Trong thư gửi khách hàng, đối tác và cán bộ, người lao động mới đây, ông Phạm Đức Ấn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank cho biết trong năm 2021, mặc dù bối cảnh đất nước và nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Agribank đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh doanh.
Đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Agribank đạt 1,68 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,58 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,31 triệu tỷ đồng, trong đó gần 70% dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dư nợ tín dụng "Tam nông" tại Việt Nam.
Lợi nhuận năm 2021 của Agribank đạt hơn 14.000 tỷ đồng, đồng thời ngân hàng đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định.
Trước đó, trong năm 2020, ngân hàng có lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 13.200 tỷ, riêng lẻ là hơn 12.900 tỷ.
Theo báo cáo tài chính, 6 tháng đầu năm 2021, Agribank có lãi trước thuế gần 9.500 tỷ đồng. Như vậy, trong nửa cuối năm, ngân hàng có lợi nhuận đạt khoảng 6.500 tỷ đồng.
Hiện Agribank và BIDV là 2 ngân hàng lớn nhất trong hệ thống TCTD về quy mô. Tại BIDV, cuối năm 2021, tổng tài sản đạt 1,684 triệu tỷ đồng, tăng 11% và quy mô tín dụng 1,582 triệu tỷ, tăng 12%.
Năm 2021, Agribank cũng là ngân hàng tiên phong trong việc điều chỉnh giảm lãi suất, phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 và hoạt động an sinh xã hội về giáo dục, y tế, hỗ trợ phòng, chống Covid-19 với tổng giá trị lên đến 7.000 tỷ đồng.
Còn theo thống kê gần đây của Ngân hàng Nhà nước, Agribank là ngân hàng giảm lãi nhiều nhất cho khách hàng trong thời gian qua. Tổng số tiền lãi giảm lũy kế của Agribank từ 15/7/2021 đến 30/11/2021 là 5.176 tỷ đồng (đạt 90,8% so với cam kết); với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,41 triệu tỷ đồng cho gần 3,75 triệu khách hàng.
Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022, ông Phạm Đức Ấn nhận định năm 2022 sẽ là một năm thách thức với ngành ngân hàng nói chung và Agribank nói riêng. Dự báo áp lực lạm phát lớn khi Chính phủ triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tình hình thị trường chứng khoán, bất động sản nếu không kịp thời kiểm soát sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng.
Do đó, ông Ấn dự kiến hoạt động ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là chất lượng tín dụng. Đồng thời, dư địa để giảm lãi suất rất ít khi lãi suất huy động hiện nay đã ở mức thấp, nếu giảm tiếp thì khả năng người gửi tiền sẽ tìm kênh đầu tư khác thay vì gửi tiền vào ngân hàng.
"Tuy nhiên, Agribank sẽ tiếp tục giảm, miễn phí, áp dụng chính sách giảm lãi suất cụ thể cho các khách hàng bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19", ông Ấn nhấn mạnh.
Trước những khó khăn sẽ phải đối mặt trong năm 2022, Chủ tịch Agribank cũng kiến nghị sớm được bổ sung vốn điều lệ. Điều này là hết sức bức thiết để Agribank có thể duy trì được tăng trưởng tín dụng từ 8-10%/năm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.