Tại đây, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình (HBC) đồng thời là Chủ tịch SACA Lê Viết Hải nêu quan điểm, ngành xây dựng Việt Nam buộc phải tiến ra nước ngoài khi thị trường trong nước ngày càng chật chội.
Theo ông Hải, trước năm 1995, ngành xây dựng Việt Nam rất sơ khai, gần như đứng yên một chỗ. Nhưng từ năm 1995, các công ty xây dựng nước ta được tiếp cận, học hỏi công ty nước ngoài. Đặc biệt trong giai đoạn 1995 - 2015, lĩnh vực xây dựng đã phát triển với tốc độ thần kỳ cùng với giai đoạn hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, trong ba năm 2017 - 2019, ngành xây dựng trong nước bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Thậm chí, từ năm 2020 đến thời điểm hiện tại, ngành xây dựng bị thụt lùi do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ông Lê Viết Hải chia sẻ, từng có giai đoạn nhờ sự tiến bộ về kỹ thuật và công nghệ, mà các nhà thầu lớn của Việt Nam có thể thay thế nhà thầu nước ngoài thi công các dự án lớn trong nước, mức tăng trưởng lên tới 20 - 30%/năm. Nhưng mặt trái là sau khi làm chủ thị trường, nhà thầu Việt lại không còn cơ hội cọ xát, học hỏi và cạnh tranh với các nhà thầu quốc tế.
Ông Hải cho rằng, Việt Nam không thiếu kiến trúc sư giỏi hay doanh nghiệp cung cấp vật liệu, nhà thầu có năng lực cạnh tranh. Việc vươn ra thị trường xây dựng quốc tế là mục tiêu mà nước ta có thể đạt được.
Ông khẳng định: "Chúng ta có thể phát triển thành một quốc gia chuyên xây dựng nhà ở cho thế giới, mang sản phẩm xây dựng sang nước ngoài. Nếu trau dồi, rèn luyện nghề nghiệp, chúng ta sẽ không thua kém ai".
Quy mô thị trường xây dựng trong nước từ vật liệu, dịch vụ thi công, nội thất tổng cộng khoảng 60 tỷ USD. Trong khi thị trường xây dựng thế giới có quy mô gấp 200 lần, lên đến 12.000 tỷ USD. Do đó, lãnh đạo SACA cho rằng, chỉ cần Việt Nam lấy được 1% thị phần xây dựng toàn cầu, quy mô đã gấp đôi tổng giá trị các công trình trong nước.
Tuy nhiên, mấu chốt để tiến ra thị trường nước ngoài nằm ở việc phải kết hợp các mắt xích trong chuỗi cung ứng dịch vụ xây dựng, chứ không thể manh mún như trước đây. "Chúng ta không thể tiếp tục chỉ đi bán lẻ vật liệu xây dựng hay xuất khẩu lao động. Đó là nền kinh tế hái lượm, có cái gì bắt cái nấy”, ông Hải chia sẻ thêm.
Hiện nay, ngành xây dựng Việt Nam có nhiều lợi thế như đội ngũ nhân lực kỹ sư dồi dào, chất lượng thi công, trình độ quản lý không thua kém các nhà thầu thế giới, thể hiện qua việc đảm nhận các dự án lớn trong nước. Đặc biệt, chi phí xây dựng nhà ở cao tầng của nhà thầu Việt Nam khoảng 400 - 500 USD/m2 nhưng ở các nước phát triển lên tới 1.500 - 2.000 USD/m2.
Ngoài ra, có những nước rất nghèo nhưng giá xây dựng vẫn ở mức cao, vì họ không đủ năng lực để xây dựng đội ngũ và sở hữu công nghệ hiện đại nên phải sử dụng dịch vụ tổng thầu của nước ngoài.
Nhiều điểm hạn chế cần được cải thiện
Ông Lê Viết Hải cho hay, các nhà thầu Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm chinh chiến thị trường quốc tế và năng lực tài chính còn rất hạn chế.
Bên cạnh đó, ngành xây dựng trong nước còn gặp khó khăn về tiêu chuẩn kỹ thuật. Ngành xây dựng trong nước không thiếu những người thợ kỹ năng nhưng lại không có chứng nhận tiêu chuẩn hay chứng chỉ hành nghề.
Cuối cùng, các doanh nghiệp trong ngành còn rời rạc, chưa có sự liên kết trong cùng chuỗi giá trị ngành xây dựng.
Hiện tại, tốc độ tăng trưởng của thị trường đã chậm hơn tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp. Thị trường xây dựng trong nước đã quá chật chội, bão hòa so với năng lực xây dựng của các công ty. Sự bất đối xứng cung - cầu lâu dài sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ ngành. Trong khi đó, ngành xây dựng toàn cầu có thể nói là khổng lồ và đầy tiềm năng cho chúng ta khai thác.