Sáng ngày 10/1/2019, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2019.
Ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch ngân hàng phát biểu khai mạc cho biết, năm 2018 ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 18.000 tỷ đồng. Phương châm hoạt động trong năm qua theo định hướng mua buôn bán lẻ với 3 trụ cột là bán lẻ, dịch vụ, kinh doanh vốn và đầu tư. Tín dụng tăng trưởng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; vốn huy động từ các nguồn giá rẻ tăng mạnh (vốn bán buôn) giúp ngân hàng giảm chi phí huy động vốn và gia tăng hiệu quả hoạt động.
Nợ xấu của ngân hàng ở mức thấp nhất từ trước tới nay và thấp nhất trong các tổ chức tín dụng Việt Nam là dưới 1%. Vietcombank cũng đi đầu về quản trị rủi ro khi là ngân hàng đầu tiên được áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, đã được NHNN trao quyết định vào cuối tháng 11.
Với mức lợi nhuận hơn 18.000 tỷ trong năm qua, ông Thành cho biết, không chỉ giúp Vietcombank tiếp tục dẫn đầu mà còn có lợi nhuận cao hơn cả 2 ngân hàng đứng sau cộng lại. Vietcombank cũng đứng đầu về nộp ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, Vietcombank còn là ngân hàng có vốn hoá cao nhất trong số các ngân hàng đã niêm yết.
Báo cáo cụ thể về tình hình kinh doanh năm 2018, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, huy động vốn năm qua đạt hơn 910,9 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng huy động thị trường 1 đạt hơn 823,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2017. Tỷ trọng huy động vốn bán buôn tăng mạnh từ 37,6% lên 46,6%, tỷ trọng vốn không kỳ hạn tăng 14,2% và chiếm tỷ trọng 29,5% trong tổng nguồn vốn huy động. Huy động vốn ngoại tệ vượt 6,5 tỷ USD tăng 8,2% so với năm trước và chiếm tỷ trọng 18,4%.
Dư nợ tín dụng ở mức hơn 635 nghìn tỷ đồng, tăng 14,9% so với năm trước và dưới mức trần quy định của NHNN. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ tăng mạnh từ 39,6% lên 46,2%. Dư nợ khách hàng FDI tăng 6,4% đạt hơn 41 nghìn tỷ.
Tổng giám đốc Vietcombank cho biết thêm, tỷ lệ nợ xấu hiện chỉ chiếm 0,97% trên tổng dư nợ, với mức nợ xấu nội bảng chưa đến 6.200 tỷ đồng. Dư quỹ dự phòng rủi ro đạt gần 10.500 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng là 170% - cao nhất trong lịch sử hoạt động của nhà băng này.
Về khả năng sinh lời, chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản ROAA đạt 1,37% còn lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ROAE đạt 25,42%. Tỷ lệ lợi nhuận biên NIM đạt 2,91%.
Lợi nhuận của riêng ngân hàng mẹ Vietcombank đạt 18.016 tỷ đồng còn hợp nhất là 18.356 tỷ, tăng hơn 63% so với năm 2017.
Nói về công tác quản trị điều hành năm 2018, ông Dũng cho biết ngân hàng đã triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành theo định hướng mua buôn, bán lẻ. Đó là ngân hàng đã giữ huy động vốn ổn định trong quý 1 và tăng đều trong các quý tiếp theo, kiểm soát huy động vốn lãi suất cạnh tranh, bám sát định hướng đẩy mạnh huy động vốn bán buôn, không kỳ hạn và ngoại tệ, điều hành lãi suất phù hợp diễn biến thị trường. Về tín dụng, ngân hàng duy trì ổn định tín dụng bán buôn và cơ cấu lại danh mục, triển khai nhiều giải pháp để tăng tín dụng bán lẻ, tín dụng qua phòng giao dịch, đồng thời kiểm soát chất lượng tín dụng và đẩy mạnh thu hồi nợ xấu. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng triển khai đề án tăng thu từ dịch vụ; chuyển dịch danh mục đầu tư nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, thực hiện thoái vốn có hiệu quả…
Kế hoạch năm 2019, ngân hàng sẽ tăng tổng tài sản thêm 12%, huy động vốn tăng 13%, tín dụng tăng 15%, nợ xấu dưới 1% và lợi nhuận tăng 12% tức trên 20.000 tỷ đồng.
Trước đó ông Nghiêm Xuân Thành cho biết trong năm nay ngân hàng sẽ tiếp tục nỗ lực mục tiêu, tiếp tục dẫn đầu ngành ngân hàng, hướng tới top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực và trong 300 định chế tài chính lớn nhất toàn cầu vào năm sau.