Chiều 22.9, tại buổi họp báo bế mạc Đại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao Châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14), Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, kiểm toán môi trường mới được Việt Nam đẩy mạnh từ năm 2017 với 10 cuộc. Tới năm 2018, cơ quan kiểm toán đã thực hiện 8 cuộc kiểm toán môi trường.
Theo ông Phớc, tại Đại hội ASOSAI 14, Việt Nam cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của mình với các SAI thành viên trong kiểm toán môi trường như cuộc kiểm toán về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2014-2016.
Trong cuộc kiểm toán này, cơ quan kiểm toán đã phát hiện vướng mắc, bất cập về cấp quyền khai thác khoáng sản, đặc biệt là khoảng trống giữa Luật và Nghị định làm giảm thu ngân sách hơn 2.800 tỷ đồng.
"Ngoài ra, cuộc kiểm toán mỏ đá làm ximăng tại Hải Phòng đã kiến nghị thu về ngân sách hơn 560 tỷ đồng", ông Phớc nêu ví dụ.
Quang cảnh buổi họp báo bế mạc Đại hội ASOSAI 14. Ảnh: TTXVN
Đây là những kết quả tốt nhưng theo ông Phớc, để đảm bảo chất lượng kiểm toán môi trường được tốt hơn thời gian tới, phía Việt Nam sẽ chọn các chủ đề kiểm toán sát hơn, có sức lan tỏa hơn liên quan tới môi trường.
Cũng tại buổi họp báo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho hay, năm 2019 sẽ tập trung vào kiểm toán hoạt động quản lý chất thải, rác thải hoặc kiểm toán khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường rừng,…
Sau đại hội ASOSAI 14, theo ông, các SAI đã tìm hiểu kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức, công cụ để kiểm toán môi trường. Một trong những vấn đề được nhiều nước đồng tình là kiểm toán môi trường thực hiện hiện trên nền tảng công nghệ thông tin như công nghệ viễn thám hay cộng hưởng.
Trả lời cho câu hỏi Việt Nam đã học hỏi được kinh nghiệm gì từ các nước về kiểm toán môi trường qua ASOSAI 14, ông Phớc cho rằng, để kiểm toán môi trường chính xác, hiệu quả thì cơ bản phải đưa ra được tiêu chí.
“Ví dụ như về phát triển bền vững sẽ có bao nhiêu tiêu chí, tiêu chí này phải được Chính phủ thống nhất, từ đó các vấn đề môi trường tác động tới phát triển bền vững cũng phải có từng tiêu chí như nước sạch, không khí, rác thải, biến đổi khí hậu,” ông nói.
Bởi vậy, theo ông, thời gian tới, cơ quan kiểm toán Việt Nam sẽ đề xuất tiếp tục hoàn thiện cả khung pháp lý và năng lực của kiểm toán viên, công cụ kiểm toán.
Đại hội ASOSAI 14 đã khép lại vào chiều 22.9. Trong 4 ngày diễn ra Đại hội, các SAI thành viên đã thảo luận và thống nhất nhiều nội dung quan trọng như: Kế hoạch ngân sách giai đoạn 2019-2021, kế hoạch ASOSAI giai đoạn 2016-2021, báo cáo hội nghị chuyện đề lần thứ 7, bầu cử thành viên Ban Điều hành và Ủy ban Kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, thông qua Tuyên bố Hà Nội,…
Đại hội ASOSAI 14 diễn ra từ ngày 19 đến ngày 22.9.2018 với chủ đề "Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững" với khoảng 250 đại biểu đến từ 46 cơ quan kiểm toán tối cao các quốc gia Châu Á và khoảng 350 khách mời trong nước.
Đại hội ASOSAI là Cơ quan cao nhất trong bộ máy tổ chức của ASOSAI, nơi họp mặt của tất cả người đứng đầu các SAI thành viên ASOSAI và được tổ chức 3 năm một lần.