Hơn 300 khách hàng lớn từ nhiều quốc gia đã tham gia sự kiện xúc tiến thương mại ngành gỗ Việt Nam. Nhiều cam kết, hợp đồng đã được đưa ra giúp DN Việt tự tin hồi phục nhanh và đạt kỷ lục 15 tỷ USD
Chuyển đơn hàng sang Trung Quốc
Ông Nguyễn Văn Diện - Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng Cục Lâm nghiệp) - nhận định, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã khiến năng suất ngành gỗ Việt Nam trong tháng 8, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2020.
Bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) thông tin, các nhà bán lẻ Mỹ bị ảnh hưởng tiêu cực khi Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Tuy nhiên, đại diện AmCham tin rằngg, sức mua của thị trường Hoa Kỳ đối với các sản phẩm gỗ Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022-2023.
Cũng theo AmCham, một số nhà sản xuất tại Việt Nam rất khó đạt được công suất 100% như trước đại dịch trong vòng 6 tháng tới, chưa kể họ còn phải đối diện với mức phí vận chuyển tăng cao. Một số nhà sản xuất cũng như nhà đầu tư Hoa Kỳ đã chuyển một phần đơn hàng về về Trung Quốc.
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 gây nhiều khó khăn cho ngành gỗ Việt Nam (ảnh: Hawa) |
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - ông Alain Cany lo ngại giá vận tải biển đặc biệt vẫn rất cao. Thời gian qua, nhiều đơn vị muốn chuyển hàng nhưng không tìm được container trống. Các DN của EU đang sản xuất tại Việt Nam có lẽ đã mất hàng trăm triệu USD vì mất đơn hàng.
Trong khi đó, theo các DN, thời điểm giãn cách cũng là lúc nhận được rất nhiều đơn hàng nhất là nhu cầu từ các nước như Đức, Pháp, Hà Lan.. bùng nổ. Tuy nhiên, vài tháng vừa qua, mọi thứ dừng lại ở Việt Nam do giãn cách. Các vấn đề như thiếu nguyên liệu, mức giá tăng cao, lao động rời nhà máy về quê và chưa quay trở lại làm việc, hay các nhà máy chưa vận hành đạt 100% công suất là mối bận tâm của nhiều DN.
Kỳ vọng đạt 15 tỷ USD
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM thừa nhận 2021 là một năm khó khăn cho vận tải đường biển. Chi phí gia tăng, có những giai đoạn lượng container dồn ứ rất lớn ở cảng Cát Lái. Tuy nhiên, tình trạng này hiện đã giảm nhiều, hoạt động cảng biển ở TP.HCM nhộn nhịp trở lại. Theo đề xuất của các Hiệp hội, TP đã rời việc thu phí của các DN sử dụng hạ tầng khu vực cảng đến năm 2022 thay vì từ ngày 1/10/2021.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) Bùi Chính Nghĩa cho biết, mục tiêu xuất khẩu chế biến gỗ và lâm sản là 14,5 tỷ USD. Đến hết tháng 9, con số mang về là 11,9 tỷ USD. Nếu từ giờ đến cuối năm, mỗi tháng xuất khẩu được từ 800 triệu đến 1 tỷ USD thì vẫn đảm bảo mục tiêu được giao.
“Dẫu vậy, chúng tôi kỳ vọng giá trị xuất khẩu của năm 2021 sẽ cán đích khoảng 15 tỷ USD, vượt con số đã đề ra”, ông Nghĩa chia sẻ.
Ngành gỗ kỳ vọng xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 15 tỷ USD trong năm 2021 (ảnh: Hawa) |
Theo đại diện Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp, việc phục hồi chuỗi cung ứng ngành gỗ, mỹ nghệ sẽ chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn thích ứng kéo dài trong khoảng 3 tháng; giai đoạn phục hồi từ 3-6 tháng và giai đoạn tăng tốc sau 6 tháng.
Ở giai đoạn thích ứng, mục tiêu là khôi phục khoảng 70% nhà máy sản xuất, doanh số ước tính 900 triệu-1,2 tỷ USD/tháng. Giai đoạn phục hồi, chuẩn bị cho mùa sản xuất mới với đơn hàng mới, phục hồi 90% các nhà máy sản xuất và dự kiến doanh thu ước tính 1,2-1,4 tỷ USD/tháng.
Giai đoạn tăng tốc, ngành gỗ phát triển và tăng trưởng 15% so với năm 2021. Giai đoạn này cần tái cấu trúc lao động, các DN phải xây dựng phương án chống chịu cho tình hình mới, chuỗi cung ứng bền vững, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, đây là khoảng thời gian khó khăn nhưng sau cơn mưa trời sẽ sáng, mọi khó khăn rồi cùng qua đi. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng đã phát đi thông điệp rõ ràng, đến lúc phải chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và sẵn sàng phục hồi chuỗi cung ứng.
Với tinh thần khi người khác lo ngại những điều không thể thì chúng ta sẽ tìm kiếm từng điều có thể, ông Hoan đặt kỳ vọng vào sự phục hồi của ngành gỗ hậu Covid-19.
Trần Chung