Ông Lê Viết Hải: Phát triển thị trường nước ngoài là chiến lược lớn của HBC

07/02/2019 10:48
Chủ tịch Hòa Bình chia sẻ doanh nghiệp của ông đặt nhiều kỳ vọng vào việc mở rộng thị trường xây dựng ra nước ngoài, nhắm vào Trung Đông, Myanmar, Canada… Bởi lẽ, quy mô thị trường nước ngoài gấp trăm lần trong nước và lợi nhuận thì gấp cả chục lần.

Nhân dịp Tết Nguyên đán 2019, NDH có dịp ngồi lại cùng ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Bên chén trà xuân, ông Hải có những chia sẻ thẳng thắn về định hướng mới mẻ sắp tới của Hòa Bình cũng như quan điểm về quản trị, điều hành.

Ông Lê Viết Hải: Phát triển thị trường nước ngoài là chiến lược lớn của HBC - Ảnh 1.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hòa Bình.

Làm thầu phụ ở Kuwait là bước đệm, chúng tôi đang tìm hiểu làm tổng thầu

- Năm 2018 vừa mới kết thúc. Thành tựu nào của bản thân hoặc công ty trong năm nay khiến ông ấn tượng nhất?

- Về bản thân tôi không cần nhắc tới, nhưng thành tích của Hòa Bình thì đáng ghi nhận, đó là 86 công trường không tai nạn lao động, tương đương gần 75 triệu giờ công. Ở nước ngoài, 1 triệu giờ công không tai nạn là họ làm tiệc liên hoan. Nhưng ở Hòa Bình thì tới tận gần 75 triệu giờ công, đó thực sự là một kỳ tích.

- Trong năm vừa qua, tập đoàn xúc tiến các dự án ở nước ngoài, ví dụ Kuwait. Sự hợp tác này đang đem lại kết quả ra sao? Ngoài Kuwait, doanh nghiệp của ông còn triển khai mới các dự án nước ngoài nào khác? Ông nhận thấy việc thi công ở nước ngoài và Việt Nam khác nhau như thế nào? Hiệu suất sinh lời ra sao?

- Ở Kuwait, chúng tôi làm thầu phụ với mục tiêu thăm dò, hiểu được thị trường, môi trường kinh doanh, điều kiện khí hậu, thủ tục kinh doanh, xuất nhập, giấy phép lao động, pháp lý, hậu cần… Tôi thấy rằng việc làm thầu phụ không hiệu quả bằng làm tổng thầu. Vì vậy làm thầu phụ ở Kuwait chỉ là bước đệm. Hòa Bình đang tìm hiểu một số dự án làm tổng thầu tại Trung Đông. Các đối tác sẵn sàng hợp tác với mình.

- Thời gian tìm hiểu để chính thức trở thành tổng thầu là bao lâu?

- Chúng tôi đang xúc tiến, nhưng thời điểm nào bắt tay làm dự án có quy mô phù hợp thì chưa thể nói có ngay. Việc tìm hiểu, khảo sát, đi đến dự án thành công khá mất nhiều thời gian. Nhưng chúng tôi nhắm vào các thị trường Trung Đông, Myanmar, Canada. Tôi nghĩ thị trường ở những nước phát triển như Mỹ, Australia, Canada... có khả năng đem lại lợi nhuận cao hơn.

Ông Lê Viết Hải: Phát triển thị trường nước ngoài là chiến lược lớn của HBC - Ảnh 2.

- Vậy lợi nhuận ước tính từ các dự án thi công ở nước ngoài là bao nhiêu?

- Gấp khoảng 4 - 5 lần lợi nhuận trong nước, thậm chí chục lần, nếu như bỏ cùng quy mô, mức vốn. Có mức lợi nhuận thế này vì giá thành xây dựng nước ngoài cao, trong nước 400 - 500 USD nhưng ở nước ngoài lên tới 1.500 USD. Khoản chênh lệch này đến từ sự sáng tạo, sắp xếp hợp lý để tận dụng nguồn lực trong nước.

Ví dụ giá gia công cửa kính cửa nhôm, ván khuôn bên đó cao hơn tại Việt Nam thì mình làm ở Việt Nam, cùng tiêu chuẩn rồi đem qua. Mình dùng nhân công trực tiếp của nước ngoài, nhân công không phải thứ có chi phí cao nhất. Chất xám như thiết kế, dự toán, biện pháp thi công… mới là yếu tố quyết định.

- Làm tổng thầu ở nước ngoài màu mỡ như vậy, tại sao các công ty xây dựng khác không làm mà chỉ có Hòa Bình?

