Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, điều cốt lõi của thành phố thông minh là phải dự báo được tình hình trong trung hạn và dài hạn để có giải pháp ngay từ bây giờ. Muốn vậy phải có một trung tâm mô phỏng với số liệu tổng hợp của nhiều ngành.
“Bà con nói vui rằng đường còn tắc thì làm gì có đô thị thông minh. Chính đường còn tắc, còn ngập nước nên mới cần đô thị thông minh. Chúng ta phải biết khi nào nó tắc để có biện pháp xử lý, nếu không chỉ là giải quyết tình huống” – ông Nhân nói.
Ông cũng bày tỏ rằng, đứng trước thách thức, thành phố sẽ tìm ra giải pháp. Cũng như Singapore, từ chỗ phải nhập khẩu nước uống từ Malaysia, nhưng nhờ biết dự trữ, xử lý đã trở thành nước xuất khẩu nước uống.
Tiếp tục nhấn mạnh đến các phần mềm mô phỏng, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các doanh nghiệp trong nước tham gia tạo lập để dự báo cho các lĩnh vực chủ chốt của thành phố như ngập nước, kẹt xe, kinh tế…
Theo ông, đây phải là sản phẩm của người Việt để chủ động nâng cấp trong tương lai, không để lệ thuộc vào nước ngoài.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cũng đặc biệt lưu ý đến đảm bảo an toàn thông tin. Ông nói: “Càng thông minh thì càng kết nối, càng kết nối thì càng rủi ro, nhưng không phải vì thể mà mình không làm”.
“Là nơi đầu tiên xây dựng thành phố thông minh, mình sẽ là nơi đầu tiên giải quyết áp lực về an toàn hệ thống. Đối đầu với thách thức đầu tiên phải lo tìm giải pháp đầu tiên, thành phố nên đi đầu vì chúng ta cần điều này hơn ai hết” – ông cho hay.
Phát biểu sau đó về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh tuyến cho rằng, ông đã tham khảo mô hình đô thị thông minh tại nhiều nước, và trong các buổi tiếp xúc họ đều khuyên rằng không nên áp dụng một mô hình cố định cho TP.HCM.
“Có nơi họ quá nhiều tiền mình không thể theo được, như Singapore. Có nơi hạ tầng họ đã hoàn chỉnh. Còn mình tiền có giới hạn, nguồn nhân lực thì có nhưng còn nhiều khác biệt. Do vậy họ đề nghị hãy xuất phát từ thực tiễn để xây dựng đô thị thông minh của mình” – ông Tuyến chia sẻ.
Đô thị thông minh sẽ giải các bài toán nan giải của thành phố hiện nay như ngập nước, kẹt xe. |
Trước đó, trình bày về nguồn nhân lực, Tiến sĩ Đinh Đức Anh Vũ – Phó hiệu trưởng ĐH Công nghệ thông tin cho rằng, số liệu thống kê cho thấy ngay cả Mỹ và Châu Âu cũng sẽ thiếu hàng trăm ngàn nhân lực về công nghệ thông tin trong những năm tới.
Theo ông, tại Việt Nam hiện chỉ có khoảng 177.000 sinh viên công nghệ thông tin, trong khi kế hoạch đến năm 2020 phải có tới 1 triệu nhân lực.
“Giống như nhiều nước khác, Việt Nam đã và đang thiếu một lượng lớn kỹ sư công nghệ thông tin – ít nhất là trong 5 năm tới” – TS Vũ nhận định và cho rằng cần đào tạo dư thừa, bởi nếu chỉ đào tạo đủ “sẽ khó có đột phá”.
Ông Vũ cũng nêu ra bất cập trong việc phối hợp của nhà nước – nhà trường và nhà tuyển dụng khi chưa có kế hoạch rõ ràng và chưa quan tâm đến đầu tư, hợp tác.
Ông đề nghị trong ngắn hạn TP.HCM phải đảm bảo nguồn cung nhân lực từ các trường của ĐH Quốc gia, trung hạn phải tiến hành chuyển giao giữa ĐH Quốc gia và các trường ngoài khối, dài hạn phải hướng nghiệp công nghệ thông tin ngay từ bậc trung học.