm thực tế từ cha mẹ mình. Ông bà đã dạy cho các con tình yêu nghề, chịu học hỏi, luôn nhẫn nại, kiên trì, tự tin, quyết tâm, quyết đoán và biết chịu trách nhiệm về sự quyết đoán của mình.

Thật ra, tinh thần khởi nghiệp không nhất thiết phải bắt nguồn từ trong gia đình mà sự khởi nghiệp sẽ bắt nguồn từ môi trường xung quanh chúng ta. Điều quan trọng là phải biết mình thích làm gì và phải có tinh thần chịu học hỏi, quyết tâm theo đuổi ngành nghề mình yêu thích.

Có nhiều người đã thành công trong những ngành nghề mà gia đình họ không có ai làm cũng như nhiều người thành công trong ngành kinh doanh nhưng cha mẹ họ chưa từng làm kinh doanh và không có kinh nghiệm làm ăn.

_MG_4364
 

Việc khởi nghiệp của ông vào thập niên 90 tại Mỹ có gì khó khăn hoặc thuận lợi hơn thời bây giờ?

- Khởi nghiệp đối với tôi và gia đình vào thập niên 90 thì thật là vất vả. Muôn vàn khó khăn, bởi chúng tôi phải bắt đầu với hai bàn tay trắng, số vốn tiếng Anh bập bẹ, trong lúc xứ người, phong tục tập quán khác hoàn toàn với quê mình.

Thời điểm chúng tôi bắt đầu khởi nghiệp cũng chưa có điện thoại di động, điện thoại nhà còn giới hạn và các mạng thông tin truyền thông chưa phát triển nên mọi sự tìm kiếm thông tin bán hàng và tìm nguồn hàng rất khó khăn.

Thời bây giờ thì mọi sự dễ dàng hơn nhiều, có rất nhiều thông tin và nghề để cho mình chọn và phát triển theo ý thích. Thời và hoàn cảnh của chúng tôi, nghề chọn chúng tôi chứ chúng tôi không chọn được nghề, nhưng may mắn là nghề đó lại phù hợp với ngành nghề mà cha mẹ tôi đã từng làm khi còn ở Việt Nam.

Nếu phải so sánh cơ hội khởi nghiệp của giới trẻ bây giờ ở Việt Nam và Hoa Kỳ, ông nói gì?

- Sự khởi nghiệp của thời bây giờ thật sự dễ dàng hơn trước kia vì sự phát triển của thông tin mạng giúp cho lớp trẻ dễ dàng chọn được ngành nghề mà mình yêu thích. Tuy nhiên, lớp trẻ ở Hoa Kỳ chắc chắn rằng sẽ có nhiều cơ hội chọn ngành nghề và phát triển an toàn và tốt hơn.

Bởi vì, ở Hoa Kỳ sẽ có môi trường phát triển nhiều ngành nghề hơn. Ở Hoa Kỳ cũng dễ dàng tiếp cận với nguồn tài chính để khỏi nghiệp và phát triển. Ở Hoa Kỳ, người ta muốn phát triển cần có sự chân thật, và sự cạnh tranh dựa vào kinh nghiệm ngành nghề và công nghệ, kỹ thuật là chính.

Nói đến những trường hợp khởi nghiệp, người ta hay nhìn vào những gương thành công. Ông có cho rằng việc học từ những thất bại quan trọng hơn là nhìn vào thành công của người khác để làm theo?

- Học hỏi sự thành công của người ta để mình biết những lý do đưa đến sự thành công của người đó. Học hỏi những bài học của những người thất bại thì có giá trị hơn, vì bài học này sẽ giúp cho chúng ta biết và tránh được những rủi ro dẫn đến thất bại của mình.

Các con của ông có hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp của ông? Và nếu có thì ông nói gì?

- Sự khởi nghiệp của các con tôi được thuận lợi hơn nhiều so với thời kỳ của chúng tôi. Các con tôi được học tập và phát triển tại Hoa Kỳ và đã được học hỏi từ những kinh nghiệm thực tế mà gia đình đã trải qua.

Đồng thời với sự phát triển về mặt khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin tạo cho lớp trẻ môi trường học hỏi, học tập và thực hành nhanh và tốt hơn. Gia đình tôi không bắt buộc các con phải theo ngành nghề của gia đình mà các con có thể làm và phát triển những ngành nghề mà chúng yêu thích. Bởi vì, chúng tôi thường nói với các con là ngành nào cũng có thể phát triển tốt nếu như mình thích và đam mê. Vì khi đó, sự thoải mái sẽ giúp cho mình tự tin và cố gắng đạt được thành công.

Ở Việt Nam hiện nay, những cuốn sách dạy làm giàu đang là best-seller và những khóa học làm giàu đang thu hút nhiều thanh niên. Theo ông, phải chăng xã hội Việt Nam đang chỉ nhìn thấy bề nổi của việc khởi nghiệp và đề cao việc “giàu xổi”?

- Theo tôi, nếu học theo sách hoặc trong trường là chúng ta trang bị cho mình hiểu biết về lý thuyết làm giàu trên giấy. Thực tế của sự khởi nghiệp và làm giàu không thể có từ sách hoặc trong lớp dạy. Chỉ có những điều căn bản thì bạn có thể học được từ sách hoặc từ lớp học làm giàu.

Mọi ngành nghề đều đòi hỏi sự thực hành khác nhau và môi trường để khởi nghiệp và phát triển cũng khác nhau. Phong tục tập quán và luật lệ cũng là yếu tố quan trọng phải để ý.

