Theo Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2017 trở lại đây, tín dụng xanh tăng trưởng bình quân 23%/năm, trong đó nông nghiệp là một trong hai ngành thu hút vốn xanh nhiều nhất với tỉ lệ 31% tổng dư nợ tín dụng xanh. Các chuyên gia tính toán, để đi tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần huy động nguồn lực lên tới 144 tỷ USD, điều này đặt ra vấn đề phải tìm cách khơi thông các dòng vốn xanh.
PAN và ngân hàng Anh ký kết hỗ trợ "vốn xanh"
Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới thuộc COP28 diễn ra chiều 1/12/2023, Tập đoàn PAN và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đã tiến hành trao Biên bản ghi nhớ cùng nhau hợp tác triển khai các giải pháp và dịch vụ tài chính ESG.
Theo đó, Standard Chartered Việt Nam hỗ trợ PAN trong việc tiếp cận các giải pháp và dịch vụ tài chính dựa trên các yếu tố môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp (“ESG”) nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư vào các dự án phát triển bền vững của Tập đoàn. Ngoài các khoản tín dụng xanh và/hoặc liên kết bền vững, chương trình cũng hỗ trợ tài chính cho các dự án như phát triển dây chuyền sản xuất hạt điều, thúc đẩy sản phẩm nuôi trồng thủy sản có giá trị gia tăng, và tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa.
Tương ứng, các dự án trong chương trình cần đáp ứng các tiêu chí và tuân thủ khung tài chính bền vững của Standard Chartered Việt Nam , cũng như nguyên tắc cho vay xanh hoặc nguyên tắc trái phiếu xanh.
Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Tập đoàn PAN cho biết, hiện doanh nghiệp đã và đang chuyển đổi xanh vài năm trở lại đây với 3 bước cơ bản:
Thứ nhất là xác định mục tiêu và lộ trình: Với đặc thù là công ty nông nghiệp, thủy sản, thực phẩm, PAN xác định mục tiêu chính của chuyển đổi xanh sẽ là giảm phát thải, ô nhiễm môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên, thích ứng biến đổi khí hậu…Lộ trình giảm phát thải sẽ điều chỉnh với lộ trình "net zero" của Chính phủ tới năm 2050.
Thứ hai, xác định và đánh giá hiện trạng: Từ khi bắt đầu đầu tư trong nông nghiệp xanh, với sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế, PAN đã và đang theo dõi và đánh giá hiện trạng của các mảng kinh doanh của mình rất sát sao theo các khía cạnh: Tiêu thụ năng lượng và nước; Sử dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật; Phát thải; Tác động đến môi trường và xã hội...
Các chỉ số đo lường được thu thập và báo cáo chi tiết trong báo cáo phát triển bền vững hàng năm của PAN , ngoài ra còn được báo cáo định kỳ theo cam kết với các nhà đầu tư quốc tế (IFC, ADB…)
Việc này cho phép PAN biết được mức độ ảnh hưởng tới môi trường xã hội của mình đang ở đâu, bằng các đo lường định lượng cụ thể, từ đó lên kế hoạch để cải thiện từng bước
Thứ ba, áp dụng từng bước các biện pháp cải thiện, chuyển đổi:
Sử dụng năng lượng tái tạo, hầu hết các nhà máy của PAN đều đang sử dụng năng lượng tái tạo và các nhà máy mới đang trong kế hoạch xây dựng cũng đều có kế hoạch sử dụng năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, cần xử lý chất thải hiệu quả: Các nhà máy thực phẩm, thủy sản của PAN liên tục đầu tư mới các hệ thống xử lý chất thải để đạt các tiêu chuẩn cao. Tiết kiệm nước, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Ngoài ra, tăng cường tái chế, tái sử dụng: kinh tế tuần hoàn – câu chuyện LAF, ABT, FMC…
Về vấn đề này, đại diện PAN chia sẻ, do đặc thù phải đầu tư công nghệ mới, hoặc chi phí lớn cho việc thử nghiệm áp dụng các biện pháp canh tác mới – theo hướng kinh tế xanh vốn đầu tư là điều rất quan trọng. Ngoài nguồn vốn tự có của doanh nghiệp, 2 nguồn vốn khác thường được các doanh nghiệp sử dụng là vốn vay ngân hàng và phát hành tăng vốn chủ sở hữu.
