Việt Nam là nơi làm tổ cho các tập đoàn điện tử toàn cầu
Trong vài năm gần đây, hàng loạt nhà đầu tư mới xuất hiện và các dự án cũ được mở rộng cho thấy sức hút của môi trường làm ăn tại Việt Nam với những tập đoàn công nghệ toàn cầu. Đầu năm nay, Đồng Nai cấp giấy phép đầu tư cho 2 dự án của công ty Hansol Electronics Việt Nam (Hàn Quốc), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công và lắp ráp linh kiện điện tử cung ứng cho Samsung có tổng vốn 100 triệu USD và nhà máy của công ty Platel chuyên sản xuất vỏ thiết bị điện tử, linh kiện điện, điện tử từ nhựa.
Những gã khổng lồ của ngành công nghiệp điện tử toàn cầu như Samsung, Apple, Wistron, Pegatron hay Foxconn, đang mở rộng các cơ sở sản xuất hiện có và muốn đa dạng chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, lĩnh vực bán dẫn cũng đang được mở rộng mạnh mẽ. Nhà phân tích thị trường Technavio dự báo mức tăng trưởng hàng năm đạt 19% trong thời gian từ 2020-2024. Trong đó, các công ty sản xuất chip và bán dẫn quốc tế coi Việt Nam như địa điểm tiềm năng để mở rộng những cơ sở sản xuất hiện có.
Các tập đoàn công nghệ toàn cầu tăng đầu tư vào Việt Nam
Intel đầu tư khoảng 475 triệu USD vào sản xuất chip tại Việt Nam, nâng tổng vốn đầu tư của công ty lên khoảng 1,5 tỷ USD. Qualcomm cũng khai trương Phòng thí nghiệm, trung tâm kiểm tra, Nghiên cứu và Phát triển chất bán dẫn đầu tiên tại Hà Nội.
Foxconn sau khi đầu tư 1,5 tỷ USD vào các nhà máy ở Bắc Ninh, Bắc Giang cũng tìm hiểu cơ hội để mở rộng hoạt động sản xuất thiết bị điện tử tại tỉnh Thanh Hóa. Tập đoàn Pegatron của Đài Loan đầu tư vào Hải Phòng dự án thứ 2 sau dự án đầu tiên được cấp phép từ tháng 3, nâng tổng vốn đầu tư 2 dự án lên đến 500 triệu USD. Pegatron là tập đoàn chuyên cung ứng linh kiện cho Apple, Sony, Microsoft, Lenovo… Công ty LG Electronics Việt Nam Hải Phòng cũng cho biết thành lập 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin tại Đà Nẵng.
Tờ Nikkei Asia nhận định đến năm 2030, một nửa số máy tính xách tay được bán ra trên toàn cầu sẽ được sản xuất bởi các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Báo này kể ra hàng loạt dự án máy tính sản xuất tại Việt Nam như công ty Wistron của Đài Loan sẽ sản xuất laptop dưới sự ủy quyền của thương hiệu Mỹ tại Việt Nam, một số công ty máy tính Đài Loan khác như Compal Electronics đang cân nhắc mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
Làn sóng đầu tư tăng mạnh sau đại dịch
Các chuyên gia nhận định làn sóng đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ vào Việt Nam tăng mạnh sau khi dịch bệnh được khống chế. Mới đây nhất, Panasonic khánh thành nhà máy mới sản xuất thiết bị chất lượng không khí trong nhà (IAQ) tại tỉnh Bình Dương. Đây là nhà máy đầu tiên trong lĩnh vực này của tập đoàn Panasonic tại Việt Nam. Nhà máy bắt đầu sản xuất quạt trần và quạt thông gió từ ngày 13/10. Sắp tới, bộ phận nghiên cứu và phát triển R&D sẽ được thành lập để hợp nhất các quy trình phát triển, sản xuất, bán hàng của nhà máy.
Nhà máy mới của Panasonic được xây dựng tại tỉnh Bình Dương có diện tích mặt bằng 50.000 m2
Nhà máy mới được xây dựng tại tỉnh Bình Dương có diện tích mặt bằng 50.000 m2 và tổng diện tích sàn là 24.000 m2. Với vốn đầu tư khoảng 45 triệu USD, nhà máy dự kiến đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các thiết bị liên quan đến IAQ, bắt đầu với sản phẩm quạt trần cho thị trường Việt Nam và sẽ mở rộng sản xuất quạt thông gió vào năm 2022. Dự kiến nhà máy có công suất khoảng 3 triệu sản phẩm vào năm 2025. Các thiết bị thông gió sản xuất được bán ở thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang khu vực Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi. Theo Panasonic, nhà máy ở Bình Dương sẽ trở thành cơ sở chủ lực về các thiết bị thông gió trong khu vực.
Tính đến nửa đầu năm 2021, Panasonic đang chiếm thị phần hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực quạt trần và quạt thông gió. Việc vận hành nhà máy IAQ mới tại Bình Dương giúp Panasonic xây dựng chuỗi cung ứng tốt hơn.
Trước Panasonic, 2 tập đoàn Hàn Quốc là LG và Samsung cũng mạnh tay đầu tư vào nhà máy, trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Việt Nam.
Trong đó, LG quyết định rót thêm 1,4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD. LG Display Việt Nam Hải Phòng trở thành dự án có vốn đầu tư lớn nhất thành phố. Nhà máy tại Hải Phòng của LG dự kiến tăng sản lượng màn hình OLED từ khoảng 10 triệu sản phẩm mỗi tháng lên 13-14 triệu sản phẩm mỗi tháng. Dự kiến, doanh thu xuất khẩu mỗi năm tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD, nộp ngân sách thêm khoảng 25 triệu USD, tạo thêm việc làm cho 10.000 lao động.
Samsung tiếp tục đẩy nhanh quá trình xây dựng trung tâm R&D lớn nhất của tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội. Dự án này đang triển khai hơn 50% tiến độ và dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Ngoài ra, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc cũng tăng công suất nhà máy Samsung Display tại Bắc Ninh để gia tăng sản lượng màn hình OLED gập trang bị trên 2 mẫu smartphone Galaxy Z Fold 3 và Z Flip 3 đang được đón nhận tốt bởi thị trường người dùng thế giới.