Giữ chân nhân tài là câu chuyện không mới nhưng chưa bao giờ cũ trong các cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa những người lãnh đạo doanh nghiệp hay các chuyên gia trong ngành nhân sự. Một lần nữa, câu chuyện này lại được mang ra thảo luận tại sự kiện gặp gỡ đâu xuân do Hội Doanh nhân trẻ TPHCM tổ chức cách đây không lâu.
Trong khi nhiều lãnh đạo mong muốn được tư vấn cách giữ người tài với chi phí thấp nhất thì ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động lại có xu hướng đi ngược lại: Ông thích những người có thể tư vấn giúp ông làm sao trả lương cho nhân viên cao nhất có thể.
Ông lấy ví dụ một giám đốc mảng xây siêu thị của Thế Giới Di Động được trả lương cao gấp 3 lần đồng sự ở công ty khác. Nguyên nhân là vì năng suất làm việc của người này gấp người kia tới 7 lần. Tương tự như vậy, một siêu thị của Thế Giới Di Động trước nay cần tới 20 người (với mức lương 7 triệu đồng/tháng) để có thể vận hành nhưng nếu chỉ có 7 người mà vẫn làm được điều đó thì những nhân sự này xứng đáng nhận mức lương ít nhất là tăng gấp đôi.
"Thay vì nghĩ cách làm sao khiến nhân viên không bỏ đi dù nhận lương thấp, doanh nghiệp nên nghĩ đến việc làm sao giúp nhân viên tăng năng suất lao động để ngày càng nhận được nhiều tiền bạc và quyền lợi hơn", ông Nguyễn Đức Tài nhấn mạnh tại sự kiện.
Ông cho rằng bài toán ở đây là hiệu quả công việc phải song hành với lương thưởng mà nhân viên được nhận. Như vậy, muốn nhân viên nhận được lương cao thì năng suất làm việc phải cao, mà muốn năng suất làm việc cao thì người làm chủ buộc phải nhờ cậy vào những giải pháp công nghệ.
Cũng theo Chủ tịch Thế Giới Di Động, một nhân viên nói chung khi đi làm chỉ vì 2 mục đích: 1 là tiền, 2 là niềm vui. Ngoài môi trường làm việc, doanh nghiệp cần có cả yếu tố về tài chính nữa. Nếu kết hợp tốt 2 yếu tố này thì những người giỏi sẽ tự mình tìm đến với doanh nghiệp, đúng như nguyên lý "nước chảy chỗ trũng".
Ông Tài tin rằng tại Thế Giới Di Động, hơn 40.000 nhân viên đang có môi trường làm việc tương đối tốt trong thị trường lao động hiện nay, đi kèm với đó là yếu tố tài chính, đãi ngộ hợp lý.
"Thiếu 1 trong 2 yếu tố này đều không được. Nếu bạn chỉ có tiền thì những người cần tiền sẽ đến với bạn. Nếu bạn chỉ có niềm vui thì những người không cần tiền, chỉ cần vui sẽ đến với bạn. Nhưng niềm vui rất mong manh, chỗ bạn vui nhưng chỗ khác có thể vui hơn. Vậy nên, nếu biết kết hợp cả 2 yếu tố thì doanh nghiệp sẽ có một đội ngũ "ngon lành", cơ hội tìm người giỏi sẽ tốt hơn", ông Nguyễn Đức Tài nhắn nhủ các doanh nghiệp ngồi dưới.