Đặc phái viên chuyên về các vấn đề biến đổi khí hậu của chính phủ Mỹ - ông John Kerry khẳng định điện than dù có chi phí thấp nhưng thực ra lại vô cùng đắt đỏ vì tác động tồi tệ đến môi trường.
Trong cuộc phỏng vấn báo chí quy mô nhỏ vào ngày 5/9 tại Hà Nội, đặc phái viên chuyên về các vấn đề biến đổi khí hậu của Chính phủ Mỹ - ông John Kerry đã có những nhận xét về tình hình biến đổi khí hậu cũng như quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.
Theo ông John Kerry, không khó để có thể nhận ra biến đổi khí hậu đang có những ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân Việt Nam.
“Khi tôi đi dọc sông Sài Gòn ở TP.HCM và đến thăm Bến Tre, kết hợp với kiến thức của chuyên gia chúng tôi biết được rằng các khu vực này chịu ảnh hưởng bởi nước biển dâng, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề, hiện nay, chúng tôi cũng đang rất nỗ lực để thực hiện khâu gọi là thích ứng với biến đổi khí hậu. Chúng tôi nghĩ đến việc làm sao nâng cao việc thích ứng với biến đổi khí hậu, thích ứng chuỗi cung ứng, đây thực sự là vấn đề lớn ở tỉnh Bến Tre”, ông Kerry chia sẻ.
Nhìn nhận lại quá trình phát triển nguồn năng lượng sạch tại Việt Nam, ông Kerry phân tích Việt Nam đã có thành công khi tạo điều kiện tốt cho nhiều nhà máy điện tái tạo phát triển, tuy nhiên Việt Nam cần phải tính nhiều hơn đến xây dựng hệ thống phân phối điện năng sao cho hiệu quả nhằm tránh tình trạng điện sản xuất ra nhưng không được đưa đến nơi cần dùng gây lãng phí, thiếu hiệu quả.
“Có nhiều nhà máy điện gió để cung cấp nguồn năng lượng tái tạo cho Việt Nam tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre, nhưng nó chưa được tận dụng một cách triệt để bởi Việt Nam chưa có các hệ thống truyền tải tốt”, ông Kerry nói.
Đặc phái viên chuyên về các vấn đề biến đổi khí hậu của Chính phủ Mỹ - ông John Kerry trong cuộc phỏng vấn báo chí quy mô nhỏ vào ngày 5/9 tại Hà Nội
Cũng theo đặc phái viên chuyên về các vấn đề biến đổi khí hậu của Chính phủ Mỹ, Việt Nam cần phải giảm dần điện than sang các nguồn năng lượng sạch. Đồng thời cần cung cấp đủ những nguồn điện cho giao thông.
Ông Kerry cho rằng từ câu chuyện ở Bến Tre và các tỉnh nói trên, sẽ có những tác động tiêu cực nếu Việt Nam không nhanh chóng thực hiện quá trình chuyển giao sang năng lượng sạch.
Ông Kerry cho biết phía Mỹ cố gắng hỗ trợ Việt Nam theo nhiều cách khác nhau. Nếu Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 tại COP26, hiện nay cấu thành hệ thống cung cấp điện chưa đủ đáp ứng mục tiêu này, phía Mỹ cố gắng hỗ trợ Việt Nam thực hiện các bước đi này để giúp Việt Nam có thể hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra.
Ông Kerry chia sẻ phái đoàn Mỹ sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng, Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên môi trường để bàn về việc thực hiện công nghệ mới cho công cuộc chuyển đổi năng lượng, ngoài ra phía Mỹ có thể cùng hỗ trợ Việt Nam huy động nguồn tài chính quốc tế, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Mỹ và Việt Nam đã có quan hệ đối tác rất mạnh mẽ trong 10 năm qua và muốn đẩy mạnh thành mối quan hệ đối tác chiến lược.
Trước những lo ngại về vấn đề chuyển đổi sang năng lượng sạch sẽ khiến cho chi phí doanh nghiệp tăng cao hơn gây ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của môi trường đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, ông Kerry tin rằng khi mà sự cạnh tranh tăng cao chắc chắn khi đó chi phí không còn là vấn đề nữa.
“Chúng ta cần phải có nhiều điện gió, điện mặt trời hơn và dần dần giá thành sẽ giảm xuống. Điện gió và điện mặt trời chắc chắn sau này sẽ giảm hơn điện than. Than là nguyên liệu hóa thạch tuy giá rẻ nhưng thực ra lại rất đắt tiền bởi than có nhiều tác động tiêu cực, làm độ axit hóa đại dương cao hơn, gây ra phát thải nhà kính, mưa axit, làm trắng rặng san hô, ảnh hưởng đến môi sinh tại các khu vực hồ chứa. Có thể ở Việt Nam chúng ta chưa chú ý đủ nhiều đến tác động này tuy nhiên tại nhiều nước khác các nước đã chú trọng đến vấn đề nói trên”.
