Với doanh số đạt hàng tỉ USD và liên tục tăng trưởng mạnh qua từng năm, Việt Nam (VN) đang trở thành thị trường bia đầy hấp lực khiến cả doanh nghiệp nội lẫn ngoại cùng chen chân quyết đấu. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy phần thắng đang nghiêng dần về các hãng bia ngoại.
Người Việt uống bia ngày càng nhiều
Chỉ trong một thời gian rất ngắn, hãng Heineken đã liên tục giới thiệu hai loại bia mới đánh thẳng vào phân khúc cao cấp. Tại một buổi ra mắt bia mới, ông Alexander Koch, Giám đốc thương mại Heineken VN, từng nói hãng đưa một nhãn hiệu bia lâu đời nhất của mình vào thị trường VN trước khi giới thiệu cho các nước trong khu vực.
Điều này không có gì quá khó hiểu vì sức hấp dẫn từ thị trường bia VN. Một nghiên cứu gần đây của hãng nghiên cứu thị trường Statista (Đức) cho thấy mức độ lạc quan của thị trường bia Việt. Theo đó, tổng mức doanh thu với thị trường bia của VN dự báo đạt con số 7,7 tỉ USD vào năm nay. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng thị trường bia VN hằng năm sẽ tăng 5,6% trong giai đoạn 2019-2023. Điều này có nghĩa người Việt sẽ uống bia lên con số 9,6 tỉ USD vào năm 2023.
Theo ước tính của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, đến năm 2020, quy mô dân số có thu nhập trung bình sẽ tăng lên gấp ba lần so với năm 2014. Tín hiệu tích cực này đồng nghĩa với việc người dân VN sẽ chi tiêu mạnh tay hơn cho các sản phẩm thể hiện đẳng cấp và địa vị xã hội. Do vậy, mức tiêu thụ các sản phẩm bia nhập có giá cao và chất lượng tốt được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong những năm sắp tới.
Sức hấp dẫn này lớn đến mức một công ty chuyên về thương mại, chưa từng kinh doanh bia là Thiên Nam mới đây tuyên bố nhảy vào thị trường bia bằng cách nhập khẩu bia cao cấp từ Tây Ban Nha với tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 100 tỉ đồng. Thiên Nam kỳ vọng sau ba năm chiếm được 0,3% thị phần bia cao cấp với lãi ròng 37 tỉ đồng.
Thị trường bia rất hấp dẫn do người Việt uống bia ngày càng nhiều. Ảnh: HTD
Hãng bia Việt đuối sức
Mặc dù hiện nay trên thị trường có hàng chục thương hiệu bia nhưng hơn 90% thị phần thuộc về các ông lớn như Sabeco, Habeco, Carlberg và Heineken. Trong đó, riêng Sabeco và Heineken là hai ông lớn trên thị trường với hơn 60% thị phần. Điều này cho thấy thị trường bia không hề dễ ăn mà cạnh tranh đầy khốc liệt.
Đáng chú ý, gần như nguồn lợi đang đổ vào hầu hết thương hiệu bia ngoại. “Các nhà đầu tư ngoại hiện nay đang “phong tỏa” thị trường bia Việt, trong khi các hãng nội địa chỉ đủ khả năng chiếm lĩnh các thị trường ngách với biên lợi nhuận ngày càng bị bào mòn” - một chuyên gia kinh tế nhìn nhận.
Điển hình như Habeco, một ông lớn trên thị trường bia nhưng bắt đầu có dấu hiệu xuống dốc. Đây là công ty được xem là thuộc VN có khả năng đối đầu với hãng bia ngoại , vì Bộ Công Thương đang chiếm 81,79% vốn tại Habeco.
Năm ngoái, Habeco có doanh số và lợi nhuận lần lượt là 9.100 tỉ đồng và 498 tỉ đồng. Con số này so với cùng kỳ đã suy giảm khá nhiều, đặc biệt là lãi ròng mất 100 tỉ đồng. Lãnh đạo Habeco thừa nhận thị trường miền Bắc và miền Trung, hai thị trường chính của công ty, có dấu hiệu suy giảm trong bối cảnh Sabeco và Heineken tấn công mạnh vào các thị trường này.
