Tại tọa đàm Ký ức và kỳ vọng kỷ niệm 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán (SJVC) tổ chức, câu hỏi làm sao để thị trường chứng khoán trở thành kênh tiết kiệm, lưu giữ tài sản của người dân được các lãnh đạo cơ quan quản lý và các thành viên thị trường bàn luận.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Chứng khoán SSI nhấn mạnh nhà đầu tư cá nhân trong nước là một trong những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của thị trường. Việc kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài là điều cần thiết, tuy nhiên đối tượng này “vào thị trường rồi cũng ra rất nhanh", trong đó có các quỹ ETF. Ông Hưng cho rằng chỉ có tìm cách chuyển dòng tiền của người dân từ tài khoản tiết kiệm thì thị trường chứng khoán mới bền vững.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch CTCP Chứng khoán SSI. Ảnh: SJCV.
Theo người đứng đầu công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam, khuyến khích người dân tham gia thị trường cũng tương tự như việc thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn 20 năm trước. “Chúng ta đã miễn thuế thu nhập cho các doanh nghiệp trong 1-2 năm, lúc đó các đơn vị đua nhau lên sàn”, ông Hưng nói, tương tự phải gắn quyền lợi của con người, tổ chức vào thị trường.
Trên góc nhìn của cơ quan quản lý, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho hay việc phát triển nhà đầu tư cá nhân luôn được đặt ngang với nhà đầu tư tổ chức. Dân số Việt Nam gần 100 triệu người và lượng tiền gửi tiết kiệm rất lớn.
Chủ tịch UBCK cho rằng cần phải để người dân nhận thức được chứng khoán cũng là một kênh tiết kiệm, lưu giữ tài sản, tương tự như vàng, bất động sản… Khi người dân có thể hiểu được điều này, thị trường sẽ tiếp tục mở rộng, cơ sở nhà đầu tư phát triển tốt hơn dù tốc độ chưa thể nhanh ngay. “Hiện nay, 2 triệu tài khoản chứng khoán được mở, nhưng lượng “active (tài khoản giao dịch)” chỉ mấy trăm nghìn”. Ông Dũng nói cần từng bước phổ cập kiến thức chứng khoán tới người dân.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN. Ảnh: SJCV. |
Bên cạnh phát triển nhà đầu tư cá nhân, bảo vệ đối tượng này thông qua minh bạch thị trường chứng khoán cũng là vấn đề được lãnh đạo UBCK và doanh nghiệp quan tâm.
Chủ tịch Chứng khoán SSI cho rằng nhà đầu tư cá nhân cũng chính là đối tượng cần được bảo vệ. Để thực hiện việc này, thị trường chứng khoán cần phải minh bạch hơn, có những quy chuẩn công bố thông tin với các doanh nghiệp trên sàn. Vị này cũng cho rằng cần làm từng bước, "mỗi bước đi nhỏ sẽ giúp ta tiến gần hơn đến mục tiêu, “khi bước từ 2 đến 3 là tốt hơn 150%, từ 2 lên 4 là tốt hơn 200%”
Ông Hưng mong muốn Nhà nước sẽ có chính sách để khuyến khích người dân chuyển từ tài khoản tiết kiệm sang đầu tư. Quá trình này sẽ giúp thị trường phát triển và các đơn vị quản lý, các đơn vị thành viên sẽ dần làm tốt hơn các chức năng vốn có.
“Tôi mong rằng thị trường Việt Nam sẽ dần tiệm cận với chuẩn chung của quốc tế và nâng cao định mức tín nhiệm và được nâng hạng”, ông Hưng bày tỏ.
Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cũng khẳng định xây dựng lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường, là động lực để cơ quan quản lý dần nâng cao hệ thống pháp lý, tổ chức, thanh tra giám sát. Thị trường cần có hệ thống giao dịch minh bạch, quản trị công ty tốt hơn. Việc thanh tra giám sát và xử lý vi phạm phải nghiệm minh.
“Dù có những vấn đề nhìn thấy nhưng chưa chắc tháo gỡ được, nếu cố gắng, nỗ lực chúng ta sẽ dần xử lý”, người đừng đầu UBCK kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ dần hoàn thiện và mang lại lợi ích nhiều hơn cho nhà đầu tư và đóng góp váo sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.