Sau giai đoạn thăng hoa, chứng khoán Việt Nam đã điều chỉnh mạnh và khép lại năm 2022 bằng mức giảm 33%. Nhìn lại một năm đầy biến động, điều gì khiến ông cảm thấy ấn tượng nhất?
Thực tế, tôi đã trải qua rất nhiều biến động lớn của thị trường chứng khoán (TTCK) như giai đoạn 2007- 2009, 2011 - 2013, 2018 và 2020. Tuy nhiên, mức độ biến động của thị trường cả chiều lên và chiều xuống vẫn nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Thị trường lúc đi lên thì tăng chóng mặt, đi xuống lại giảm một cách "thê thảm".
Mặc dù thị trường giảm sâu nhưng ông tránh được khá nhiều cú sập lớn. Tuy nhiên, việc bán toàn bộ danh mục để đứng ngoài khi thị trường vẫn trên đỉnh cao, trong khi danh mục Passion Investment khi đó "underperform Index" chắc chắn không dễ dàng. Khi đưa ra quyết định, cảm xúc của ông ra sao?
Những người làm nghề đầu tư lâu năm thường luôn có trong mình cảm giác sợ. Từng trải qua rất nhiều đợt sụt giảm, tôi tự hình thành bản năng và cảm giác sợ hãi khi mất tiền, thậm chí mất rất nhiều tiền. Tôi hiểu được nỗi đau khi thị trường giảm và mất tiền sẽ lớn hơn rất nhiều so với việc mất cơ hội kiếm tiền khi thị trường tiếp tục tăng.
Tất nhiên cảm giác thì có thể đúng và cũng có thể sai. Vì thế, tôi đã xây dựng một hệ thống để dự báo những đợt sụt giảm của thị trường. Thời điểm kết thúc quý 1, đầu quý 2/2022, tôi nhìn thấy thị trường cũng đang ở ngưỡng rất cao, hệ thống đã phát ra tín hiệu cảnh báo và vì vậy nếu thị trường đi xuống sẽ giảm rất khốc liệt. Sau khi cân nhắc cả hai yếu tố trên, tôi có đủ dũng khí bước ra khỏi thị trường.
Bên cạnh bản năng của người có kinh nghiệm, ông có nhắc đến việc xây dựng hệ thống để dự báo thị trường. Vậy đối với những nhà đầu tư cá nhân, đâu là dấu hiệu giúp họ biết thị trường chuẩn bị đi xuống?
Để xây dựng hệ thống dự báo thị trường, nhà đầu tư cần quan sát kỹ một số yếu tố. Thứ nhất, độ "nóng" của thị trường tăng cao. Điều này được thể hiện qua hàng loạt cổ phiếu tăng nóng giúp nhà đầu tư kiếm được rất nhiều tiền trong thời gian ngắn. Thứ hai, định giá của thị trường bắt đầu cao lên. Đây là hai dấu hiệu cho thấy "bong bóng" trên TTCK đang dần hình thành.
Nhưng để "bong bóng" đó vỡ ra thì cần một yếu tố kích hoạt, đó là sự quay đầu của chính sách tiền tệ. Nhìn lại thời điểm tháng 3/2022, lãi suất chuẩn bị quay đầu tăng là dấu hiệu cho thấy giai đoạn tiền rẻ sắp kết thúc. Đây là một trong những nguyên nhân mấu chốt khiến chứng khoán giảm mạnh trong năm qua.
Nhiều ý kiến cho rằng việc cố dự báo thị trường là điều vô nghĩa, quan trọng nhất vẫn là cổ phiếu nắm giữ. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
5 năm về trước tôi cũng nghĩ y như vậy. Việc dự đoán thị trường với tôi khi đó là quá khó nên tự an ủi bản thân rằng chỉ cần tập trung vào nghiên cứu cổ phiếu là đủ. Nhưng cú sụp đổ lớn khi thị trường giảm mạnh năm 2018 đã khiến tôi hoàn toàn thay đổi suy nghĩ.
Nếu nắm giữ cổ phiếu đi qua những đợt sụt giảm và bị lỗ mất 50% thì sang năm bạn phải tăng 100% NAV mới về như cũ. Khi thị trường đi xuống, phòng thủ tốt sẽ là điều quan trọng nhất, tránh được những đợt lỗ lớn thì return sau đó tăng rất mạnh. Tất nhiên nếu không có khả năng dự báo, tôi sẽ lại tiếp tục "ôm" một mớ cổ phiếu khi thị trường sập và tôi tự nhủ mình không thể rơi vào tình cảnh đó thêm một lần nào nữa.
