Bên cạnh đó IPP cũng mong muốn được phối hợp cùng ACV đầu tư xây dựng nhà ga hành khách quốc tế T2 với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 7.000 tỷ đồng. Dự kiến nhà ga có công suất đón 10 triệu khách/năm tại Phú Quốc.
Vào năm 2015, IPP cũng đã từng đề xuất với Bộ trưởng Giao thông Vận tải để mua lại hoặc được quyền khai thác có thời hạn sân bay Phú Quốc.
Trong lĩnh vực đầu tư hàng không, IPP nói chung và ông Nguyễn Hạnh nói riêng không phải là người mới. Thực tế, IPP chính là cổ đông lớn nhất của Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC, thành lập tháng 2/2016) và ông Nguyễn Hạnh cũng chính là Chủ tịch HĐQT của CRTC. CRTC dự kiến sẽ chính thức khánh thành vào dịp 30/4 này.
Từ tháng 9/2014, IPP cũng được biết đến là cổ đông lớn, nhà đầu tư chiến lược của CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO). Trước đó, Chủ tịch IPP cũng từng đề xuất được "góp sức cùng Chính phủ, Bộ GTVT, TP HCM nhanh chóng giải quyết vấn đề quá tải tại Tân Sơn Nhất, thông qua việc xin được đầu tư nhà ga hành khách T4 tại đây".
Không chỉ tham gia đầu tư các cảng hàng không trong nước, IPP cũng được biết đến là đơn vị có công lớn trong việc thiết lập đường bay chính thức giữa Việt Nam và Phillipines. Cụ thể, năm 1985 với vai trò là Tổng đại diện của Philippines tại khu vực Đông Dương, ông Johnathan Hạnh Nguyễn là người đầu tiên mở đường bay chính thức hàng không Việt Nam và hàng không Philippines. Đường bay này là dấu mốc quan trọng của ngành hàng không Việt Nam tại thời điểm này, đóng góp không nhỏ vào việc mở cửa, thông thương của Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới.
Hiện nay, tại các sân bay, hoạt động kinh doanh của IPP gồm: Các cửa hàng miễn thuế bán hàng hiệu và các cửa hàng đồ ăn nhanh như Burger King, Dunkin’ Donuts,… Ngoài ra IPP còn đầu tư vào 2 trung tâm thương mại lớn là Rex Arcade: 40 triệu USD, và 400 tỷ đồng cải tạo Tràng Tiền Plaza. IPP cho biết hiện đã hợp tác đầu tư hơn 40 dự án với vốn đầu tư hơn 535 triệu USD, doanh số hàng năm tăng bình quân 15%, dự kiến đạt 1 tỷ USD Mỹ vào cuối năm 2016.