Trong phần phát biểu của mình tại Diễn đàn cải cách và phát triển kinh tế Việt Nam 2018 diễn ra sáng nay (5/12), ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý thuộc Đại học Fulbright Việt Nam có đưa ra một số nhận xét về nguồn nhân lực tại Việt Nam hiện nay.
Theo ông Huỳnh Thế Du, số năm học sinh Việt Nam đến trường trung bình cao hơn so với mức trung bình của thế giới, theo tính toán của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).
Tuy nhiên tỷ lệ số người đến tuổi đi học đại học tại Việt Nam lại thấp, nếu chúng ta muốn chất lượng nguồn nhân lực được như Nhật, Hàn Quốc, hay Phần Lan, số lượng người đi học cần phải nhiều hơn nữa.
Cũng theo ông Du, các số liệu tính đến hiện tại cho thấy số lượng du học sinh Việt Nam ra nước ngoài đứng thứ 9 trên thế giới và riêng tại Mỹ, số lượng du học sinh Việt Nam đứng thứ 6. Ông Du chỉ ra nhiều người đang phàn nàn về việc du học sinh Việt Nam ra nước ngoài là tị nạn giáo dục, ông Du không thấy vậy.
Theo ông việc nhiều sinh viên Việt Nam ra nước ngoài du học có thể coi như tín hiệu tốt bởi các nền kinh tế phát triển khác trong khu vực như Nhật, Hàn, Trung Quốc cũng có số lượng du học sinh đi học nước ngoài cao.
Nhận xét về đầu tư nước ngoài, ông Du chỉ ra Việt Nam đã thu hút FDI được 30 năm thế nhưng đáng tiếc vẫn không lên được chuỗi giá trị cao hơn.
Ông Du chia sẻ thật đáng buồn khi từng có giai đoạn, doanh nghiệp chỉ chú trọng vào đầu tư tài sản kiếm lời chứ không đầu tư đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, khi nhà nước thay đổi môi trường kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã cải thiện đáng kể, doanh nghiệp vì vậy đã đầu tư nhiều hơn vào đổi mới sáng tạo và đó có thể coi như thành công nổi bật nhất.
Ông Huỳnh Thế Du đặc biệt nhấn mạnh đến năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về năng lực đổi mới sáng tạo, nhưng khoảng cách với thế giới vẫn còn rất lớn.
Thế nhưng dù đầu vào năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam khá tốt, Việt Nam cũng có cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mang lại, nhưng năng lực và nhu cầu đổi mới sáng tạo của Việt Nam lại đang cản trở khả năng bước lên các nấc thang giá trị cao hơn.
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vô cùng quan trọng và Việt Nam cần chú trọng nhiều hơn nữa đến điều này. Việt Nam đạt dc tiến bộ đáng kể về đổi mới sáng tạo nhưng khoảng cách còn xa. Việt Nam còn nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, ông Du kết luận.