Sau thời gian dài làm đầu tư, tôi nhận ra những người nói dự báo VN-Index không quan trọng đa phần là vì họ không có khả năng và cũng không tìm ra được phương pháp dự báo. Thực tế, nhà đầu tư nổi tiếng thế giới như Stanley Druckenmiller có thể dự báo được liên tục, đều đặn và kiếm được rất nhiều tiền từ việc dự báo chính xác.
Vậy tại sao người ta không dự báo được thị trường? Bởi chu kỳ của thị trường thường từ 7 – 10 năm, tức là cả một chu kỳ đó có khi chỉ có một đợt sập mạnh, và quá trình nghiên cứu 10 năm có khi chỉ để sử dụng 1 lần. Tôi nghiên cứu về những cú sụp đổ của thị trường liên tục từ năm 2018 đến nay, ngay cả trong giai đoạn thị trường tăng mạnh (2020-2021), đến năm 2022 mới có thể áp dụng được. Bản chất là quá trình nghiên cứu rất lâu nhưng chúng ta chỉ dùng một vài lần trong cuộc đời đầu tư. Sau khi nghiên cứu không dùng, rất nhiều người chán bỏ luôn. Ý thức được tầm quan trọng của việc nghiên cứu vì đã trải qua những cú sập mạnh nên tôi mới có thể kiên trì.
Rõ ràng việc "dò đáy đoán đỉnh" thị trường không dễ đối nhà đầu tư cá nhân, bởi quá trình nghiên cứu rất kỳ công. Vậy trong giai đoạn thị trường "gấu", theo kinh nghiệm của ông, đâu là những dấu hiệu giúp nhà đầu tư nhận diện đáy của chứng khoán?
Để nhận diện đáy của thị trường cần quan sát 3 dấu hiệu nổi bật (1) mức độ sụt giảm (2) khoảng thời gian sụt giảm (3) yếu tố vĩ mô. Khi mức độ sụt giảm đủ mạnh, thời gian giảm kéo dài đủ lâu và những khó khăn vĩ mô đã được giải quyết thì thị trường mới chính thức tạo đáy.
Thị trường từng sụt giảm hơn 40% - mức giảm này đã đủ mạnh, song thời gian vẫn tương đối ngắn. Về yếu tố vĩ mô, chính sách tiền tệ thắt chặt là nguyên nhân then chốt khiến thị trường giảm sâu. Khi lãi suất chưa hạ nhiệt, thị trường chứng khoán khó có cửa đi lên.
Trong ba yếu tố xác nhận đáy thì mới chỉ đạt được yếu tố thị trường giảm đủ mạnh. Tôi cho rằng năm 2023 sẽ đáp ứng đầy đủ những tiêu chí trên và thị trường sẽ đi những bước cuối cùng của giai đoạn downtrend.
Dưới góc nhìn của ông, bức tranh vĩ mô năm 2023 sẽ như thế nào? Đâu là những biến số quan trọng có thể tác động đến TTCK trong năm nay?
Năm 2023, tăng trưởng kinh tế sẽ có phần chậm lại so với năm trước. Mốt số sức ép từ chính sách tiền tệ thắt chặt trên thế giới sẽ khiến dòng tiền vào thị trường chứng khoán khó khăn hơn. Trong giai đoạn trước, việc bơm tiền rẻ vào nền kinh tế đã tạo ra phân bổ nguồn vốn không hiệu quả của nhiều quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Khi thắt chặt tiền tệ, một số doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả phải trả lại nguồn lực cho những doanh nghiệp còn lại. Đây là giai đoạn nền kinh tế cơ cấu lại cho chu kỳ tiếp theo.
Hai yếu tố lớn tác động đến TTCK trong năm 2023 đó là dòng tiền và quá trình tái cơ cấu, dịch chuyển nguồn lực của nền kinh tế. Nếu lãi suất tiếp tục tăng mạnh thì TTCK sẽ gặp khó khăn, ngược lại lãi suất hạ nhiệt thì có thể giúp thị trường dễ thở hơn.
