"Khi bạn muốn doanh nghiệp của bạn so bì được với một doanh nghiệp đối thủ từ một nước phát triển chẳng hạn, thì trước hết bạn phải so được bạn với người lãnh đạo của doanh nghiệp đó", ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư U&I, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhiệm kỳ IV - chia sẻ tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2025.
Việc so bì với lãnh đạo doanh nghiệp đối thủ, ông Tín cắt nghĩa là so TẦM của mình tới đâu.
Có thể ở mốc xuất phát của cuộc đua, một doanh nhân trẻ chưa có đủ tầm cần có. Cách duy nhất giúp nâng được tầm của một doanh nhân lên là học.
"Học thật nhanh, học thật kiên trì, và học để không chỉ bằng mà phải vượt người khác. Chỉ khi đó bạn mới có cơ may cạnh tranh và tồn tại được", ông Tín nói.
Muốn so bì được với DN đối thủ, thì trước hết phải so được bạn với người lãnh đạo của doanh nghiệp đó!
Ông Tín quan niệm, người giỏi không phải người học ở trường Top. Kiến thức nhà trường, ngay cả ở các trường tốt nhất, vẫn chỉ mới tạo ra một cái nền cơ bản. Người giỏi của ngày hôm nay, ông Tín cho rằng cần có thêm các năng lực rất quan trọng khác, bao gồm năng lực dấn thân làm chuyện khó, năng lực lãnh đạo, năng lực sáng tạo và năng lực học tập suốt đời.
"Tôi xin nhấn mạnh vào năng lực cuối mà tôi vừa kể: Năng lực học tập suốt đời. Với tôi đây mới là năng lực chính tạo ra sự khác biệt giữa người này với người khác, giữa doanh nhân này với doanh nhân khác".
"Bao nhiêu anh hùng đã phải dừng cuộc chơi và ngã ngựa chỉ vì nghĩ rằng mình đủ giỏi. Sẽ không có ai đủ giỏi cả. Ngay khi bạn đã vươn lên đạt vị trí dẫn đầu thì vẫn có rất nhiều người khác âm thầm học tập để theo kịp và vượt qua bạn. Kinh doanh, do vậy, là một cuộc đua không có điểm dừng và chắc chắn không dành cho những người thiếu năng lực học tập suốt đời", vị sếp đang điều hành 60 doanh nghiệp chiêm nghiệm.
Ông cho rằng, nếu có thể biến việc học tập suốt đời thành văn hóa chung của doanh nghiệp đang điều hành, thì doanh chủ cũng đồng thời tạo ra một lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp của mình - một lợi thế rất khó chinh phục.
Ông Tín cũng kể chuyện về tổ chức doanh nhân khác mà ông đã tham gia 14 năm nay - YPO (Young Presidents’ Organization - Tổ chức Chủ tịch Trẻ), với khoảng 30.000 thành viên ở 142 quốc gia, nhưng đang quản lý hơn 10% GDP toàn cầu. Khẩu hiệu của tổ chức là "trở thành những nhà lãnh đạo tốt hơn qua trao đổi ý tưởng và học tập suốt đời."
"Hàng năm tôi đều đi học với họ. Tổ học tập của tôi với họ năm nay tại đại học Harvard có tổ trưởng là một tỉ phú Hy Lạp đã gần 70 tuổi, nhưng vẫn chuẩn bị các bài học của mình nghiêm túc như mọi người khác. Chúng ta cần làm gì để cạnh tranh với các doanh nhân như vậy? Bắt đầu bằng học các bạn ạ", ông Tín nói.
"Tất cả các tỉ phú, dù là người Việt Nam hay là nước ngoài, đều đã từng là các doanh nhân trẻ như các bạn. Rồi các bạn sẽ trưởng thành, sẽ làm được những điều to tát cho chính các bạn và cho đất nước này. Nhưng hãy luôn tạo và giữ được trong lòng mình một động lực thật lớn, mà với tôi là dẫn dắt một doanh nghiệp đại diện cho tiếng nói của hơn 96 triệu người Việt chứ không nhất thiết phải là của riêng cá nhân hay gia đình mình. Hãy khai triển tối đa năng lực của mình không phải chỉ để giàu có cho cá nhân mình mà là mang lại sự giàu có cho người dân Việt Nam!"