Ở những nước tiên tiến như Hoa Kỳ, việc làm giàu không thể nói là do trúng mánh như ở Việt Nam. Tất cả đều phát triển trên nền tảng căn bản.

Thời gian gần đây, tôi thấy ở trong nước rộ lên phong trào khởi nghiệp, đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng cần phải chọn cho mình một ngành nghề đúng, bởi vì môi trường ở Việt Nam chưa rộng cho nhiều ngành nghề phát triển và luật doanh nghiệp, luật cạnh tranh, luật đầu tư còn chưa hoàn chỉnh nên sự phát triển kinh doanh còn có khó khăn.

Những điều ông muốn nói thêm hoặc thông điệp của ông gửi đến các bạn trẻ mới khởi nghiệp tại Việt Nam?

- Bất cứ một cuộc khởi nghiệp nào cũng có cái khổ. Chúng ta muốn khởi nghiệp tốt thì phải chọn đúng nghề nghiệp phù hợp với mình, phải có quyết tâm, dám quyết và dám làm và luôn suy nghĩ mình phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Đồng thời, luôn có niềm tin vững mạnh, nhẫn nại để trải qua mọi khó khăn, sáng tạo để phát triển hơn đối phương và có quyết tâm hết mình, đồng thời làm việc với cái tâm tốt.

Ngoài ra, phải đánh giá được mọi chuyện cũng như nắm bắt được cơ hội. Phải nghĩ đến sự phát triển chung của cộng đồng là sự phát triển nghề nghiệp của mình.

Sau cùng là luôn học hỏi đối thủ xem họ làm những gì tốt hơn mình để có thể dùng sự sáng tạo của mình làm tốt hơn họ. Sự cạnh tranh công bằng và lành mạnh không chỉ góp phần phát triển cho nghề nghiệp của mình mà còn góp phần phát triển xã hội nói chung!

 Luke Bùi

 

_NTD_So 422 _24-25
 

Tin mới

[Trên Ghế 16] Người sắp lập gia đình, đã có gia đình, tài chính 500-700 triệu nên mua xe gì?
11 giờ trước
Theo chuyên gia Đoàn Anh Dũng, việc lựa chọn xe cho từng đối tượng khách hàng phụ thuộc vào điều kiện tài chính và nhu cầu sử dụng của mỗi người, sau đó đến các yếu tố về thương hiệu và động cơ.
Đại chiến phá giá không thấy đáy giữa các hãng xe điện Trung Quốc tại Thái Lan: Hậu quả khôn lường
12 giờ trước
Việc phá giá bất chấp hậu quả của các hãng xe điện Trung Quốc tại Thái Lan đang gây ra nhiều hậu quả tai hại cho chính quốc gia này và buộc Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan phải lên tiếng.
Yamaha ra mắt xe ga mới siêu tiết kiệm xăng, màu tím cực cá tính, cốp rộng hơn Honda Lead
12 giờ trước
Yamaha tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong phân khúc xe ga đô thị với phiên bản mới vừa được trình làng.
iPhone 16 mở đặt cọc, người Việt chọn Thái Lan để mua hàng xách tay giá cao ngất ngưởng
13 giờ trước
Hôm nay (20/9), Apple chính thức mở bán iPhone 16 Series tại các Store chính hãng trên toàn thế giới. Năm nay, ngoài Singapore thì Thái Lan cũng có Store chính hãng mà người Việt có thể chọn mua, nhưng giá máy xách tay ở mức cao.
Ông nông dân trồng "loài cây quen thuộc" thu lãi nhẹ nhàng 2 tỷ đồng/năm
13 giờ trước
Trồng "loài cây quen thuộc" mỗi năm thu lãi hơn 2 tỷ đồng, ông nông dân Nguyễn Huỳnh Thanh ở Tân Định, Bình Dương đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.

Tin cùng chuyên mục

Tôi dành 2 ngày lái bộ đôi Volkswagen đi Hà Nội - Hạ Long: Đã hiểu lý do Viloran được dàn sao Việt mê, Touareg đáng có doanh số tốt hơn
16/09/2024 09:17
Không khó để bắt gặp Viloran trên đường phố Việt Nam hiện tại, điều cho thấy Volkswagen đã có được “gà đẻ trứng vàng” để từ đó lấy làm bàn đạp doanh số cho các mẫu xe khác như Touareg hay Teramont X.
Gumball 3000: Phú bà Singapore một mình cầm lái McLaren 765LT từ TP HCM 'về nhà'
15/09/2024 08:38
Amanda Toh Steckler - nữ doanh nhân người Singapore từng cầm lái một chiếc McLaren từ Scotland đến Anh quốc với một hành trình dài hơn 3.200km trong 9 ngày hồi năm ngoái.
Đây là mẫu iPhone "đi trước đối thủ 5 năm, một mình cân cả thế giới": iPhone 16 Pro Max chỉ to xác thôi
15/09/2024 03:31
iPhone 16 Pro Max có màn hình 6.9 inch lớn nhất từ trước đến nay nhưng xét về sự đột phá thì không nhiều.
Top đồng hồ đắt tiền nhất thế giới, Patek Philippe mà cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến tre được hối lộ ở vị trí nào?
29/08/2024 09:56
Trong Top những thương hiệu đồng hồ đắt tiền nhất thế giới, Patek Philippe mà cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến tre được hối lộ không chỉ nổi tiếng, đắt đỏ mà còn khó mua nhất thế giới.