Theo dự báo của Fed, mức lãi suất có thể sẽ tăng thêm khoảng 1% cho năm 2023. Tuy vậy, cũng cần lưu ý là mức lãi suất cao có thể duy trì mặt bằng cao đến hết năm nay. Đây là yếu tố tác động mạnh đến quá trình chuyển giao nguồn lực, bởi tình hình tài chính của các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả sẽ bị ảnh hưởng khi phải chịu vay lãi suất cao hơn.
Lịch sử đã chứng minh khi lãi suất quay đầu giảm chứng khoán sẽ đi lên. Hiện, thị trường đã giảm quá đà so với mức tăng lãi suất, một khi lãi suất quay đầu giảm VN-Index sẽ bứt phá rất mạnh mẽ.
Là chuyên gia từng có dự đoán khá chính xác về điểm số của VN-Index, ông có dự báo gì về kịch bản của thị trường năm 2023?
Tôi khá lạc quan với bức tranh thị trường chứng khoán năm 2023. Lạc quan ở đây được thể hiện là đến cuối năm thị trường sẽ tốt lên rất nhiều. Tuy nhiên, trong giai đoạn 3-6 tháng đầu năm sẽ là giai đoạn tiếp tục khó khăn. Khi những khó khăn qua đi, chính sách tiền tệ bắt đầu nới lỏng hơn sẽ mở ra chu kỳ mới của TTCK. Khi đó thị trường sẽ rất dễ dàng chinh phục những đỉnh cao mới cho các năm sau đó.
Có hai kịch bản cho thị trường chứng khoán năm 2023. Thứ nhất, mức đáy VN-Index năm nay sẽ không thấp hơn mức 873 điểm từng thiết lập trong năm 2022, và thị trường sẽ đi lên dần. Thứ hai, VN-Index sẽ tìm kiếm vùng đáy mới trước khi hồi phục vào cuối năm, trước khi đi lên, thị trường sẽ có một nhịp "thủng" đáy cũ về khoảng 780 – 800 điểm, khả năng này xảy ra khi nền kinh tế Mỹ bị rơi vào suy thoái mạnh trong năm 2023.
Với dự báo chính sách tiền tệ sớm được nới lỏng trong quý 2/2023, thị trường có thể bứt phá đến 50% kể từ đáy, tương đương mức 1.200 điểm vào cuối năm. Trong năm 2023 có thể sẽ có những biến động khá lớn, nhưng xu hướng chung về cuối năm vẫn là tích cực. Nếu nhìn thời điểm đầu năm so với cuối năm 2023 tôi nhìn thấy cơ hội rất lớn, nhưng tất nhiên câu chuyện vẫn là mua ở vùng giá nào.
Việc điều chỉnh sâu và liên tiếp đã khiến P/E và P/B của thị trường đều về mức rất thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh tăng trưởng toàn thị trường năm 2023 dự báo sẽ giảm, mức định giá này có thực sự rẻ để đầu tư?
Khi định giá cổ phiếu trong giai đoạn thị trường khó khăn không nên nhìn chỉ số P/E, mà nên quan tâm chỉ số P/B. Bởi khi lợi nhuận doanh nghiệp sẽ sụt giảm khiến P/E biến động rất lớn.
Tôi đang thấy định giá thị trường rẻ, vì có những lúc P/B về dưới mức 5% percentile. Thống kê cho thấy, có đến 95% thời gian P/B thị trường nằm trên ngưỡng đó và chỉ có 5% thời gian dưới ngưỡng đó. Dù định giá đang ở mức thấp, nhưng có thấp hơn nữa hay không thì không ai biết trước.
Nhưng với xác suất trên thì nhà đầu tư hoàn toàn có thể mua cổ phiếu và nắm giữ dài hạn. Dù trong ngắn hạn định giá có thể giảm, song nhìn xa hơn sẽ phục hồi mạnh mẽ.
Định giá chứng khoán Việt Nam luôn được nhận xét là rẻ hơn so với các thị trường trong khu vực trong nhiều năm gần đây. Điều đó có thực sự đúng?
Không hoàn toàn đúng, vì bản chất các thị trường khác nhau. TTCK Việt Nam thường được so với các thị trường Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)…nhưng bản chất các thị trường đó thuộc nhóm Emerging Market (mới nổi), trong khi chúng ta là Frontier Markets (cận biên). Nếu so với các thị trường trong rổ Frontier Markets, định giá Việt Nam không hề rẻ, thậm chí đắt. Vì vậy, định giá Việt Nam sẽ luôn luôn rẻ nếu vẫn chưa được nâng hạng.
