Tham gia trao đổi tại Toạ đàm trực tuyến "Nhận diện thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2021" ngày 28/7/2021, ông Lã Giang Trung - Tổng giám đốc Passion Investment – khẳng định điều chỉnh chỉ mang tính ngắn hạn, nhìn về dài hạn TTCK cũng như nền kinh tế đang trong chu kỳ đi lên, không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn cầu.
"Khi đầu tư, chúng tôi nhìn vào dài hạn nhiều hơn là các biến động ngắn hạn. TTCK Việt Nam, như anh Tuấn Dragon Capital đã chia sẻ, lợi nhuận doanh nghiệp vẫn dự báo tăng trưởng từ nay đến năm 2022", vị này nói.
Nhìn về chu kỳ kinh tế, cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ nhận định suy thoái kinh tế do Covid đã kết thúc vào tháng 4/2020. Đây là nền kinh tế đầu tầu trên thế giới, đã hồi phục và TTCK cũng hồi phục. Vậy cần thấy rằng, suy thoái do Covid đã đi qua dù nhiều quốc gia vẫn còn nhiều khó khăn.
Tương tự ở Việt Nam, là quốc gia xuất khẩu nhiều, cũng đã xuất hiện đáy TTCK vào cuối tháng 3/2020. Trong quá khứ, giai đoạn 2009 – 2010 khi kinh tế Mỹ vượt qua suy thoái năm 2009 và tạo đáy, thì Việt Nam cũng tương tự.
Như vậy, có thể khẳng định trong tháng 7/2021, TTCK Việt Nam giảm 13% là cơ bản tạo đáy, và đang trong xu hướng đi lên dài hạn chung. Với kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, kỳ vọng khống chế Covid sớm, TTCK ở giai đoạn đầu tăng trưởng thì còn đi lên, ông Trung dự báo sau nhịp điều chỉnh thì thị trường có thể lên 30-40%.
Dù rằng, trong quá trình tăng trưởng, các nhịp điều chỉnh là không thể tránh khỏi. Theo thống kê, nhịp điều chỉnh bình quân cho TTCK Việt Nam 17%/nhịp, thời gian bình quân là 6 tháng. Trong khi con số tại thị trường Mỹ là điều chỉnh 14% từ đỉnh, cùng thời gian bình quân là 6 tháng. Thống kê cho thấy, Việt Nam từ 3/2020 đến nay đã có 4 nhịp điều chỉnh, gồm tháng 6 - 7/2020, 1/2021 và 7/2021, khá tương đồng với các con số trong quá khứ.
Trở lại với đợt giảm hồi tháng 3/2020, Việt Nam có thể nhận định đã xác lập đáy TTCK và nền kinh tế đi lên. Nếu chu kỳ dài thì tăng trưởng này có thế kéo dài 7 - 10 năm. Passion Investment đầu tư là nhìn chu kỳ tăng trưởng này, thì việc điều chỉnh giảm trong ngắn hạn không là vấn đề.
"Với các giả định này, tôi cho rằng, cuối năm nay VN-Index có thể đạt 1.600 - 1.700 điểm với điều kiện covid khống chế trong tháng 8-9/2021. Thậm chí, khả năng rất cao VN-Index sẽ ở mức 1.600 điểm trong năm nay", ông Trung nói.
Và trong chu kỳ đi lên đó, thì lợi nhuận doanh nghiệp cũng tốt dần lên. Trong sóng đó, sẽ có những lúc niềm tin đi quá sự tăng trưởng của doanh nghiệp, lúc bày TTCK sẽ bước vào nhịp điều chỉnh. Tuy nhiên, điều chỉnh xong thì mọi thứ lại tiếp tục chu kỳ đi lên, tạo 1 vòng mới.
Tựu chung, tất cả những điều này theo ông Trung đang tạo ra một xu hướng tất yếu của dòng tiền: Dòng tiền liên tục bơm vào thị trường.
Cũng theo ông Trung, hiện có rất nhiều nhà đầu tư chờ đợi sự phục hồi rõ ràng hơn từ TTCK. Tuy nhiên, một khi dịch Covid-19 được khống chế thì những người này sẽ rất nhanh chóng trong việc giải ngân vào TTCK, và sẽ khiến thị trường tăng vọt.