Từng nổi trội là ‘tay chơi’ M&A khét tiếng trên thị trường, việc chạy đua huy động vốn đã khiến Thủy sản Hùng Vương (HVG) lao đao, kể từ năm 2015 (khi toàn ngành thủy sản gặp khủng hoảng) cho đến thời điểm hiện tại. Bị từ chối giãn nợ bởi nhà băng, HVG giai đoạn 2018-2019 liên tục bán đứt những công ty con, liên kết nhằm duy trì hoạt động.
Nói về năm 2019, HVG tự nhận định: "Đó là một năm đầy rẫy những khó khăn"
Doanh thu 2019 của HVG giảm gần 50% so với năm 2018, lỗ thuộc cổ đông công ty mẹ lên đến 1.075 tỷ sau kiểm toán, dẫn đến tổng lỗ luỹ kế tính đến ngày 30/9/2019 (kết thúc niên độ 2018-2019) là 1.489 tỷ đồng. Những yếu tố dẫn đến khó khăn chính, gồm:
Thứ nhất, cú sốc POR 14. Vào đầu tháng 9/2018, Công ty nhận mức thuế sơ bộ tại kỳ đánh giá lại thứ 14 về thuế Chống bán phá giá (POR14) tại DOC (Bộ Thương mại Hoa Kỳ) là 0. Nhưng, đến tháng 4/2019 khi có kết quả chính thức thì HVG bị áp thuế cao nhất tại Việt Nam với 3,87 USD/kg. Mức thuế này ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động xuất khẩu vào Hoa Kỳ - thị trường chiến lược 2019 của Hùng Vương.
Thứ hai, thị trường cá nguyên liệu trong nước tới chu kỳ thoái trào sau 2 năm tăng trưởng nóng là 2017-2018. Giá cá tra nguyên liệu tháng 2/2019 ở mức 34.000 đồng/kg đã giảm mạnh còn khoảng 19.000 đồng/kg vào tháng 9/2019. Việc này dẫn đến giá xuất khẩu giảm mạnh trong khi giá hàng tồn kho nguyên liệu bình quân ở mức cao.
"Khó khăn tài chính 3 năm liền HVG vấp phải là do chậm vốn từ ngân hàng. Do đó qua việc hợp tác với THADI thì chúng tôi thay đổi cuộc chơi. Từ chỗ HVG nắm đàn heo thì THADI lúc này sẽ nắm, vì vấn đề thiếu sót HVG nằm ở chỗ xây dựng chuồng trại. Lộ trình HVG-THADI dự tới tháng 6 năm nay có chuồng trại cho 18.000 con bố mẹ, HVG cũng nhấm mạnh kế hoạch tăng đàn bố mẹ năm 2020 dự lên đến 30.000-45.000 con.
Đáng lẽ chúng tôi đã làm được kế hoạch này 3 năm trước, nhưng do dòng vốn từ ngân hàng chậm trễ nên không thể làm, không được sự ủng hộ của ngân hàng dẫn đến cái ‘tham’ cái ‘muốn’ của tôi trở thành cái tai hại", ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch HVG - phát biểu khai mạc Đại hội.
Tính đến cuối năm 2019, HVG đã đầu tư tổng cộng trên 1.800 tỷ cho mảng chăn nuôi heo nhưng phần lớn vốn được sử dụng từ nguồn ngắn hạn. Mặc dù được ngân hàng phê duyệt hạn mức khoảng 4.000 tỷ đồng cho trung và dài hạn nhưng thực tế đến nay mới chỉ giải ngân 800 tỷ. Theo HVG, việc này dẫn đến sự bế tắc vốn triển khai dự án cũng như khai thác sản xuất.
Mặt khác, vòng quay các khoản phải thu khá chậm gây ra chi phí dự phòng cao. Chưa kể, các khoản đầu tư mới của HVG như Nhà máy thức ăn Long An, Kho lạnh, các trại heo giống tại An Giang và Bình Định chưa đạt công suất kỳ vọng do thiếu hụt vốn lưu động và một phần thị trường rơi vào chu kỳ tăng trưởng chậm.
Theo đó, sau khi đàm phán thương thảo, HVG đã tiến đến đạt được sự ký kết chiến lược với THACO. Theo nội dung hợp tác chiến lược được ký vào ngày 9/1, THADI (Công ty nông nghiệp của THACO) sẽ sở hữu 35% vốn HVG và nắm 65% vốn trong liên doanh giữa Hùng Vương và THADI phát triển mảng sản xuất heo giống. Tính đến nay, THADI đã sở hữu 24,28% vốn Hùng Vương, ứng với 53,9 triệu cổ phiếu. Năm 2020, HVG tiếp tục sẽ phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu để tăng vốn, đối tượng chào bán dự kiến là THACO cùng các bên liên quan.
Với điểm sáng từ cái bắt tay với THACO, HVG xác định việc cấp bách nhất tại thời điểm ngày là giải quyết vấn đề thiếu hụt vốn. Song song, Công ty dự nghiên cứu tìm cách phát triển thị trường xuất khẩu, đặc biệt cho kỳ đánh giá mới POR15-16, tiếp tục mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Nói thêm về tình hình cá tra trước diễn biến dịch virus Corona (COVID-19), ông Minh cho biết với 30-40% kim ngạch được xuất khẩu sang Trung Quốc, trước diễn biến dịch COVID-19 thì 3 tháng nay các doanh nghiệp thuỷ sản ĐBSCL là ‘đứng hình"; năng lực chế biến theo đó giảm đến 50%. Theo đó, sức bật của thuỷ sản năm 2020 bản thân ông Minh nhấn mạnh không thể đưa ra bất kỳ nhận định nào trước diễn biến dịch.