Ông Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sau khi trồng bơ, ông tiếp tục thành công khi đưa giống bơ mới (bơ Mỹ) ghép lên gốc bơ thường. Việc làm này đã giảm tối đa thời gian cho thu hoạch quả bơ từ 5 năm về còn 6-8 tháng từ khi trồng cây ghép. Đây là 1 trong những cách, mô hình mới làm giàu từ nông nghiệp, làm giàu ở nông thôn rất có ích đối với nông dân Tây Nguyên khi cây tiêu có hiện tượng chết hàng loạt và giá tiêu thấp kỷ lục kéo dài lê thê...
Những gốc bơ thường ông Nguyễn Tấn Dũng trồng trên đất vườn tiêu chết sau 5 năm trồng đã cho thu quả bói rất sai. Có những cây khỏe, ông Nguyễn Tấn Dũng thu hái được gần 2 tạ quả.
Về kỹ thuật ghép bơ Mỹ lê gốc bơ thường, trò chuyện với chúng tôi, ông Dũng cho biết: “Khi chọn mầm bơ Mỹ để cắt, ghép vào những gốc bơ mẹ không được chọn mầm quá già, cũng không quá non. Mầm phải to, mập mạp, xanh và phát triển mạnh thì khi ghép tỷ lệ sống mới cao. Còn đối với cây mẹ (tức là cây bơ thường) cũng phải chăm sóc cây thật khỏe mạnh, khi cây đủ lực ghép mầm vào chồi sẽ lên nhanh, những cây bơ mẹ lá vàng, yếu, bị thối khi cắt, ghép nó sẽ không lên được và chết ngay ”.
Những gốc bơ thường đã được ông Nguyễn Tấn Dũng cắt, ghép thành công giống bơ Mỹ.
Theo ông Nguyễn Tấn Dũng, thời gian cho một một chồi non có thể nhú lên chỉ rơi vào khoảng 20 ngày sau khi cắt ghép, nếu cây yếu thì từ 25 ngày đến 1 tháng. Cũng theo ông Nguyễn Tấn Dũng, trong thời gian cắt, ghép cũng không cần phải chăm sóc gì, nếu gốc quá khô thì tưới chút nước là được còn mùa mưa thì không cần tưới.
“Đặc biệt, chu kỳ bón phân phải đợi đến khi đoạn ghép cây nứt mầm ra chồi rồi mới bón phân được. Trong thời gian ghép, cắt hoàn toàn lượng phân để cho mầm ghép dính lại. Lưu ý, nếu tưới nước thường xuyên và chăm phân hóa học vào là cây mẹ sẽ bị loãng chất, không dính được với mầm mới ghép. Tuy nhiên nước vẫn có thể tưới số lượng ít, còn phân thì tuyệt đối không được bón vì cây mầm đang phát triển. Nếu cho phân vào các hoạt chất trong phân sẽ nở ra hút nước, hút phân rồi đưa lên những cái mầm mới ghép. Khi đó từng mầm mới ghép sẽ bị dư nước, không kết dính được, thừa nước sẽ dẫn đến thối mầm. Khi chồi nứt lên hoàn toàn mới được bón phân cho cây”, ông Nguyễn Tấn Dũng lý giải chi tiết.
Ông Nguyễn Tấn Dũng đang hướng dẫn bà con nông dân trong thôn, ngoài xã cách ghép mầm bơ Mỹ lên gốc bơ thường.
Để ghép được giống bơ Mỹ trên gốc bơ thường khá đơn giản chỉ cần dao ghép, băng ghép tự hoại, chồi ghép là ông Nguyễn Tấn Dũng có thể ghép được cả nghìn gốc chỉ trong một buổi sáng. Vì làm tỉ mỉ, chăm sóc tốt, biết lựa chọn khoảng thời điểm thích hợp nên những chồi bơ ghép của ông Nguyễn Tấn Dũng đạt từ 90-98%. Hiện tại, trong vườn ươm của ông đang ghép nhiều loại bơ Mỹ như: Reed, Pinkerton, Gem hass, Hass, Lamb hass. Tất cả các loại giống bơ Mỹ trên đều được ông Nguyễn Tấn Dũng tìm tòi kỳ công, cẩn trọng và đặt lấy từ Đà Lạt (Lâm Đồng).
Giống bơ Mỹ đã được ghép thành công và đang phát triển khá tốt trong vườn ươm của gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng.
Theo ông Nguyễn Tấn Dũng, thời điểm thích hợp để cắt, ghép là vào mùa khô, cần hạn chế tối đa mùa mưa vì khi trời mưa lượng nước tích tụ nhiều sẽ làm thối mầm, thối chồi, chồi kém phát triển, tỷ lệ thành công thấp. Một số giống bơ mỹ như: Pinkerton, Reed ghép khoảng hơn 4 tháng là đã cho thu hoạch.
“Trước khi cắt, ghép khoảng 20-25 ngày cũng cần cách ly với phân, nếu trước khi ghép đem phân bón vào cây chuẩn bị ghép, mầm mới được ghép trên cây cũng không dính được vì khi đó tế bào cây đang nở, rỗng nên hút phân, nước nhiều sẽ thối nhanh”, ông Nguyễn Tấn Dũng tiết lộ.
Giống bơ Mỹ được ông Nguyễn Tấn Dũng ghép thành công trên gốc bơ thường đã bắt đầu cho những quả nhỏ, hứa hẹn 1 vụ bơ bội thu.
Hiện tại, 2 vườn bơ lớn ông Nguyễn Tấn Dũng đã ghép được khoảng 100 giống bơ Mỹ trên thân cây bơ lớn. Còn vườn ươm ông đã ghép được 5 loại giống khoảng 7.000-8.000 cây. “Vì vườn lớn những gốc cây mẹ rễ lớn ăn nước, ăn phân nhiều hơn nên đẩy chồi lên nhanh, những cây ở vườn ươm nhỏ hơn, rễ nhỏ, sức đề kháng còn yếu nên lên chồi chậm hơn. Thời điểm hiện tại đang là mùa khô nên tôi đang tranh thủ cắt, ghép kịp chuyển giao giống cây đến bà con nông dân rồi hướng dẫn bà con chi tiết cách cắt, ghép, chăm sóc...”, ông Nguyễn Tấn Dũng tâm sự.
Dù mới cho bói năm đầu tiên nhưng gốc bơ booth của ông Nguyễn Tấn Dũng đã cho quả khá sai. Từ khi chuyển từ vườn tiêu chết sang trồng bơ, ghép bơ Mỹ lên gốc bơ thường, vườn nhà ông Nguyễn Tấn Dũng luôn luôn có bà con, cán bộ khuyến nông lui tới thăm quan, học hỏi. Ông Nguyễn Tấn Dũng rất vui vẻ đón tiếp và chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm, cách chuyển đổi cây trồng đối với bà con nông dân trong vùng.