Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) vừa cập nhật biểu lãi suất huy động mới dành cho khách hàng cá nhân. Theo đó, nhà băng này đã điều chỉnh tăng 0,1-0,2%/năm so với biểu lãi suất cũ.
Cụ thể, đối với hình thức gửi tại quầy, tại kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng đã tăng lãi suất huy động từ 5,5%/năm lên 5,6%/năm. Đối với kỳ hạn 24 tháng – 60 tháng, lãi suất tăng từ 5,3%/năm lên 5,4%/năm.
Một số kỳ hạn ngắn cũng có sự điều chỉnh, trong đó, lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng từ 3,3%/năm lên 3,4%/năm; kỳ hạn 2 tháng tăng từ 3% lên 3,1%/năm. Ngân hàng giữ nguyên lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng.
Đối với hình thức gửi trực tuyến, lãi suất tăng mạnh hơn. Hiện lãi suất cao nhất là 5,8%/năm áp dụng kỳ hạn 12 tháng, tăng 0,2 điểm % so với trước. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 24 tháng tăng 0,2%/năm lên 5,6%/năm.
Ở kỳ hạn 6 tháng – 9 tháng khi gửi online, lãi suất tăng 0,1 điểm % lên 4,2%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng cũng tăng từ 3,5%/năm lên 3,6%/năm.
Lãi suất Vietcombank (%/năm)
Như vậy, hiện lãi suất huy động của Vietcombank đã tăng lên ngang với 3 ngân hàng quốc doanh còn lại. Trước đó, BIDV cũng đã có đợt tăng lãi suất từ tháng 6 và tiếp đó là Agribank trong tháng 7, mức điều chỉnh đều là 0,1%/năm ở các kỳ hạn dài.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2022 của Vietcombank, tiền gửi khách hàng tại nhà băng này đã tăng 5,3% lên 1,19 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng tới 14,6% trong 6 tháng đầu năm lên hơn 1,1 triệu tỷ đồng, mức tăng này cũng cao hơn nhiều so với trung bình toàn ngành (9,35%).
Vietcombank vốn là ngân hàng có lợi thế về "tiền rẻ" hàng đầu hệ thống. Tiền gửi không kỳ hạn tại nhà băng này cuối tháng 6/2022 đạt tới hơn 402 nghìn tỷ đồng, chiếm 34% trong tổng tiền gửi khách hàng. Điều này giúp Vietcombank có lợi thế về chi phí vốn, thường là ngân hàng nhập cuộc muộn nhất trong mỗi cuộc đua lãi suất huy động.
Các ngân hàng có vốn Nhà nước bắt đầu tăng lãi suất thời gian gần đây trong khi "cuộc đua" này đã diễn ra ở nhóm ngân hàng tư nhân một thời gian. Bắt đầu từ cuối năm 2021 đến nay, hàng loạt ngân hàng tư nhân đã tăng mạnh lãi suất thêm 0,3-1%/năm.
Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động còn có thể tiếp tục tăng. Cụ thể, lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng 1 – 1,5 điểm % trong cả năm 2022.
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, mặt bằng lãi suất sẽ nhích tăng trong nửa cuối năm 2022 do lạm phát tăng trở lại, khiến ngân hàng phải nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn duy trì tín cạnh tranh. Hơn nữa, nhu cầu tín dụng tăng lên khi nền kinh tế phục hồi cũng khiến các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn. Mức tăng lãi suất huy động nhiều khả năng là 0,5-1%/năm, tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8%.
Mặt bằng lãi suất cho vay cũng sẽ có xu hướng tăng đồng pha với lãi suất huy động. Tuy nhiên mức tăng sẽ ít hơn ở mức khoảng 0,4 – 0,7%, do Chính Phủ tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng chia sẻ khó khăn với các nhóm ngành chịu tác động bởi dịch bệnh.
Trên thực tế, tiền gửi tại ngân hàng có dấu hiệu tăng chậm lại trong quý 2/2022. Theo số liệu của NHNN, tiền gửi khách hàng cuối tháng 5/2022 đạt hơn 11,37 triệu tỷ đồng, tăng 3,93% so với cuối năm 2021.
Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, đến ngày 20/6/2022, tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng cũng chỉ nhích lên 3,97%.
Hơn nữa, tăng trưởng huy động vốn cũng đang chậm hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng (đạt 9,35% trong 6 tháng đầu năm), có thể gây áp lực cho các nhà băng thời gian tới. Mặc dù, áp lực này hiện không quá lớn do nhiều ngân hàng đã sử dụng hết "room" tăng trưởng tín dụng trong quý 2. Tuy nhiên, khi Ngân hàng Nhà nước cấp thêm "room" thời gian tới, cuộc đua tăng lãi suất huy động có thể lại "nóng" thêm.