- Có thể do suy nghĩ chiến lược khác nhau. Việc làm tổng thầu ở nước ngoài cũng có nhiều rào cản chứ không đơn giản, có thể ảnh hưởng đến nguồn lực trong nước. Nhưng phải biết hy sinh một số nguồn lực để thực hiện chiến lược dài hạn, phát triển thị trường nước ngoài là chiến lược lớn. Nếu không ra nước ngoài thì hạn chế về phát triển doanh thu, sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Thị trường quốc tế lớn gấp trăm lần trong nước. Nếu chỉ làm 1% quy mô thị trường này thì doanh nghiệp đã có thể tăng doanh thu xây dựng lên gấp đôi.

Chuyển đổi Hòa Bình thành doanh nghiệp xây dựng quốc tế

- Hiện Hòa Bình mời McKinsey tham gia tư vấn chiến lược, tại sao lại là thời điểm này và ông kỳ vọng gì vào cuộc 'thay da đổi thịt' sau tư vấn của McKinsey?

- Thời điểm này, thị trường xây dựng trong nước có phần chững lại. Khi thị trường sôi động, nguồn lực của Hòa Bình tập trung vào phát triển công trình, tìm kiếm doanh thu. Khi thị trường chững lại thì bớt căng thẳng hơn nên là lúc thích hợp để mời McKinsey tham gia tư vấn.

Chúng tôi cũng bắt đầu ra nước ngoài để phát triển thị trường mới, cần một đơn vị tư vấn có kết nối với đối tác phù hợp nhu cầu phát triển của mình. McKinsey là đơn vị tư vấn cho top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, có quan hệ với nhiều doanh nghiệp. Họ có thể kết nối mình với cả thế giới, giúp Hòa Bình đến nơi phù hợp nhất, có đối tác tốt nhất.

Họ có kinh nghiệm để chuyển đổi từ mô hình quản trị này sang mô hình khác và đưa ra lộ trình tốt. Kèm theo đó, những chuyển đổi đó sẽ chắc chắn, ít sai lệch. Hòa Bình xác định sẽ chuyển đổi từ một doanh nghiệp xây dựng trong nước thành doanh nghiệp xây dựng quốc tế. Do đó, mình phải có một hệ thống, cách thức, mô hình hoạt động kinh doanh phù hợp.

- Ông vừa nói rằng thị trường xây dựng trong nước đang có phần chững lại?

- Đúng vậy, cho nên việc mở rộng ra nước ngoài sẽ giảm đi các tác động tiêu cực, có nơi để cân bằng các nguồn lực.

- Vậy ông đánh giá như thế nào về ngành địa ốc năm nay hoặc năm sau? Hòa Bình sẽ có hướng đi như thế nào trong diễn biến này?

- Mảng bất động sản đang có nhiều suy giảm, may mà có một loạt công trình như của VinCity. Nếu không có những dự án như thế thì ngành BĐS còn sụt giảm nữa.

Về Hòa Bình, bên cạnh các dự án nhà ở, công ty sẽ thi công các dự án khác như bệnh viện, khách sạn, văn phòng, trường học, nhà ga, sân bay, công nghiệp xây dựng nhà máy… Riêng công nghiệp xây dựng nhà máy, năm 2018, Hòa Bình làm các dự án nhà máy thép của Hòa Phát tại Dung Quất, nhiều nhất lên đến 2.800 công nhân, có tháng sản lượng 250 tỷ đồng, cả năm đạt doanh thu 1.200 tỷ. Cả dự án này mang về cho Hòa Bình doanh thu khoảng 1.500 tỷ.

- Ông mong muốn ra sao về môi trường kinh doanh, sự phát triển của ngành trong năm sau cũng như của Hòa Bình?

- Tôi hy vọng dù cho có siết tín dụng vào BĐS, khó khăn bủa vây thì ngành xây dựng vẫn tăng trưởng tỷ lệ nhất định, khoảng 6-8%. Hòa Bình sẽ vẫn giữ tăng trưởng nhanh hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế và nền xây dựng.

Ông Lê Viết Hải: Phát triển thị trường nước ngoài là chiến lược lớn của HBC - Ảnh 3.

- Giá trị các hợp đồng ký kết thực hiện trong năm 2019 của Hòa Bình?

- Giá trị các hợp đồng từ 2018 mang sang hơn 18.000 tỷ đồng. Năm 2019, Hòa Bình dự kiến nhận thầu trên 25.000 tỷ đồng từ các dự án mới. Như vậy là giá trị thầu trên 40.000 tỷ đồng cho năm 2019 thì mới đảm bảo được công việc.

- Năm 2018, cổ phiếu Hòa Bình gặp nhiều tin đồn, cổ phiếu hiện tại rơi về vùng giá thấp hơn rất nhiều so với thời kỳ hoàng kim năm 2017. Ông cảm thấy ra sao khi mỗi ngày cổ phiếu lại rơi một chút và bản thân lại giảm đi một phần tài sản trên sàn?

