Ngày 5/5, UBND TPHCM đã tổ chức buổi tọa đàm với các chuyên gia và doanh nghiệp nhằm khôi phục và phát triển kinh tế thành phố sau dịch COVID-19.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh TTBC
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong quý I/2020, TPHCM chỉ đạt mức tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 0,42% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức thấp nhất kể từ năm 1986 đến nay. Là đầu tàu kinh tế, dẫn dắt kinh tế của vùng và cả nước, tuy nhiên theo ông Phong, TPHCM luôn đạt tốc độ phát triển kinh tế cao hơn cả nước, trung bình từ 1,1-1,2 lần trong thời gian dài.
Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nặng đến các doanh nghiệp TPHCM. Ảnh TTBC
"Sự tăng trưởng chậm lại của thành phố sẽ có nhiều tác động đến tăng trưởng chung của cả nước. Vì vậy, TPHCM tập trung mọi nguồn lực, mọi giải pháp để khôi phục và phát triển kinh tế thành phố sau dịch COVID-19 là mệnh lệnh, cần làm ngay trong bối cảnh hiện nay", Chủ tịch UBND TPHCM nói.
Thủ tục tiếp cận chính sách còn phức tạp
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM báo cáo đánh giá chung về tình hình doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 vừa qua. Trong đó, đối với nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, lương thực thực phẩm, nông sản... có mức độ tăng trưởng nhưng không cao; đối với nhóm dệt may, da giày, khẩu trang...bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch COVID-19, thiếu nguồn nguyên liệu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất..
Theo ông Dũng, khảo sát thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp phản ánh việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ chưa được thuận lợi. Trong đó có 28% ý kiến cho rằng, các thủ tục còn phức tạp, 14% ý kiến cho rằng cơ quan chức năng hướng dẫn chưa nhiệt tình,...Đây là những ý kiến TPHCM cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan đầu mối giải quyết hỗ trợ các doanh nghiệp kịp thời.
Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho biết các rào cản về thẩm định, chứng minh thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 gây ra, tài sản thế chấp và chứng minh khả năng trả nợ vẫn là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong việc tiếp cận các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ.
70.000 lao động bị ảnh hưởng
Dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực, trước hết là ngành du lịch TPHCM giảm rất mạnh, doanh thu ngành ăn uống giảm 32%, doanh thu ngành giáo dục giảm 26%, giá trị giao dịch trong bất động sản giảm 13%...trong quý I/2020. Tăng trưởng kinh tế của TPHCM trong quý I/2020 chỉ tăng 0,42% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo, số doanh nghiệp giải thể trong quý I/2020 tăng hơn 50% (1.523 doanh nghiệp) so với cùng kỳ, doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động là 32% (5.088 doanh nghiệp) do ảnh hưởng dịch COVID-19. Kéo theo gần 1000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 6.424 lao động phải tạm ngưng việc. TPHCM còn dự kiến có đến 70.000 lao động bị tác động trong thời gian tới nhất là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tiểu thương bị "tổn thương ghê gớm"
TS Trần Du Lịch (thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ) cho biết, hiện nay một vấn đề hết sức thách thức trong điều kiện bình thường mới này, TPHCM mở các hoạt động kinh tế bình trường trở lại cỡ nào, đây là yếu tố rất quan trọng.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương dễ bị "tổn thương" nhất do dịch COVID-19. Ảnh Văn Minh
Ngoài các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, ông Trần Du Lịch đề cập đến nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, "tổn thương ghê gớm" là khoảng 300.000 hộ tiểu thương, hộ kinh doanh của thành phố. TPHCM cũng cần có chính sách hỗ trợ cho cả nhóm này. Nhóm này càng phục hồi sớm thì góp phần phát triển kinh tế thành phố, bên cạnh hơn 200.000 doanh nghiệp.
Đồng quan điểm này, GS.TS. Đỗ Đức Hùng (Trường ĐH Kinh tế TPHCM) cho biết, ở khu vực doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đặc biệt là giới tiểu thương dể bị "tổn thương" do ảnh hưởng của dịch bệnh. Các đối tượng dễ bị "tổn thương" nhất, đồng thời cũng dễ phục hồi nhất. Do vậy TPHCM cần có giải pháp nâng cao sức đề kháng, hồi phục nhóm đối tượng này một cách nhanh chóng nhất có thể.
GS.TS Đỗ Đức Hùng đề xuất 6 giải pháp cho nhóm đối tượng này trong thời gian tới. Trong đó thành phố cần tiến hành đánh giá ngay mức độ "tổn thương" trong từng lĩnh vực ngành nghề; tái cấu trúc lại hoạt động kinh tế của thành phố đối với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ này (nhóm này chiếm 97%); trên cơ sở đó tái cấu trúc lại thị trường, đặc biệt là thị trường trong nước; cấp bách hỗ trợ các tiểu thương, hộ kinh doanh không chỉ vốn, mà còn đào tạo kỹ năng, phương thức kinh doanh mới...
Ngăn chặn doanh nghiệp phá sản do dịch COVID-19
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, các quốc gia sẽ thoát ra khỏi dịch và chuyển sang trạng thái bình thường mới với thời gian, quy mô khác nhau. Do đó Việt Nam cần mở cửa kinh tế, du lịch với từng nước tùy vào điều kiện, thời điểm khác nhau trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 12/2020.
Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, thách thức lớn nhất là làm sao phát hiện và kiểm soát kịp thời nguy cơ lây nhiễm của trên 6 triệu khách du lịch nước ngoài có thể vào Việt Nam trong thời gian này. Đồng thời phải phục hồi phát triển kinh tế thành phố.
“TPHCM có nhiều giải pháp thực hiện tuy nhiên trước mắt cần nỗ lực ngăn chặn doanh nghiệp phá sản. Trong đó hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, dịch vụ, hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động”- ông Nhân nói.
Bên cạnh đó, theo ông Nhân, đẩy mạnh và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả xuất khẩu. Dự báo kịp thời, phối hợp với các nước đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư, du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước.