Một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa cũng chia sẻ nhận định này, trong đó có Thượng nghị sĩ Tom Cotton và Thượng nghị sĩ Marco Rubio.
Trong khi đó, một số nhà hoạt động cho rằng chính ông Trump mới là người cứng rắn với Trung Quốc, thể hiện qua những lời lẽ mạnh mẽ, một loạt biện pháp trừng phạt và nhất là cuộc chiến thương mại.
Câu hỏi đặt ra là liệu ông Trump có thật sự quyết liệt với Trung Quốc thời gian qua và ông Biden có thật sự trở nên dễ chịu hơn với Bắc Kinh sau khi nắm quyền hay không?
Trước hết, việc ông Trump hay phát ngôn cứng rắn không thể che giấu thực tế rằng ông không đạt được nhiều mục tiêu đề ra trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Một cảng container tại TP Thượng Hải - Trung Quốc. Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11-2020, Trung Quốc mua 82 tỉ USD hàng hóa Mỹ. Ảnh: Reuters
Một trong những mục tiêu hàng đầu của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên là đạt được một thỏa thuận thương mại mới với Trung Quốc và rốt cuộc hai bên cũng ký kết cái gọi là thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" vào tháng 1-2020.
Dù vậy, tác động của thỏa thuận này là không nhiều, một phần vì đại dịch Covid-19, sự suy yếu của kinh tế toàn cầu và nhu cầu nhập khẩu sụt giảm của Trung Quốc.
Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11-2020, Trung Quốc chỉ mua 82 tỉ USD hàng hóa Mỹ, thấp hơn nhiều so với con số cam kết trong thỏa thuận. Giờ đây, không biết khi nào hai bên mới ký thỏa thuận thương mại "giai đoạn hai", nhất là sau khi ông Trump không còn nắm quyền.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng hôm 22-1. Ảnh: Reuters
Theo một số chuyên gia, không phải đến khi ông Trump lên nắm quyền Mỹ mới cứng rắn hơn với Trung Quốc. Điều này thậm chí đã diễn ra trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama, người tiền nhiệm của ông Trump.
Chẳng hạn như Washington khi đó xem hành động ngang ngược của Bắc Kinh ở biển Đông là một thách thức quân sự nghiêm trọng. Trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc, ông Obama còn tìm cách lập liên minh, như thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ông Kurt Campbell là một trong những kiến trúc sư của chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền ông Obama. Giờ đây, ông Campbell được bổ nhiệm làm người phụ trách chính sách châu Á trong chính quyền ông Biden.
Trong những bài viết gần đây, ông Campbell đã nói về thách thức hiện hữu của Trung Quốc đối với Mỹ, đồng thời khẳng định một trong những sự đồng thuận hiếm hoi ở Washington lúc này là theo đuổi hướng tiếp cận mạnh mẽ hơn đối với Bắc Kinh.
Theo trang The Strategist, các biện pháp thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc thời ông Trump có thể là công cụ hữu ích để Tổng thống Biden sử dụng trong các cuộc thương thảo thời gian tới.
Ông Kurt Campbell là người phụ trách chính sách châu Á thời Tổng thống Joe Biden. Ảnh: Reuters
Ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ. Ảnh: Reuters
Ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, gần đây cho biết chính quyền ông Biden không vội rút lại các biện pháp thuế quan trên và tìm kiếm hướng tiếp cận mới để buộc Trung Quốc thay đổi hoặc điều chỉnh các tập quán thương mại bị xem là gây hại cho nền kinh tế Mỹ. Không dừng lại ở đó, ông Biden còn tỏ ý cho biết sẽ bắt tay với các đồng minh truyền thống để đối phó Bắc Kinh.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, ông Trump không ít lần cho rằng ông Biden sẽ hủy bỏ các biện pháp thuế quan và trở nên thân thiện hơn với Trung Quốc nếu vào Nhà Trắng.
Điều trớ trêu là trong lúc ông Trump hay nói cứng về Trung Quốc, ông Biden có thể là người hành động nhiều hơn trong việc kiềm chân Bắc Kinh.