Theo AP, một điểm quan trọng nữa là vụ án ở New York dù sao cũng không phải là một cuộc điều tra liên bang.
Quyết định có truy tố cựu Tổng thống Donald Trump liên quan cáo buộc chi các khoản tiền bịt miệng ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels hay không nằm trong tay một đại bồi thẩm đoàn ở quận Manhattan - những người đã lắng nghe các bằng chứng sau cánh cửa đóng kín trong nhiều tuần qua.
Đại bồi thẩm đoàn là gì?
Đại bồi thẩm đoàn bao gồm những người được chọn từ cộng đồng, tương tự bồi thẩm đoàn xét xử, nhưng khác ở chỗ đại bồi thẩm đoàn không quyết định ai đó có tội hay vô tội.
Đại bồi thẩm đoàn chỉ quyết định liệu có đủ bằng chứng để buộc tội ai đó hay không. Cấu trúc này tồn tại trong hệ thống tòa án liên bang Mỹ và ở nhiều bang.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: REUTERS
Truy tố ông Trump sẽ là sự kiện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Mỹ - vụ án hình sự đầu tiên nhằm vào một cựu tổng thống.
Đại bồi thẩm đoàn ở TP New York có 23 người, ít nhất 16 người phải có mặt để nghe về các bằng chứng hoặc thảo luận. 12 người phải đồng ý rằng có đủ bằng chứng để truy tố.
Đại bồi thẩm đoàn cũng có thể thấy không có đủ bằng chứng hoặc yêu cầu công tố viên đưa ra các cáo buộc nhẹ hơn.
Vì sao ông Trump có thể bị truy tố?
Ông Trump bị nghi liên quan đến vụ chi 130.000 USD cho bà Daniels vào năm 2016, giai đoạn cuối của cuộc tranh cử tổng thống cùng năm, để đổi lấy sự im lặng của bà. Trước đó, Daniels tố cáo ông Trump ngoại tình với bà.
Michael Cohen, cựu luật sư riêng của ông Trump, cho hay cựu tổng thống đã chỉ đạo ông chi tiền. Sau đó, khoản tiền này được khai là phí luật sư, lại dính líu đến hành vi trốn thuế của công ty ông Trump.
Công tố viên quận Manhattan, ông Alvin Bragg, đang điều tra xem ông Trump hay bất kỳ ai khác có phạm tội dàn xếp các khoản thỏa thuận này tại bang New York không.
Cựu tổng thống Mỹ có bị truy tố không?
Câu trả lời là "Có"!
Chính sách lâu đời của Bộ Tư pháp Mỹ cấm truy tố cấp liên bang đối với tổng thống đương nhiệm, nhưng cựu Tổng thống Donald Trump - người đã mãn nhiệm 2 năm - không còn được hưởng lá chắn pháp lý này.
Rào chắn được dựng lên quanh trụ sở tòa án Manhattan hôm 20-3. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, công tố viên Alvin Bragg đã truy tố được tập đoàn Trump Organization tội gian lận thuế vào tháng 12-2022. Tuy nhiên, các nhà phân tích pháp lý nói rằng vụ việc lần này có thể khó khăn hơn. Văn phòng của ông Bragg sẽ phải chứng minh ông Trump có ý định phạm tội và các luật sư của ông cũng sẽ phản công.
Liệu ông Trump có bị còng tay?
Một khi bị truy tố, ông Trump sẽ phải rời khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida để trình diện tại tòa án ở New York. Ông Trump sẽ phải đăng ký danh tính, lấy dấu vân tay và chụp ảnh.
Bà Anna Cominsky, giáo sư Trường Luật New York, suy đoán đội ngũ luật sư của cựu tổng thống Trump sẽ tìm cách đạt được thỏa thuận với văn phòng công tố sao cho tránh được cảnh ông bị còng tay dẫn đi.
"Khả năng cao là ông ấy sẽ tự trình diện ở văn phòng công tố. Do đó, bạn sẽ không thấy cảnh các sĩ quan gõ cửa nhà ông ở Mar-a-Lago lúc 5 giờ sáng, sau đó tràn vào nhà bắt rồi còng tay ông dẫn đi" - bà Anna Cominsky nhận định.
Sau khi cáo trạng được đưa ra, các chi tiết của phiên tòa sẽ được hé lộ, như thời gian tổ chức, yêu cầu tại ngoại với ông Trump...
Mức án như thế nào?
Một số cựu công tố viên về tội phạm tài chính tại Manhattan nhận định ông Trump có thể bị buộc tội gian lận sổ sách, với mức án tối đa là 4 năm tù. Nhưng theo họ, ít khi mức án được áp dụng.
Nếu bị cáo buộc phạm tội ít nghiêm trọng, ông Trump sẽ bị xử phạt tiền và không phải ngồi tù.
Ngay cả khi bị truy tố và kết án hình sự, ông Trump vẫn có quyền tiếp tục chiến dịch vận động tranh cử tổng thống nếu muốn, theo đài NPR. Bản thân ông Trump cũng nhiều lần khẳng định sẽ tiếp tục đường đua vào Nhà Trắng dù có chuyện gì xảy ra.