Những vấn đề lo ngại với khủng hoảng nợ của Evergrande đã xuất hiện từ lâu, song khi Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm tập đoàn này xuống "vỡ nợ giới hạn", liệu điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Trong nhiều tuần qua, thị trường toàn cầu dõi theo cuộc vật lộn của tập đoàn China Evergrande gánh trên vai khoản nợ 300 tỷ USD.
3 ngày sau khi thời hạn chót đã qua mà các trái chủ vẫn chưa nhận được khoản thanh toán lãi từ China Evergrande, công ty xếp hạng tín dụng Fitch Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm của tập đoàn này xuống mức vỡ nợ giới hạn điều này có nghĩa ông lớn bất động sản đã vỡ nợ nhưng chưa nộp đơn phá sản hay các quy trình khác ngừng hoạt động.
Có xảy ra vụ tương tự Lehman Brothers?
Sự suy thoái trong ngành bất động sản ở Trung Quốc - lĩnh vực chiếm tỷ trọng đáng kể trong tăng trưởng kinh tế của nước này có thể tác động xấu đến tăng trưởng toàn cầu. Những vấn đề của Evergrande làm rung chuyển chứng khoán và bất động sản trên thế giới. Tuy nhiên, một vụ vỡ nợ đã được dự đoán và lo ngại về tác động như vụ phá sản của ngân hàng Lehman Brothers ở Mỹ hồi năm 2008 đã không xảy ra.
Thông tin Evergrande bị hạ tín nhiệm xuống mức vỡ nợ giới hạn dấy lên lo ngại nhưng hiệu ứng lan sang các ngành khác là chưa xuất hiện |
Có được điều đó là do các nhà chức trách Trung Quốc dường như không để xảy ra kiểu sụp đổ trong một đêm như Lehman Brothers hồi năm 2008. Các nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh giám sát đối với công ty.
Người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai của Hồng Kông Ashley Alder nói với Bloomberg TV: "Hệ thống tài chính ở đây, hay ở nơi khác, có dễ bị tổn thương như trước sự sụp đổ của Lehman Brothers hay không? Câu trả lời cho điều đó là không".
Chuyện gì đang xảy ra
Evergrande từng cảnh báo có thể tập đoàn không thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính, có nghĩa thị trường đã chuẩn bị cho tình huống vỡ nợ. Điều này cũng khiến cho tỉnh Quảng Đông triệu tập chủ tịch tỷ phú Hui Ka Yan và cho biết sẽ cử một nhóm tới công ty.
Các nhà phân tích cho rằng, điều này báo hiệu bắt đầu chính thức quá trình tái cơ cấu nợ của ông lớn bất động sản này. Tuy nhiên, với sự vỡ nợ đồng thời của Kaisa, công ty bất động sản lớn thứ 27 của Trung Quốc xét về doanh số, có vẻ như quá muộn tránh hiệu ứng xấu từ cuộc khủng hoảng nợ tại Evergrande.
Bất chấp việc miễn cưỡng bảo lãnh cho Evergrande, các động thái kiềm chế cuộc khủng hoảng từ phía Trung Quốc đã làm giảm bớt lo ngại của các nhà đầu tư về một sự sụp đổ mất kiểm soát. Shehzad Qazi, giám đốc điều hành của công ty phân tích dữ liệu China Beige Book, nói với AFP: “Rõ ràng là nhà nước đang nghiêm túc tham gia vào việc quản lý tình hình".
Sự mở rộng thiếu thận trọng và quản lý kém của ông lớn bất động sản này đã dẫn đến khó khăn hiện tại |
Meng Ting, chiến lược gia tín dụng cấp cao của Ngân hàng ANZ cho biết: “Ưu tiên chắc chắn là đảm bảo cho các ngôi nhà được bàn giao và những gì còn lại sau đó sẽ được hoàn trả theo mức độ ưu tiên của trái phiếu”.
Ngân hàng Nhân Dân Trung Quốc đổ lỗi cho "sự quản lý kém và mở rộng thiếu thận trọng" của Evergrande đã gây ra các vấn đề và cho biết cuộc khủng hoảng chỉ giới hạn ở tập đoàn này.
“Rủi ro của Evergrande là sự cố thị trường sẽ được xử lý phù hợp theo nguyên tắc thị trường và pháp luật, quyền và lợi ích của các chủ nợ và nhà đầu tư sẽ được bảo vệ theo quy định của pháp luật", ông Yi Gang - Thống đốc Ngân hàng Nhân Dân Trung Quốc nói.
Sai lầm vay nợ quá nhiều
Trong hơn một thập kỷ, Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc hái ra tiền từ bùng nổ bất động sản trên quy mô chưa từng có. Từ thành công này, công ty mở rộng sang các lĩnh vực khác như nước đóng chai, thể thao và xe điện.
Tuy nhiên, điều đáng nói là công ty vay. quá nhiều để trả nợ ngân hàng, thanh toán cho nhà thầu và nhà đầu tư. Ngoài khoản nợ 300 tỷ trên sổ sách, một số chuyên gia ước tính số tiền nợ ngoài sổ sách của Evergrande có thể còn 156 tỷ USD khác.
Vấn đề tài chính của Evergrande là kết quả cơ quan chức năng Trung Quốc cố gắng để thị trường nhà ở tại nước này hạ nhiệt. Lo ngại sự ảnh hưởng đến hệ thống tài chính, các nhà quản lý đã buộc những công ty bất động sản như Evergrande phải thanh toán nợ ngân hàng và nợ các tổ chức tài chính khác.
Trước tình thế đó, Evergrande phải vật lộn để trả nợ. Công ty thất bại trong việc kinh doanh xe điện dù trước đó có những dự đoán xe điện của công ty sẽ "cháy hàng". Tuy nhiên, thị trường bất động sản hạ nhiệt, nhu cầu về căn hộ mới ít đã khiến cho tập đoàn lâm vào khó khăn.
Tập đoàn này thường dựa vào mô hình bán trước các căn hộ cho khách rồi mới xây dựng. Có tới 1,6 triệu khách hàng mua nhà vẫn đang chờ để chuyển đến căn hộ của Evergrande xây mà họ đã mua. Công ty tập hợp các giám đốc điều hành để ký bản cam kết hoàn thành hàng trăm dự án đã được bán cho khách. Nhưng để thực hiện cam kết này, công ty phải bán được nhà mới xây hoặc dựa vào các nguồn tài chính khác.
Quỳnh Hương (Theo AFP, Economic Times)