Chẳng hạn, tại các khu vực này, Sabeco tăng trưởng 32% với sản phẩm Saigon Lager và 333. Thậm chí Heineken VN tăng trưởng bằng sản phẩm Tiger với tốc độ lên đến 71%. Điều này đã khiến kinh doanh của Habeco rơi vào khó khăn.
Tuy vậy, không chỉ Habeco mà cả Sabeco, đơn vị dẫn đầu thị trường bia, cũng thấy sức ép cạnh tranh lớn, đặc biệt đến từ đối thủ đứng thứ hai là Heineken. Ban lãnh đạo của Sabeco cho biết dù tăng thị phần ở khu vực nông thôn nhưng đang bị sức ép cạnh tranh mạnh mẽ tại khu vực thành thị. Do đó, muốn tăng thị phần phải giành lại vị thế tại khu vực thành thị.
Chuyên gia tài chính, chứng khoán Trần Đình Phương nhìn nhận dù thị trường bia được dự đoán tăng trưởng mạnh trong thời gian tới song không đơn giản gia nhập thị trường này là có lời. Trong cuộc chiến gay gắt này, chỉ những đơn vị đầu tư bài bản theo chuỗi giá trị từ nguyên vật liệu, logistics cho đến hệ thống phân phối, cùng với đó là nguồn tài chính mạnh cho các chiến lược chiêu thị mới giành được phần thắng trong cuộc đua này.
“Chưa kể các hãng bia còn gặp khó khăn khi Nhà nước tăng mạnh thuế khiến biên lợi nhuận dễ bị bào mòn nếu chiến lược kinh doanh đi sai. Nhiều bài học trên thị trường bia vẫn còn nguyên do đánh giá sai thị trường, như trường hợp Vinamilk phải bán nhà máy bia thương hiệu Zorok, hay Tân Hiệp Phát thua cuộc với bia Laser. Masan hiện nay cũng đang chật vật tìm chỗ đứng cho thương hiệu bia Sư Tử Trắng dù có bệ đỡ hệ thống phân phối mạnh” - ông Phương dẫn chứng.
Người Việt chi tiền khủng để mua 4,6 tỉ lít bia
Hãng nghiên cứu thị trường Statista (Đức) cho biết riêng trong năm nay, nếu tính theo doanh thu đầu người thì mỗi người Việt bình quân uống bia hết 79,55 USD. Còn nếu tính theo đơn vị uống là lít thì người Việt sẽ uống hết 4,6 tỉ lít, tương đương mỗi người dân uống 47,6 lít trong năm 2019 và đến hết năm 2023 là 5 tỉ lít.
Nhìn về cơ cấu lợi nhuận, có thể thấy các hãng bia đang kiếm lợi rất nhiều từ việc dung lượng thị trường tăng và người dân uống bia ngày càng nhiều. Mới đây Tập đoàn Thaibev (Thái Lan), đơn vị sở hữu Sabeco với tỉ lệ 53,59%, cho biết Sabeco đã đóng góp rất lớn vào kết quả kinh doanh của Thaibev. Ví dụ, năm ngoái, doanh thu và lãi ròng của đơn vị này lần lượt đạt hơn 35.000 tỉ đồng và 4.100 tỉ đồng. Nhờ vậy, riêng Tập đoàn Thaibev đã thu về cổ tức hàng ngàn tỉ đồng.
Song bản thân Sabeco cũng đang bị cạnh tranh mạnh. Một báo cáo gần đây của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor cho thấy thị phần của Sabeco từ mức 42,2% năm 2017 đã giảm xuống còn 40,2% trong năm 2018, ngược lại Heneiken lại tăng mạnh từ 21,8% lên gần 25%.