Bộ Xây Dựng đang xem phương án thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty CP Sông Hồng. Đây là doanh nghiệp (DN) đã được cổ phần hoá (CPH) nhưng đang thua lỗ cả nghìn tỷ.
Tình trạng thua lỗ của Tổng công ty CP Sông Hồng (TCT Sông Hồng), kéo dài nhiều năm và Bộ Tài chính đã liên tục có cảnh báo. Để giải cứu, DN đã nhiều báo cáo các phương án với Bộ Xây dựng và cách duy nhất hiện nay là thoái vốn Nhà nước tại DN.
Theo đại diện (TCT Sông Hồng), năm 2020, DN này đã làm thủ tục thoái vốn, tiến hành đấu giá và nhà đầu tư đã đặt cọc nhưng khi chuẩn bị xong thì vướng Nghị định 140 ngày 30/11/2020 có nhiều thay đổi nên buộc phải dừng lại.
Sau đó, DN trình phương án mới từ 7/4/2021 theo yêu cầu của Bộ Xây dựng và tiếp tục bổ sung các thủ tục theo yêu cầu. Đến nay, phương án này vẫn đang chờ ý kiến chính thức từ Bộ chủ quản.
Trụ sở Tổng Công ty CP Sông Hồng tại 70 An Dương (quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng là đất đi thuê của nhà nước |
Ngày 18/11/2021, trong báo cáo mới nhất gửi Bộ Xây dựng, đại diện phần vốn Nhà nước tại TCT Sông Hồng biết, Kết luận số 30/TB-BXD tại cuộc họp về thoái vốn Nhà nước tại đơn vị ngày 28/4/2021, Bộ Xây dựng yêu cầu Tổ đại diện phần vốn Nhà nước tại TCT Sông Hồng rà soát, bổ sung, cập nhật lại chứng thư, báo cáo kết quả thẩm định giá và phương án thoái vốn theo các quy định mới trong việc xác định giá cổ phần và xây dựng phương án theo đúng quy định.
Tổ đại diện vốn đã phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành thẩm định lại giá trị doanh nghiệp. Theo đó, ngày 14/5/2021 đã có báo cáo số 07/BC-NĐDV phương án thoái vốn theo yêu cầu của Bộ Xây dựng. Ngày 15/6/2021, Bộ Xây dựng lại tiếp tục có công văn 2209/BXD-QLXD yêu cầu làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến phương án thoái vốn…
Đến ngày 9/7/2021, Bộ Xây dựng tiếp tục họp rà soát phương án thoái vốn Nhà nước, đã yêu cầu bổ sung làm rõ một số nội dung về lựa chọn đơn vị kiểm toán, định giá và kiểm toán báo cáo tài chính năm 2020, phương thức thoái vốn…
Trong các chỉ đạo của mình Bộ Xây dựng nhấn mạnh, việc thoái vốn tại TCT Sông Hồng là yêu cầu, nhiệm vụ cần phải tập trung thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Theo báo cáo tài chính công khai năm 2020, TCT Sông Hồng đang lỗ 1.057 tỉ đồng. Trong đó, riêng việc bảo lãnh cho Công ty Thép Sông Hồng vay ngân hàng khiến TCT đang phải gánh 239 tỉ đồng. Cùng với đó, dự án tại Vũng Áng có nợ gốc 192 tỉ đồng và đến thời điểm hiện tại cả gốc và lãi gần 600 tỉ đồng…
Trong khi đó, Chi cục Thi hành án dân sự quận Tây Hồ cũng ra quyết định tiếp tục thi hành án và buộc phải trả cho VAMC số tiền hơn 233 tỷ đồng; yêu cầu của Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Chi nhánh Cầu Giấy) phong tỏa 2 hợp đồng tiền gửi của TCT Sông Hồng số tiền hơn 7,1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hiện nay là HĐQT của TCT đã hết thời hạn, các cổ đông yêu cầu bãi miễn vì theo quy định HĐQT TCT Sông Hồng đang hoạt động… không hợp pháp, nếu không tổ chức họp bất thường để bầu lại thì mọi hoạt động của đơn vị sẽ tê liệt.
Với thực tế này cộng với khoản nợ 1.057 tỉ đồng, không một ngân hàng nào dám cho DN vay thêm và cũng không thể triển khai đấu thầu các dự án mới nên DN gần như tê liệt.
Theo Phó TGĐ TCTCP Sông Hồng Trần Anh Tài cho biết, để giải quyết các vướng mắc nêu trên, cách duy là phải thoái vốn với hy vọng là thu hút được các nguồn vốn khác từ bên ngoài để vực dậy doanh nghiệp.
Hiện đơn vị đã trình phương án thoái vốn nhưng chưa được cơ quan chức năng phê duyệt. Nếu được Bộ Xây dựng đồng ý thì trên cơ sở của hồ sơ đấu giá trước sẽ tổ chức lại hồ sơ trình sẽ nhanh.
Bên cạnh đó, trong khi chờ Bộ Xây dựng phê duyệt phương án thoái vốn, điều cần thiết là TCT Sông Hồng sẽ phải đại hội cổ đông bất thường để miễn nhiệm thành viên HĐQT đương nhiệm do hết nhiệm kỳ, bầu HĐQT mới đáp ứng quy định pháp luật để vận hành DN.
Thái Bình