Ông Tiến cho biết, thời gian qua chỉ có 15% doanh nghiệp hoạt động bình thường. Khi "mặt trời mọc trở lại" mọi thứ trước kia ở trong trạng thái lò xo nén sẽ bung ra rất nhanh.
"Thời gian các hàng hóa thiết yếu về Việt Nam bị kéo dài từ 3 – 4 tuần lên 8 tuần. Hàng loạt thiết bị công nghệ cao không có thời gian cam kết về Việt Nam, bản thân chúng tôi cũng bị lỡ hẹn.
Chuyên gia cao cấp cũng không thể tới Việt Nam một cách dễ dàng. Hàng loạt FDI chuyển hợp đồng sang các quốc gia khác, khiến cho các FDI khác có phần e ngại đầu tư vào Việt Nam. Thông tin trên báo chí cũng khiến họ phải suy nghĩ.
Hiện nay, khó khăn cũng đến từ việc trên thông dưới tắc, nhiều địa phương ban hành những giấy phép con. Nguy hiểm nhất là hai địa phương ở cạnh nhau nhưng áp dụng chính sách khác nhau.
Chúng ta thiếu hụt lực lượng lao động. Đáng lẽ trong suốt năm vừa qua, hàng nghìn bạn trẻ phải được đào tạo làm việc.
Cuối cùng, đại dịch gây ra ảnh hưởng tâm lý nặng nề.
Mặc dù vậy, đội ngũ lãnh đạo của FPT đều có quan điểm tích cực đối với tình hình hiện nay", Chủ tịch FPT Telecom nói.
Ông Hoàng Nam Tiến cũng chia sẻ những điều mà bản thân ông và lãnh đạo FPT trong thời gian ứng phó với đại dịch. Công ty hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp chiến đấu, thậm chí còn bận hơn so với bình thường.
"Chúng rôi rút ra 4 điều.
Thứ nhất, chúng tôi chuyển mô hình quản trị doanh nghiệp sang chỉ huy doanh nghiệp quản trị lãnh đạo sang chỉ huy lãnh đạo. Chúng ta không có thời gian như trước nữa và hệ thống phải thay đổi như vậy.
Thứ hai, doanh nghiệp nào ứng dụng công nghệ sẽ trở thành doanh nghiệp xanh.
Thứ ba, trong hoàn cảnh mùa dịch sẽ thấy rất rõ vai trò của văn hóa doanh nghiệp. Khi cùng chia sẻ mục tiêu và hỗ trợ nhau, chúng tôi làm việc không có ngày cuối tuần.
Thứ tư, vai trò của người lãnh đạo lúc này là phải nhìn xa trông rộng.
Đó là những điều quyết định thành bại của doanh nghiệp tại thời điểm này".
Khi được ông Lê Trí Thông – Tổng giám đốc PNJ hỏi rằng: "Hiện nay Masan nổi lên là tay chơi mới trong ngành bán lẻ, với hệ sinh thái mở rộng tạo ra sức mạnh tổng hợp. Liệu điều này có tạo ra lợi thế cho các tập đoàn lớn sau đại dịch và ngành bán lẻ chuyển tới giai đoạn cạnh tranh bằng hệ sinh thái?"
Ông Tiến nói rằng, ông ủng hộ đầu tư lớn, nhưng thời điểm này tốc độ mới quyết định sự chiến thắng chứ không phải độ lớn.
"Khi bạn đã to thì rất khó tăng tốc và cũng khó rẽ trái rẽ phải. Tôi khẳng định chiến thắng trong cuộc chơi này là cho ai nhanh hơn và ứng dụng công nghệ giỏi hơn".