Ông lớn nhà nước “né” 19.000 tỷ đồng tiền thuế
Kết quả kiểm toán cho thấy, dù thu ngân sách khó khăn nhưng tình trạng người nộp thuế hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách nhà nước… vẫn diễn ra khá phổ biến. Kiểm toán Nhà nước xác định số phải nộp ngân sách tăng thêm hơn 19.000 tỷ đồng.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp vốn nhà nước bị kiến nghị nộp thêm vào ngân sách nhà nước với số tiền lớn như: Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) 2.600 tỷ đồng; Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) 1.800 tỷ đồng; Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam 1.700 tỷ đồng; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam 255 tỷ đồng…
Trong số hơn 1,2 triệu tỷ vốn ngân sách chi cho đầu tư phát triển, Kiểm toán Nhà nước cũng vạch ra không ít sai phạm.
Theo đó, công tác giám sát thi công tại một số dự án không chặt chẽ theo quy định; tỷ lệ dự án được kiểm tra, giám sát còn thấp; một số chủ đầu tư không thực hiện chế độ báo cáo giám sát đầu tư , đặc biệt tại hạng mục công trình Cầu Ô Rô, tỉnh Cà Mau đã để xảy ra sự cố sập cầu trong quá trình thi công; chất lượng thi công một số hạng mục chưa đảm bảo, có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng ...
Nhiều dự án khác thuộc diện này cũng bị Kiểm toán Nhà nước “vạch” ra. Tại tỉnh An Giang, Dự án Hồ chứa nước Thanh Long xảy ra hiện tượng thấm của đập sau khi tích nước, nhưng vẫn chưa khắc phục hoàn toàn hiện tượng thấm theo kết luận của Tổng cục Thủy lợi.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra công tác nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết các dự án còn sai sót; còn tình trạng nghiệm thu, thanh toán, quyết toán khối lượng chưa thi công hoặc không đúng thực tế ... Qua kiểm toán 1.497 dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 10.000 tỷ đồng.
Chi sai tràn lan
Trong công tác chi thường xuyên vốn chiếm tới 2/3 chi ngân sách, Kiểm toán Nhà nước phát hiện một số bộ, ngành, cơ quan trung ương được kiểm toán còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, chi không đúng nguồn...; mua sắm vượt nhu cầu gây lãng phí ngân sách nhà nước. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách trên 211 tỷ đồng.
Đơn cử qua kiểm toán giai đoạn 2015-2016 của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (Đề án 2020) do Bộ Giáo dục đào tạo là cơ quan chủ trì thực hiện cho thấy từ năm 2015 đến 2017, Đề án chi 9,8 tỷ đồng mua 43.200 bộ phần mềm và giáo trình thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng nâng cao khả năng ngoại ngữ cho giáo viên với số lượng 4.220 chỉ tiêu. Đáng nói số lượng bộ phần mềm và giáo trình mua gấp 10,2 lần chỉ tiêu giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng.
Có 39/47 địa phương được kiểm toán vẫn còn quyết toán một số khoản chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi, nộp ngân sách, giảm thanh toán, dự toán năm sau 670 tỷ đồng. Cụ thể là TP. Hồ Chí Minh 19 tỷ đồng, Hà Nội 17 tỷ đồng, tỉnh Bình Thuận 171 tỷ đồng; Tây Ninh 132 tỷ đồng; Quảng Bình 177 tỷ đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu 74 tỷ đồng; Bình Định 49 tỷ đồng…
Ngoài ra, có 31/47 địa phương được kiểm toán sử dụng sai nguồn kinh phí 1.952 tỷ đồng. Trong đó tỉnh Vĩnh Phúc 691 tỷ đồng, Sóc Trăng 399 tỷ đồng, Vĩnh Long 281 tỷ đồng, thành phố Hải Phòng 141 tỷ đồng. 18 địa phương còn sử dụng 156 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, nguồn thu sử dụng đất... để bổ sung chi thường xuyên sai quy định...
Có 22/47 địa phương chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi 121 tỷ đồng, trong đó một số địa phương còn hỗ trợ cho các công ty bóng đá. Cụ thể tỉnh Tây Ninh hỗ trợ Công ty cổ phần bóng đá Tây Ninh từ năm 2014 đến 2016 mỗi năm 4 tỷ đồng. Quảng Ninh hỗ trợ đội bóng đá của Công ty TNHH MTV bóng đá Quảng Ninh trả lương cho các cầu thủ và nhân viên của công ty 10 tỷ đồng.