Đó là ý kiến của Tổng giám đốc của Công ty AKA, đơn vị sở hữu chuỗi nội thất Nhà Xinh. Ông Lý Quí Trung nổi tiếng với vai trò là người sáng lập chuỗi Phở 24, ông mới trở về Việt Nam để đảm nhận vị trí mới.
Dẫn dắt từ chuyện phim, nhà hàng để liên tưởng đến nội thất
Mở đầu bài nói chuyện của mình, ông Quí Trung nhắc đến những bộ phim hay bởi nó có ngôn ngữ riêng, có nét đặc biệt riêng. Câu chuyện về những bộ phim hay khiến ông liên tưởng đến nội thất. Theo doanh nhân họ Lý, người thiết kế cũng phải có gu, có nét độc đáo mới tạo ra những tác phẩm nội thất nổi trội.
Đi ăn nhà hàng mà khách không thấy ngon, ăn không no, tối về ăn mì tôm là không ổn.
Một ví dụ khác là nhà hàng trên Điện Biên Phủ cách đây hơn một thập kỷ khiến ông Trung rất tò mò. Nhà hàng yêu cầu thực khách tự chọn nguyên liệu, gia vị và đưa vào cho đầu bếp nấu.
“Ở đó, đi đứng, nói chuyện rất vui. Tuy nhiên, chỉ 6 tháng sau, nhà hàng đóng cửa”, doanh nhân họ Lý kể.
Theo ông: “Nhà hàng đó vui thì vui thiệt nhưng tối về, khách vẫn phải nấu mì gói vì ăn chưa no, đồ ăn chưa ngon”.
Doanh nhân Lý Quí Trung cho rằng, một ý tưởng kinh doanh nếu không đáp ứng được nhu cầu cơ bản của thực khách là ăn phải ngon, phải no thì không thể bền vững. Nội thất cũng vậy.
Doanh nhân Lý Quí Trung.
“Đối với nội thất, làm gì thì làm nhưng ghế phải êm. Nhà đẹp đến mấy mà cầu thang khiến chủ nhà bị va đầu, bàn đẹp nhưng chạm vào là đau… thì theo tôi, trong vai trò của khách hàng, có gì đó rất sai. Thiết kế độc đáo là điều quan trọng nhưng phải khả thi và phù hợp với nhu cầu của khách hàng”, CEO AKA nhận định.
Thiết kế có thể bay bổng nhưng phải sát thực tế, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Nhà sáng lập Phở 24 cho rằng dù ngành nhà hàng, hay thiết kế thì khách hàng vẫn là thượng đế. Nhà thiết kế tạo ra sản phẩm dù có bay bổng tới mấy thì vẫn phải đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ví dụ, khách hàng quan tâm đến phong thủy thì kiến trúc sư phải đáp ứng điều này, mặc dù có những trường hợp, người thiết kế rất ghét.
“Làm gì thì làm mà khách hàng chê dở thì là dở. Họ nhìn bản thiết kế xấu thì là không thành công. Nhu cầu của khách hàng là rất quan trọng. Nhà thiết kế dễ ưu tiên cái đẹp, cái sáng tạo mà quên nhu cầu của khách hàng”, ông Trung bình luận.
Nhà sáng lập Phở 24 nói thêm, hiểu khách hàng thôi chưa đủ mà phải hiểu cho đúng. Khi hiểu đúng khách hàng rồi thì kinh doanh thắng 50%.
“Ít ngành nào trả tiền cho thương hiệu cá nhân nhiều như nội thất”
Nhà thiết kế ngoài kỹ năng chuyên môn thì phải sở hữu nhiều khả năng khác, trong đó là việc lắng nghe để hiểu khách hàng, đây cũng là yếu tố tạo nên sự thành bại của nhà thiết kế, theo ông Trung.
Một kỹ năng khác rất đặc biệt đó là xây dựng thương hiệu cá nhân.
“Ít ngành nào mà trả tiền nhiều cho thương hiệu cá nhân bằng nội thất. Ít có ngành nào phải thống nhất giá trước khi thấy sản phẩm như nội thất”, ông Trung nói.
Và theo ông, xây dựng thương hiệu cá nhân cần 2 yếu tố: Thứ nhất nhà thiết kế đó phải thực sự giỏi. Thứ hai là phải uy tín. Và xuyên suốt quá trình luôn phải nghĩ đến chữ tín.
Xây dựng uy tín cá nhân là quá trình xuyên suốt và liên tục.
“Bất cứ người nào, xây dựng thương hiệu cá nhân là cả đời, từ từ nhưng liên tục. Nhiều người nổi tiếng, nếu có uy tín, lạm dụng nó, nhận công trình rồi đưa cho người khác. Thì đó là không bảo trì cho uy tín của mình”, doanh nhân họ Lý nhận định.
Cuối cùng, ông Trung khẳng định, đối với thiết kế nội thất, phải có ngôn ngữ riêng, độc đáo nhưng bám sát thực tế. Khi ra kinh doanh, sản xuất hàng loạt thì phải dễ chuyên chở, dễ bảo quản… Ngoài ra, sự độc đáo không phải nằm trong sản phẩm mà là cách mình làm trong nghề thiết kế: cách tiếp cận, bảo trì sản phẩm…. Đó chính là sự khác biệt giữa nhà thiết kế này với đồng nghiệp khác.