Ngày 15/1/2024, tại Trường đại học (ĐH) Giao thông - Vận tải TP.HCM, Tập đoàn Đèo Cả và Trường ĐH Giao thông - Vận tải TP.HCM đã tổ chức lễ khai giảng chương trình đào tạo chuyên ngành "Xây dựng đường sắt – metro". Đây là sự kiện mở đầu cho chiến lược phát triển đào tạo nguồn nhân lực cho Tập đoàn Đèo cả và các đối tác trong thời gian tới.
Trong sự kiện trên, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả - cho biết: " Chương trình đào tạo được triển khai theo "đơn đặt hàng" của Tập đoàn Đèo Cả . Chúng tôi nhận thấy nhu cầu phát triển nhân lực ngành hạ giao thông Việt Nam hiện nay rất lớn. Nhưng thực tế, chương trình đào tạo ở các trường ĐH chưa đáp ứng được nhu cầu công việc của ngành, yêu cầu cấp thiết cho hoạch định phát triển giao thông trong tương lai.
Các lĩnh vực như hầm xuyên núi, cầu, đường bộ đã làm tốt trong thời gian qua; nhưng một số ngành đặt thù như metro, đường sắt… chưa tiệm cận với các nước phát triển trên thế giới".
Vì vậy, Tâp đoàn Đèo Cả đã chủ động xây dựng chương trình đào tạo nâng cao toàn diện năng lực đầu tư, quản lý, thi công tại các dự án và đã đúc kết kinh nghiệm thực chiến để tổ chức các hội thảo khoa học, đưa các mô hình cải tiến vào đào tạo tại các trường: ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Xây dựng miền Trung, Cao đẳng giao thông vận tải Trung ương 4, Cao đẳng giao thông vận tải Trung ương 5,…
Đặc biệt đối với chuyên đề đường sắt – metro, doanh nghiệp đã tổ chức nghiên cứu thực tiễn quá trình đào tạo của các nước tiên tiến như: Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản,… tại các trường như Học viện công nghệ Singapor (IT), Trường quản trị kinh doanh Hiroshima (Nhật Bản) nhằm chọn lọc "nhập khẩu" chương trình và chuyên gia đào tạo .
Mục tiêu cụ thể của "Chương trình đào tạo xây dựng đường sắt - metro" là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu để tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành và khai thác mảng đường sắt – metro của Tập đoàn Đèo Cả và các đối tác.
Học viên sau khi tốt nghiệp sẽ có thêm kiến thức, kỹ năng để cùng tập đoàn sẵn sàng tham gia các dự án về lĩnh vực này, đồng thời bắt nhịp, chuyển hướng đa dạng trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Lớp khai giảng đầu tiên có 40 học viên là cán bộ, nhân viên Tập đoàn Đèo Cả và đối tác đã tốt nghiệp các chuyên ngành như: Xây dựng công trình giao thông, Cầu đường, Địa chất thủy văn, Kỹ thuật địa chất…tại các trường ĐH, Cao đẳng ở Việt Nam. Ngoài ra, học viên còn được tuyển chọn từ những sinh viên ưu tú tại các trường đại học, cao đẳng ngành giao thông để đào tạo nâng cao.
Theo ông Hồ Minh Hoàng : "Với mong muốn đóng góp sức mình cho sự phát triển đào tạo nguồn nhân lực của ngành giao thông. Chúng tôi cần sự đồng hành từ các cơ quan nhà nước. Tôi đề xuất Trường ĐH Giao thông - Vận tải TP.HCM: Báo cáo lên cơ quan bộ chủ quản sắp xếp lại các chương trình đào tạo phù hợp hơn với thực tiễn đầu ra của sinh viên ngành kỹ thuật, giao thông. Chia lại các học phần, giảm bớt một số môn học thiếu tính thực tế.
Kế đó, cử các cán bộ, giảng viên, sinh viên năm cuối tham gia trực tiếp vào các công trường, dự án do Tập đoàn Đèo Cả triển khai đầu tư, thi công để học phải đi đôi với thực hành. Xem đó là một "học kỳ thực hành", thông qua đó cần tu chỉnh chương trình để cấp chứng chỉ công nhận cho các học viên khi kết thúc thời gian thực hành.
Tập đoàn Đèo Cả sẽ tổ chức các chương trình tuyển dụng, tham gia hướng dẫn đào tạo cho các sinh viên năm cuối nhằm tạo ra các kỹ sư thực hành trong tương lai để tiếp cận các công việc thực tế trên công trường, dự án. Tập đoàn Đèo Cả sẽ hỗ trợ chi phí ăn ở, đi lại,…
Ngoài ra, trong quá trình thực tập sinh viên hoàn hoàn thành tốt các công việc được giao sẽ được Tập đoàn chi trả lương, thưởng. Bên cạnh đó, khi sinh viên tham gia "kỳ học thực hành" còn được trang bị thêm kiến thức về an toàn lao động, các kỹ năng xử lý tình huống trực tiếp, đào tạo văn hoá doanh nghiệp… để ngay sau khi tốt nghiệp ra trường hoà nhập nhanh hơn với môi trường làm việc của doanh nghiệp".
Phó GS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) - cho rằng: "Chúng ta đang đào tạo nguồn nhân lực cho các đối tượng công trình rất mới, phức tạp về công nghệ (đường sắt tốc độ cao - metro) nên rất cần có sự tham gia giảng dạy của các cơ sở đào tạo tiên tiến trên thế giới. Để hiệu quả, các nội dung này cần lựa chọn và có các yêu cầu cụ thể về lý thuyết, thực tiễn.
Với chương trình đào tạo này, Tập đoàn Đèo Cả lại tạo thêm bước đột phá mới, một phương thức chuẩn bị nguồn lực chất lượng cao cho những thách thức phức tạp phía trước, mà chắc chắn sẽ là sản phẩm thực tế của triết lý "tri thức tạo giá trị".