- Nhiều người cố tình bịa đặt xuyên tạc để đưa tin. Tất nhiên cũng không thể phủ nhận Hòa Bình có bất lợi là một số chỉ tiêu tài chính chưa tốt như phải thu cao, nợ vay ngân hàng/vốn xấp xỉ 2 lần, vòng quay vốn thấp. Tuy nhiên, những chỉ số đó bị phóng đại rủi ro quá mức, họ cho là có thể mất, không thu được, lợi nhuận ảo. Tuy nhiên, khoản nợ chỉ có chậm thôi, đều có khả năng thu hồi nợ, có cơ sở để đòi.

Trong thời gian tới, Hòa Bình sẽ phát hành cổ phiếu tăng vốn tự có, giảm nợ vay ngân hàng, nâng cao chỉ số an toàn tài chính.

Chúng tôi muốn cái tốt được biểu dương, ánh sáng sẽ xua đi bóng tối

- Hình ảnh nhận diện thương hiệu công ty là cánh chim. Cùng với tên công ty là Hòa Bình, ông muốn truyền tải điều gì?

- Tôi lớn lên trong thời kỳ chiến tranh, tôi thấy sự đau thương, đổ nát từ chiến tranh để lại cho con người quá kinh khủng. Tôi nghĩ đối với xã hội loài người, không có gì có giá trị hơn hòa bình. Có hòa bình là có tất cả, có văn minh, có hạnh phúc, có thịnh vượng.

- Ông cho rằng nét văn hóa nào của Hòa Bình là ưu điểm thu hút đối tác?

- Văn hóa chung của Hòa Bình là sự hợp tác - nền tảng để các đối tác tin tưởng. Văn hóa này được xây dựng trên 7 tiêu chí: khiêm nhường, kiên nhẫn, cởi mở, chân thành, hài hòa, thiện chí, thủy chung. Đó là điều để lãnh đạo và cán bộ nhân viên thực hiện đúng, hợp tác thì thành công.

Ông Lê Viết Hải: Phát triển thị trường nước ngoài là chiến lược lớn của HBC - Ảnh 4.

- Tôi từng nghe nhân viên cấp dưới ông nói rằng khi đi kiểm tra và duyệt hoàn thiện dự án, ông thường rất tỉ mỉ, chỉn chu, sẵn sàng yêu cầu cấp dưới sửa chữa cho đạt tiêu chuẩn, dù có thể công trình bị lỗ?

- Tôi biết nếu làm đúng, đảm bảo chất lượng thì chi phí tăng lên. Nhưng nếu biết tổ chức quản lý tốt thì chi phí chênh lệch không nhiều mà lại đạt được chất lượng tốt. Một công trình có nhiều lỗi sai sẽ làm giảm giá trị đi nhiều. Nếu một căn nhà sang trọng mà có nhiều sai lỗi thì bỏ bao nhiêu tiền mua vật liệu quý thì cũng mất đi giá trị cho nên phải làm thật đảm bảo chất lượng thì mới xứng với tâm huyết chủ đầu tư bỏ ra. Nhiều người không cảm thấy có sai lỗi, bỏ qua, nhưng chính cái sai lỗi làm công trình kém thẩm mỹ. Người làm chuyên môn thì phải sửa những điều đó.

- Vậy ông điều hành công ty bằng pháp trị, kỹ trị hay gia đình trị?

- Quan niệm của tôi là cân bằng giữa pháp trị và kỹ trị. Không phải khi nào cũng mềm mỏng, có khi phải cứng rắn. Nhưng việc xử lý sai phạm là phụ, khích lệ phát triển các nhân tố tích cực mới là chính. 99% cái tốt được tuyên dương nhưng không phải 99% được đưa ra xử lý. Đó là tính nhân văn, chúng tôi muốn cái tốt được biểu dương, ánh sáng sẽ xua đi bóng tối.

Ông Lê Viết Hải: Phát triển thị trường nước ngoài là chiến lược lớn của HBC - Ảnh 5.

Làm kiến trúc cũng là nghệ thuật

- Gia đình ông có truyền thống theo nghề giáo. Vì sao ông chọn ngành xây dựng mà không theo nghiệp gia đình hoặc làm ca sĩ, nhà thơ chẳng hạn, vì những bài ca, những bài thơ ông làm khá cuốn hút?

- Tôi học kiến trúc, không phải người làm chính về xây dựng. Khi tôi mới ra trường, không có nhiều việc cho kiến trúc sư. Cùng lúc đó, tôi thấy kỹ thuật xây dựng của mình quá lạc hậu, không có người hướng dẫn, đào tạo; càng không có người có quản lý tốt. Tôi nghĩ rằng không thể để tình trạng lạc hậu đó tiếp diễn. Sau đó tôi quyết tâm thành lập một công ty xây dựng để có thể đưa các kỹ thuật xây dựng tiên tiến trên thế giới về Việt Nam, áp dụng các chuẩn mực thế giới trong quản lý.