Ông Kerry dẫn đến ví dụ ở Đức, người Đức sử dụng điện gió, điện mặt trời tại các nhà máy của doanh nghiệp lớn rất phổ biến, tỷ lệ sử dụng lên đến 80%, như vậy họ sẽ không cần các nguồn điện từ nhà máy nhiệt điện than trong tương lai nữa. Họ sẽ chỉ quay lại sử dụng điện than nếu có vấn đề với các nhà máy điện tái tạo. Các dự án điện than không nên lâu dài và cần có khung thời gian để chuyển đổi năng lượng và các nhà máy điện than không nên tồn tại quá khoảng thời gian này. Năng lượng hạt nhân cũng có thể là một cân nhắc trong việc phát
Cũng theo ông Kerry, việc phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo không nên đi kèm với sự độc quyền, sự cạnh tranh giúp mang đến hiệu quả tốt hơn: “Chúng ta không nên để độc quyền mà cần khuyến khích cạnh tranh trong việc cung cấp. Vietnam Airlines hay Vietjet cùng cung cấp dịch vụ hàng không, việc Vietjet phát triển đã giúp Vietnam Airlines cải thiện tốt hơn và vì vậy người tiêu dùng hưởng lợi”.
Ông Kerry nhận định thế giới đang đương đầu với khủng hoảng khí hậu toàn cầu, cách thức cấp điện cho xe của chúng ta, nhiên liệu của gia đình chúng ta, cần phải đưa ra nguồn năng lượng sạch hơn và khác đi. Ông Kerry cho biết bản thân ông hiện đang đi xe ô tô điện, độ tin cậy cao, rất êm và tốt cho môi trường.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ cho rằng việc chuyển đổi năng lượng không phải câu chuyện “một sớm, một chiều”. “Quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ phải mất vài thế hệ để có thể xây dựng và làm mọi việc khác đi. Chúng ta cần phải xem xét và tính toán dựa trên nghiên cứu của các nhà khoa học, như vậy cần phải nhanh chóng thay đổi nguồn nguyên liệu, giảm phát thải, đây là những hạng mục lớn mà cần phải làm ngay lập tức. Ford và General Motos đang chi nhiều trăm tỷ USD để sản xuất xe điện. Tại châu Âu, Mỹ xe ô tô đốt trong thường có thời hạn sử dụng 10-12 năm, sau đó sẽ cần phải chuyển sang xe điện. Dần qua các thập kỷ thì đến năm 2050, chúng ta sẽ nỗ lực để mức phát thải ròng có thể bằng không”, ông nói.
Ông Kerry thể hiện quan điểm rằng Việt Nam cần có sự minh bạch về pháp lý, quy định giảm thiểu tối đa các thủ tục bởi rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đến và đầu tư. Khi đầu tư, nhà đầu tư cần phải biết rõ lộ trình với đồng tiền của họ như thế nào. Minh bạch, pháp lý, quy định, trách nhiệm giải trình và đẩy nhanh quá trình ra quyết định.
Cũng theo ông Kerry, khi có năng lượng sạch sẽ thu hút thêm vốn đầu tư, nhiều doanh nghiệp đa quốc gia lớn như Amazon hay Samsung, thì họ đã cam kết ở cấp độ toàn cầu để chống lại biến đổi khí hậu vì thế họ tìm kiếm năng lượng sạch, không có lao động cưỡng bức hay những thông lệ không tốt, FDI đổ rất nhiều vào những thị trường có nguồn cung cấp năng lượng sạch. Họ cần sự hỗ trợ của chính phủ để khai mở những nguồn năng lượng mới.
Còn theo ông Jack Levine, Giám đốc khí hậu thuộc Tập đoàn Tài chính Quốc tế Mỹ (DFC), Việt Nam sẽ cần đến nguồn vốn quốc tế để có thể phát triển hệ thống chuyển đổi sang năng lượng sạch. Ông cho biết việc DFC cố gắng thúc đẩy nguồn tài chính quốc tế để phát triển các dự án năng lượng sạch, phát triển pin lưu trữ năng lượng.
Ông Levine cho hay phái đoàn đã làm việc với TP.HCM và nhận thấy phía thành phố sẵn sàng thực hiện các mục tiêu ngăn biến đổi khí hậu, tuy nhiên cần có những nguồn vốn linh hoạt với chi phí thấp. Ông Levine cũng cho rằng việc phối hợp với khối kinh tế tư nhân nhằm hiện thực hóa các mục tiêu biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng.