Theo số liệu của Cục Thống kê Vĩnh Phúc về tình hình thu hút đầu tư, tính riêng 5 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 29 dự án FDI (9 dự án cấp mới, 20 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 214,15 triệu USD.
Nếu năm 1998 trên địa bàn tỉnh mới chỉ thu hút được 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì tính đến hết tháng 5/2022, toàn tỉnh đã thu hút được 435 dự án FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 7,3 tỷ USD.
Trong số các dự án FDI đầu tư tại tỉnh, có 58 dự án đến từ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,62 tỷ USD. Mặc dù đứng thứ 3 về số dự án và số vốn FDI đăng ký đầu tư tại tỉnh, song các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản lại đóng góp tới 70% tổng thu ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm cho 24.000 lao động bởi tỷ lệ số vốn thực hiện và hiệu quả sản xuất kinh doanh cao.
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc
Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tiên đầu tư vào Vĩnh Phúc, góp phần đặt nền móng đưa địa phương trở thành trung tâm sản xuất trong lĩnh vực ô tô, xe máy, cơ khí, chế tạo… của cả nước với sự đầu tư của một số tập đoàn lớn hàng đầu thế giới như Toyota, Honda, Sumitomo.
Cụ thể, Tập đoàn Sumitomo với dự án đầu tư KCN Thăng Long có tổng vốn đăng ký hơn 2.000 tỷ đồng, quy mô 213 ha; Tập đoàn SOJITZ với dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao về chăn nuôi, chế biến bò thịt hướng đến xuất khẩu có tổng mức đầu tư 500 triệu USD.
Tại hội nghị “Vĩnh Phúc trong kết nối, hợp tác và phát triển Việt Nam – Nhật Bản” mới đây, ông Keisuke Tokunaga – đại diện Tập đoàn Toyota cho biết, doanh nghiệp đã đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 1996, từ đó đến nay, doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương từ các hoạt động như khảo sát môi trường đầu tư đến hỗ trợ giải phóng mặt bằng, triển khai dự án đầu tư…
Đặc biệt, trong 2 năm chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, tỉnh Vĩnh Phúc đã rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc triển khai nhanh chóng việc tiêm phòng Covid-19 và có những biện pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và kinh doanh một cách suôn sẻ tại Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, ông Mihara Daiki, Tổng giám đốc Honda Việt Nam chia sẻ, Honda đã đầu tư tại Việt Nam từ năm 1996, trong suốt 26 thời gian đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp luôn nhận được sự đồng hành của tỉnh trong việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực thi các chính sách về thủ tục hành chính, thuế, giải phóng mặt bằng và nhiều thủ tục khác.
"Đó là lý do doanh nghiệp luôn nỗ lực hoạt động, mở rộng sản xuất, kinh doanh để tạo công ăn việc làm và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của địa phương cũng như Việt Nam", ông Mihara Daiki khẳng định.
Còn theo đại diện Tập đoàn Sumitomo, trước khi đặt dự án tại Vĩnh Phúc, tập đoàn đã tiến hành khảo sát 30 điểm tại các tỉnh phía Bắc và 20 điểm tại các tỉnh, thành phía Nam, sau đó mới chọn Vĩnh Phúc để đầu tư.
Đại diện Sumitomo chia sẻ có 3 lý do để doanh nghiệp lựa chọn Vĩnh Phúc. Thứ nhất, Vĩnh Phúc là địa phương có điều kiện tự nhiên phong phú, có nhiều cây xanh, làm cho nhà đầu tư Nhật Bản khi đến đây luôn cảm thấy dễ chịu và gợi nhớ về quê hương Nhật Bản.
Thứ hai, vị trí địa lý của Vĩnh Phúc có nhiều thuận lợi, với hệ thống giao thông phát triển, giúp nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận với các tuyến giao thông lớn của Việt Nam. Cuối cùng, cơ sở hạ tầng hoàn thiện và sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh cũng là yếu tố quan trọng khiến doanh nghiệp quyết định lựa chọn Vĩnh Phúc để đầu tư.
Không chỉ các doanh nghiệp lớn đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Vĩnh Phúc, đại diện Sumitomo cho biết, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ của Nhật Bản là đối tác của Sumitomo đang đặt trụ sở nhà máy tại KCN Thăng Long Vĩnh Phúc cũng đánh giá cao môi trường đầu tư tại địa phương, nhất là những hỗ trợ của tỉnh trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.