- Cử chỉ nho nhã khác biệt hẳn so với tính chất đặc thù ngành xây dựng, điều này có khi nào khiến ông bị “lép vế” trong các cuộc thương lượng? Hoặc ngược lại, nó khiến đối phương có cảm tình với ông?

- Tôi nghĩ rằng dù cho đối phương như thế nào đi nữa thì khi mình phân tích, lập trường kiên định, chỉ ra những bất hợp lý , tìm ra đâu là cái đúng, chân lý thì họ không bác bỏ được. Quan trọng là mình phải có khả năng thuyết phục bằng lý lẽ, sự logic của vấn đề.

- Làm thơ, viết nhạc có phải là cách xả stress sau những giờ làm việc của ông? Khi căng thẳng, ông thường làm gì để thư giãn, chắc hẳn là làm thơ, viết nhạc?

- Đó là sở thích của tôi. Tôi thấy rằng có những suy nghĩ nếu phải diễn đạt sẽ dài dòng nhưng khi viết thơ, bài hát thì cô đọng hơn, chia sẻ cảm xúc dễ dàng hơn. Tôi viết thơ, viết nhạc từ khi còn đi học. Tôi cũng cho rằng viết thơ, viết nhạc là nghệ thuật mà làm kiến trúc cũng là nghệ thuật .

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!


Tin mới

Sau thời gian 'chạy ầm ầm' ở Việt Nam, một mẫu xe VinFast đã bàn giao tại Mỹ: Rất hợp bản địa!
8 giờ trước
VinFast vừa chính thức bàn giao lô đầu tiên của mẫu xe điện VF 9 tại Mỹ.
Hai tháng nữa là Tết, Vespa 946 bản Rồng 'hết thời' hét giá, từng đắt ngang xe sang nay có nơi rao dưới 500 triệu
7 giờ trước
Từng một thời có giá bị thổi lên tới 700-800 triệu, cao hơn hẳn mức chính hãng 455 triệu, nay Vespa 946 Dragon nhập khẩu không chính hãng được rao bán với giá tầm 400-600 triệu đồng.
Xe ô tô Trung Quốc nhập vào Việt Nam tăng gấp đôi
6 giờ trước
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt thương hiệu ô tô Trung Quốc từ xe xăng cho đến hybrid và xe thuần điện tràn vào Việt Nam.
Ngành hàng tỷ đô Việt Nam lọt top đầu thế giới, hơn 100 quốc gia từ Á sang Âu đều mê thích
5 giờ trước
Mỹ, EU, Trung Đông và các nước CPTPP là 4 thị trường tiêu thụ nhiều nhất mặt hàng này của Việt Nam.
Nhộn nhịp khuyến mãi cuối năm
5 giờ trước
Mùa cao điểm mua sắm cuối năm đã bắt đầu khi người tiêu dùng chi tiêu mạnh tay hơn nhằm chuẩn bị cho các dịp lễ, Tết sắp tới

Tin cùng chuyên mục

Nóng: Novaland đạt thỏa thuận gia hạn 2 lô trái phiếu đầu tiên
24/03/2023 12:39
Lần đầu tiên, Novaland đạt thỏa thuận với trái chủ trong việc gia hạn thời gian đáo hạn với 2 lô trái phiếu có tổng giá trị 1.750 tỷ đồng.
Startup xe đạp trợ lực Wiibike của nữ CEO xinh đẹp từng được Shark Phú "săn đón" hiện kinh doanh ra sao?
24/03/2023 10:47
Sau 1 năm lên sóng Shark Tank mùa 4, Startup Wiibike của nữ CEO xinh đẹp Thu Hằng đã tăng doanh thu hơn 6 lần. Công ty này cũng mở nhượng quyền mô hình cà phê xe đạp.
Cơn đau đầu của Starbucks: Khách hàng chỉ 'tự thưởng' ly cà phê giá 100.000 đồng 1 lần/tuần, chịu thua trước những chuỗi bán giá 17.000 đồng/ly
24/03/2023 09:39
Starbucks đang ở trong cuộc chiến giá khốc liệt khi cà phê của họ được liệt vào dạng "bán xa xỉ".
Con đường nào đưa Toshiba từ biểu tượng về thiết bị điện tử, năng lượng hạt nhân... đến bán mình, hủy niêm yết?
24/03/2023 09:02
Không chỉ tại Việt Nam mà ở nhiều nơi trên toàn thế giới, cái tên Toshiba là sự đảm bảo cho chất lượng của những sản phẩm điện máy. Với lịch sử gần 150 năm tuổi, Toshiba đã gây dựng được thương hiệu của mình ở khắp nơi.