Với xu thế ủng hộ chuyển đổi xanh trên toàn thế giới, các quỹ đầu tư và các ngân hàng nước ngoài đang dành khá nhiều ngân sách sẵn sàng giải ngân cho các công ty, dự án với mục đích chuyển đổi xanh. Ngoài ra các NH trong nước hiện tại cũng đã bắt đầu có những chính sách ưu đãi cho vay với chuyển đổi xanh (đã cho vay nhiều ngành năng lượng).
Theo PAN , nguồn vốn xanh cho nông nghiệp tương đối dồi dào, vấn đề còn lại là ở phía doanh nghiệp. Có 3 điều kiện chính để doanh nghiệp có thể kêu gọi, tiếp cận nguồn vốn, tài trợ cho các dự án theo hướng xanh của mình.
Thứ nhấtcần có các dự án khả thi, và các dự án này có yếu tố “xanh” như công nghệ mới nhằm tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên; đầu tư vào xử lý, tái chế chất thải trong quá trình sản xuất hoặc mang lại lợi ích lớn cho công đồng, xã hội (tạo việc làm cho kv khó khăn, người thiểu số)…
Thứ haicó hệ thống báo cáo đo lường được các yếu tố ảnh hưởng tới môi trường xã hội của doanh nghiệp (phát thải, sử dụng năng lượng, tài nguyên, mức độ xả thải…) từ đó chứng minh được với các quỹ, ngân hàng về việc nếu đầu tư mới sẽ làm giảm được các ảnh hưởng này tới môi trường xã hội…
Thứ bacần xây dựng được quy chế đầu tư và tài chính xanh: theo chuẩn mực quốc tế hoặc chuẩn mực được chấp nhận bởi NH, quỹ đầu tư. Việc này đảm bảo doanh nghiệp có mục tiêu và quản trị cụ thể cho việc sử dụng vốn cho các dự án xanh. Ngoài ra, ở thời gian đầu, các doanh nghiệp cũng cần xác định việc sẽ phát sinh chi phí cho các chuyên gia môi trường xã hội để đánh giá sơ bộ (due dillengence) hoặc xác minh các yếu tố môi trường của doanh nghiệp.
“Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn ở điểm 2 và 3 – khi không có được hệ thống báo cáo và đo lường về môi trường xã hội qua nhiều năm, từ đó tạo cơ sở cho việc xác định “va chạm” của các khoản đầu tư mới lên môi trường xã hội khó gọi vốn xanh”, đại diện PAN chia sẻ.
Theo các chuyên gia kinh tế, để hút được nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp xanh, doanh nghiệp cần biết rõ “khẩu vị” của các ngân hàng. Đó là các gói tín dụng xanh của các ngân hàng thường mạnh dạn dành cho những doanh nghiệp làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đi theo chuỗi. Hơn nữa, để thỏa mãn các điều kiện về tín dụng xanh, các doanh nghiệp làm nông nghiệp cũng nên xem đây là cơ hội để chỉnh sửa đổi mới quy trình nhằm tương thích theo yêu cầu “xanh” của các tổ chức tài chính.
Các doanh nghiệp nên biến áp lực hút “vốn xanh” thành việc đổi mới quy trình sản xuất nông nghiệp để vừa giúp nâng cao vị thế doanh nghiệp cũng như có được các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững. Đặc biệt khi việc đổi mới quy trình không chỉ cho phép các doanh nghiệp nắm bắt và áp dụng kiến thức hoặc bí quyết mới vào các quy trình sản xuất nông nghiệp hiện có, mà còn thúc đẩy cho lĩnh vực nông nghiệp xanh ở Việt Nam phát triển bền vững hơn.