Tập đoàn Hyosung đến nay đã đầu tư vào Việt Nam hơn 4 tỷ USD, đang đổ thêm vốn vào thị trường này, trong đó tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là địa bàn sản xuất chiến lược, Phó Chủ tịch Lee Sang Woon của Hyosung cho biết ngày 30/3.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hôm nay, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ông Lee Sang Woon nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam nói chung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng.
Phó Chủ tịch của Hyosung (Hàn Quốc) cho biết đến nay, tổng số vốn Hyosung đã đầu tư vào Việt Nam hơn 4 tỷ USD với khoảng 9.000 lao động đang làm việc tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Quảng Nam và Bắc Ninh.
Với kinh nghiệm đầu tư khắp thế giới, Hyosung cam kết thực hiện theo đúng kế hoạch, tiến độ lộ trình các dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư, đồng thời mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, tạo thuận lợi để triển khai thực hiện các dự án.
Ông Lee đánh giá cao môi trường đầu tư của Bà Rịa - Vũng Tàu, nhấn mạnh nỗ lực của lãnh đạo tỉnh trong việc đồng hành và hỗ trợ tối đa nhà đầu tư. Đơn cử, Hyosung đang triển khai một cách thuận lợi 1 dự án lớn tại tỉnh để sản xuất sợi carbon.
Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là cứ điểm quan trọng trong chuỗi sản xuất sợi carbon toàn cầu của Hyosung bởi vì tập đoàn có kế hoạch đầu tư tổng cộng hơn 1 tỷ USD vào dự án này qua một số giai đoạn.
Ông Lee cho biết Hyosung được thành lập vào năm 1966 với doanh thu năm 2023 gần 20 tỷ USD. Hyosung đã trở thành một trong những công ty hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực như dệt may, hóa chất, vật liệu công nghiệp, công nghiệp nặng, công nghệ thông tin với 36 cơ sở sản xuất trên toàn cầu. Hyosung bắt đầu hoạt động đầu tư kinh doanh vào Việt Nam từ năm 2007.
Tại sự kiện ngày 30/3, Hyosung nhận giấy phép để tăng vốn 49 triệu USD vào dự án nhà máy sản xuất nhựa Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG). Như vậy, tổng mức đầu tư dự án đã lên đến 1,6 tỷ USD.
Trước đó, Hyosung nhận chứng nhận đầu tư cho dự án gần 730 triệu USD để sản xuất sợi sinh học tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ 2, thị xã Phú Mỹ. Đây là nhà máy đầu tiên tại châu Á và hiếm hoi trên thế giới sản xuất sợi sinh học (nguyên liệu làm sợi vải spandex) từ đường thô bằng công nghệ mới và hiện đại.
Hyosung đến nay đã dành ra tổng số vốn hơn 2,3 tỷ USD cho 3 dự án lớn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh.
Tương tự, Phó Chủ tịch Hyosung, ông Don Lam, đồng sáng lập và CEO tập đoàn đầu tư VinaCapital, cho phóng viên báo Dân Việt biết Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút nhiều "đại bàng" FDI và nhiều nhà đầu tư trong nước nhờ môi trường đầu tư thuận lợi, sự hỗ trợ hiệu quả và kịp thời của lãnh đạo tỉnh, và những kết nối thuận tiện trong vùng Đông Nam bộ và với quốc tế.
Đơn cử, hệ thống cảng và logistics quốc tế Cái Mép - Thị Vải là điểm đến thường xuyên của nhiều hãng tàu quốc tế lớn. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang thi công là dự án trọng điểm để giảm tải cho quốc lộ 51.
Cầu Phước An đang xây dựng để kết nối cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với cao tốc Bến Lức - Long Thành. Dự kiến đến 2025, sân bay Long Thành sẽ hoàn thành giai đoạn 1 để đi vào hoạt động. Đồng thời, tuyến đường sắt Biên Hòa - Cái Mép đang được khẩn trương chuẩn bị các bước triển khai xây dựng.
Như vậy, Bà Rịa - Vũng Tàu có đủ 5 phương thức vận tải: Đường biển, đường thủy, đường bộ, đường không và đường sắt, và sẽ trở thành địa phương có hệ thống vận tải đa phương thức, là lợi thế ít tỉnh nào trong cả nước có được.