Trong những ngày đầu tiên của quí 2/2018, TTCK Việt Nam đã chứng kiến Vn-index lập đỉnh lịch sử khi vượt mốc 1.200 điểm. Nhưng thay vì bứt phá đi lên, thị trường đã có quãng thời gian lao dốc khá mạnh. Chỉ trong vòng chưa đến 2 tháng, chỉ số đã mất đi gần 20% và nhiều mã đã rơi từ đỉnh xuống 30%-40%.
Vậy đâu là nguyên nhân của đợt điều chỉnh này? Và khi nào thị trường sẽ tạo đáy, phục hồi đi lên? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Điệp – Giám đốc CN.HCM, CTCP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS).
Xin ông cho biết những nguyên do chủ yếu của việc chứng khoán Việt Nam đã mất đi gần 200 điểm trong thời gian vừa qua?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Ngày 9/4/2018 chỉ số Vn-index xác lập kỷ lục mới với điểm số 1204.33. Dù đây là điểm son cho TTCK Việt nam, nhưng còn có quá nhiều vấn đề trong quá trình lập đỉnh. Index lập kỷ lục, nhưng dòng tiền không có sự lan tỏa như hồi 2006-2007. Dòng tiền được tập trung vào các Bluechip để kéo chỉ số, chứ không tạo ra mặt bằng giá mới tương ứng với chỉ số đó. Trong cùng lúc đó, có nhiều thông tin tương đối bất lợi cho thị trường lại xuất hiện. Có 5 nguyên nhân chủ yếu, đã tác động vào TTCK trong thời gian qua.
Thứ nhất: yếu tố kinh tế vĩ mô thế giới. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, chính sách thắt chặt tiền tệ của FED, bất ổn quan hệ Mỹ-Nga trong cuộc chiến Syria, tất cả đều gây ra những tác động tiêu cực cho TTCK phố Wall. Một khi CK Mỹ giảm, ngoài yếu tố tâm lý, còn ảnh hưởng trực tiếp đến hành động của các quĩ mở hay ETF.
Thứ hai: ở trong nước thì có những sự việc liên quan đến chính trị, kinh tế xã hội phần nào tác động vào tâm lý đám đông. Cho dù những chỉ số như GDP quí, CPI hay LS đều đạt những con số rất ấn tượng, nhưng có lẽ đã phản ánh vào thị trường trước đó.
Thứ ba: khối ngoại liên tục bán ròng đã tác động xấu vào chỉ số và tâm lý thị trường chung. Đặc biệt, họ bán ròng mạnh nhiều mã có tỷ trọng lớn trong rổ Index như VIC, VCB, VNM, GAS, đây là điều trực tiếp làm Index mất điểm mạnh.
Thứ tư: NĐT trong nước thiếu định hướng, bị cô lập trong đầu tư, có cảm giác trở thành "con rối" cho "tay to". Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ các NĐT cá nhân sử dụng đòn bẩy tài chính một cách không đúng mức, càng làm tình hình xấu hơn khi bắt buộc phải cắt lỗ tài khoản khi giá giảm.
Thứ năm: công cụ phái sinh dù là hình thức giao dịch tiên tiến, nhưng trong hoàn cảnh TTCK Việt nam còn khá non trẻ, đã gây ra những hệ lụy không mong muốn. Với quy mô còn nhỏ, chỉ số bị phụ thuộc khá nhiều vào các mã lớn, không loại trừ có những hành vi thao túng chỉ số để trục lợi.
Việc xác định được nguyên nhân của điều chỉnh là rất quan trọng. Xin ông có thể phân tích sâu hơn về những điều này.
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Như chúng ta đã phân tích ở trên, TTCK Việt Nam đang đứng trước bề bộn các vấn đề từ khách quan đến nội tại. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tố tích cực khác, mang lại niềm hy vọng cho thị trường. Có 3 điểm nhấn quan trọng, chúng ta cần lưu tâm:
Thứ nhất: kinh tế chính trị thế giới rất khó xảy ra khủng hoảng. Thế giới đã thay đổi, không một ai có thể áp đặt ý chí một chiều, và quan trọng nhất, vì lợi ích chung, không ai có thể phá vỡ thế cân bằng. Giá dầu tăng cũng là yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Dù mang nhiều màu sắc bảo hộ, nhưng việc dòng tiền lớn dịch chuyển về Mỹ là điều khó có thể xảy ra. Kinh tế vĩ mô trong nước vẫn có sự ổn định và giữ được tăng trưởng cao trong 3 năm nữa. Sự đồng thuận cũng như sự ủng hộ cho TTCK của chính phủ cũng là yếu tố quan trọng.
Thứ hai: việc khối ngoại bán ròng lớn trong thời gian qua không hẳn là với mục đích rút tiền khỏi TT Việt Nam. Có nhiều quĩ thực hiện chốt lãi, tái cơ cấu danh mục đầu tư. Họ cũng dành phần tiền để mua một số khủng long mới chào sàn như VHM,TCB. Về giao dịch của khối nội thì tình trạng Margin call cũng đã bớt căng thẳng. Dòng tiền vào thị trường đã "thật" hơn.
Thứ ba: về yếu tố kỹ thuật, rất nhiều dấu hiệu đã chứng tỏ thị trường đang giao dịch "quá bán". Chỉ trong thời gian rất ngắn, P/E toàn thị trường đã giảm mạnh. Nếu loại bỏ những yếu tố nhiễu, P/E hiện nay khoảng 15, một con số hấp dẫn so với khu vực. Rất nhiều mã có nền tảng kinh doanh tốt, có tổng tài sản lớn, có tiềm năng tăng trưởng ngay trong ngắn hạn, nhưng hiện đang bị bán quá đà, bị định giá dưới giá trị quá xa.
Xin ông đưa ra dự báo cho TTCK giai đoạn tới?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: nếu quan sát yếu tố thanh khoản, chúng ta nhận thấy KLGD đã giảm trên 50% so với đỉnh. Như vậy, cung hàng vùng giá rẻ này đã có dấu hiệu cạn kiệt. Có thể nói, đáy đã quanh đây. Chúng tôi nghiêng về quan điểm đáy ở vùng 980-1.020 điểm. Tuy vậy, quá trình tạo đáy, tích lũy đi lên cũng cần một thời gian nhất định.
Nếu xét tới vài yếu tố khách quan như mùa Word Cup, vùng trũng thông tin của quí 2, thì có lẽ thị trường sau khi tạo đáy, sẽ tích lũy khoảng 3 tuần trước khi tăng trở lại. Cá nhân tôi dự báo thị trường sẽ không còn có những đợt tăng sốc như đầu năm, nhưng sẽ đi bền hơn. Kết quả cuối cùng là vẫn sẽ vượt đỉnh lịch sử vào cuối năm 2018.
Nếu tin tưởng vào những yếu tố phân tích trên, việc cần làm là hãy chuẩn bị một danh mục đầu tư tốt nhất, có thể mang lại giá trị lợi nhuận cao nhất. Chúng tôi vẫn đánh giá cao những cổ phiếu có nền tảng cơ bản, có tài sản tốt, thuộc các dòng Ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Đặc biệt, có thể chú ý thêm dòng Dầu khí và sự trở lại của nhóm Nông nghiệp, Thủy sản.
Nhưng quan trọng hơn hết, nhà đầu tư nên quản trị tài sản một cách hợp lý. Không bao giờ nên "all in" trong một cuộc chơi với xác suất thắng dưới 99%. Hãy luôn phòng vệ với những diễn biến bất ngờ nhất của thị trường.