Sự trở lại của khối ngoại là lực đỡ quan trọng cho TTCK trong giai đoạn vừa qua. Sau thời gian mua ròng mạnh mẽ, liệu còn có thể kỳ vọng vào dòng vốn ngoại trong thời gian tới?
Có hai yếu tố tác động đến dòng vốn ngoại là tổng thể dòng tiền trên thế giới đang thắt chặt và định giá TTCK Việt Nam rẻ hơn so với các thị trường khác. Bản chất là họ đang đưa một phần tiền từ các thị trường khác đổ vào thị trường Việt Nam, nhưng tổng thể dòng tiền họ vẫn giảm. Nếu khối ngoại tiếp tục mua cũng sẽ giúp thị trường hồi phục đến một mức mà ở đó định giá của thị trường Việt Nam không còn hấp dẫn, trong khi dòng tiền tổng thể vẫn bị hút đi có thể khiến khối ngoại giảm mua ròng. Nếu Fed tăng lãi suất thì dòng tiền tổng thể khối ngoại sẽ giảm xuống. Khi chúng ta không còn lợi thế về định giá nữa thì họ sẽ giảm lượng tiền mua ròng xuống.
Nhiều ý kiến cho rằng, thời điểm kinh tế khó khăn chính là cơ hội tích lũy cổ phiếu "10 năm có một". Ông nghĩ sao về quan điểm này?
Nói cơ hội 10 năm chỉ có một lần cũng đúng. Bởi rõ ràng định giá rất thấp là cơ hội cực tốt để tích lũy cho dài hạn.
Tuy nhiên, nhà đầu tư hay nhầm lẫn về khái niệm dài hạn và ngắn hạn. Nhiều người tưởng mình là nhà đầu tư dài hạn nhưng không phải. Nhà đầu tư dài hạn là mua cổ phiếu nhưng không bị áp lực về dòng tiền, nắm giữ cổ phiếu 3-5 năm và phải chịu được áp lực khi cổ phiếu đó sụt giảm trong ngắn hạn. Với những người mua cổ phiếu chỉ giảm 15-20% đã không chịu được thì không thể gọi là dài hạn.
Với nhà đầu tư dài hạn, tôi thấy đây là giai đoạn rất tốt để mua cổ phiếu, dù khả năng biến động trong ngắn hạn vẫn có. Còn nếu là nhà đầu tư ngắn hạn thì không nên nhìn vào mức định giá đắt hay rẻ để đầu tư.
Cơn lốc của thị trường từ đầu năm đã cuốn theo rất nhiều nhà đầu tư ra khỏi thị trường chứng khoán. Đối với những người ở lại, ông dành lời khuyên gì cho họ?
Sau mỗi cú sập lớn số lượng nhà đầu tư còn ở lại thị trường rất ít. Những nhà đầu tư còn ở lại thị trường từ 2007 tới giờ không nhiều, song đa phần đều rất thành công. Đặc trưng của thị trường chứng khoán là biến động rất lớn. Có những năm nhà đầu tư lãi rất lớn, có những năm lỗ rất nặng nề. Nhưng nhìn chung tỷ suất trung bình của VN-Index từ khi thành lập đến hết 2022 chỉ đạt xấp xỉ khoảng 11%/năm.
Những nhà đầu tư muốn tồn tại trên thị trường cần hiểu một điều là khi mình lãi rất lớn có thể không phải do mình giỏi, mà do tính chu kỳ của thị trường. Khi lãi lớn chúng ta cần ngồi lại xem xét, vì nếu lãi 50-60% thì có thể năm sau rủi ro rất lớn. Ngược lại, khi lỗ lớn 70-80% thì năm sau sẽ rất thuận lợi.
Sau một năm biến động mạnh, cơ hội lớn sẽ mở ra trong năm tiếp theo. Bởi sau giai đoạn thị trường đi xuống và xác lập đáy, chỉ có 2 năm đầu tiên là “cơ hội vàng” để kiếm tiền, chiếm phần lớn lợi nhuận của cả giai đoạn thị trường đi lên. Sau mỗi đợt thị trường “gấu” cổ phiếu giảm giá rất sâu, nên chỉ cần xác lập xu hướng tăng VN-Index có thể bứt phá mạnh mẽ kể từ đáy. Nếu không tận dụng được thời điểm này thì tôi nghĩ giai đoạn về sau sẽ rất khó tìm kiếm lợi nhuận.